Áp lực thi cử - Nỗi lo thường trực của học sinh lớp 12
Thí sinh xếp hàng thi Đánh giá năng lực (HSA) tổ chức tại Đại học Thái Bình.
Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố lịch thi tốt nghiệp THPT sẽ diễn ra từ ngày 26 – 27/6. Đây là giai đoạn căng thẳng nhất với học sinh lớp 12 khi các em phải đối mặt với kỳ vọng từ gia đình, thầy cô và cả chính bản thân. Nhiều trường hợp xuất hiện dấu hiệu stress, thậm chí trầm cảm do áp lực tích tụ trong thời gian dài.
Áp lực bủa vây học sinh cuối cấp
Theo Thông tư số 24/2024/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 có nhiều thay đổi quan trọng. Số môn thi giảm còn 4 môn, gồm Toán, Ngữ văn (bắt buộc) và 2 môn tự chọn. Tỷ lệ xét tốt nghiệp được điều chỉnh thành 50% điểm học bạ và 50% điểm thi. Ngoài ra, điểm khuyến khích từ chứng chỉ nghề bị loại bỏ, chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế không còn được quy đổi thành điểm 10. Những điều chỉnh này buộc học sinh phải nhanh chóng thích ứng với quy chế thi mới.
Học sinh trường THPT Thái Phúc (Thái Thụy).
Để tăng cơ hội xét tuyển đại học, nhiều học sinh đang phải “gồng mình” tham gia hàng loạt kỳ thi thử, thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy do các trường đại học tổ chức. Nhiều trường THPT tổ chức từ 3 – 5 đợt thi thử để học sinh làm quen với cấu trúc đề thi, kiểm tra năng lực và rà soát kiến thức. Các kỳ thi như đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh hay đánh giá tư duy của các trường nhóm kỹ thuật trở thành “sân chơi bắt buộc” nếu muốn gia tăng cơ hội trúng tuyển.
Không đăng ký được điểm thi gần nhà, em Trần Thị Mai Anh (Trường THPT Nguyễn Trãi) phải di chuyển đến điểm thi ở tỉnh Hải Dương để tham dự kỳ thi đánh giá năng lực. Lịch thi dày đặc cùng việc phải di chuyển xa khiến em luôn trong trạng thái căng thẳng. “Mỗi kỳ thi có lượng kiến thức và yêu cầu khác nhau, buộc em phải liên tục thay đổi phương pháp học, gần như không có thời gian nghỉ ngơi”, Mai Anh chia sẻ.
Việc giành suất vào các trường đại học danh tiếng hay các ngành học “hot” đang trở thành một cuộc đua đầy áp lực. Khi xung quanh ai cũng đặt mục tiêu vào những trường “top”, điểm số dường như trở thành thước đo năng lực. Nhiều học sinh phải căng mình ôn luyện để không bị tụt lại.
Em Bùi Tiến Đạt (Trường THPT Nguyễn Trãi) cho biết, em đã bắt đầu ôn thi đánh giá năng lực từ cuối lớp 11. Hiện nay, mỗi ngày em dành từ 6 – 7 tiếng để học, nhưng vẫn luôn cảm thấy chưa đủ. Áp lực từ việc phải đỗ vào trường top đầu khiến em lúc nào cũng căng thẳng. Có những ngày thi thử điểm thấp, em lại hoang mang, lo lắng mình đang đi sai hướng. Càng đến gần kỳ thi, em càng mệt mỏi nhưng không dám nghỉ vì sợ bị bỏ lại phía sau.
Bên cạnh khối lượng kiến thức lớn, kỳ vọng của gia đình, thầy cô cũng là nguồn áp lực không nhỏ. Với nhiều phụ huynh, kỳ thi tốt nghiệp là cột mốc quan trọng quyết định tương lai con cái. Mong muốn con đỗ vào đại học danh tiếng khiến nhiều cha mẹ vô tình đặt kỳ vọng quá cao. “Em sợ không đáp ứng được mong đợi, sợ kết quả không như ý sẽ khiến bố mẹ buồn lòng. Mỗi lần nghĩ đến điều đó, em lại càng căng thẳng hơn, cảm giác như mình không được phép sai, không được phép thất bại”, em Phạm Như Quỳnh (Trường THPT Nguyễn Đức Cảnh) tâm sự.
Học sinh phát biểu trao đổi bài học.
Không để áp lực thi cử trở thành gánh nặng tâm lý
Áp lực thi cử nếu không được giải tỏa kịp thời có thể dẫn đến nhiều hệ lụy về sức khỏe tâm thần và thể chất. Theo Thạc sĩ Tâm lý học lâm sàng Trịnh Thị Thanh Huyền, căng thẳng kéo dài khiến học sinh dễ rơi vào tình trạng lo âu, mất ngủ, chán ăn, thậm chí rối loạn lo âu và trầm cảm. Một số em còn gặp tình trạng kiệt sức học đường (burnout), mất động lực học, thu mình và tránh giao tiếp. Ngoài ra, áp lực kéo dài còn có thể gây ra các vấn đề thể chất như đau đầu, đau dạ dày, suy giảm miễn dịch hoặc rối loạn ăn uống.
Học sinh ôn tập trên lớp.
Trong bối cảnh đó, vai trò của phụ huynh và nhà trường là vô cùng quan trọng. Không chỉ hỗ trợ học tập, gia đình và nhà trường cần tạo môi trường tâm lý ổn định, giúp học sinh cân bằng giữa học tập và chăm sóc sức khỏe tinh thần.
Thạc sĩ Trịnh Thị Thanh Huyền cho rằng, phụ huynh cần đồng hành cùng con trong việc quản lý thời gian, xây dựng thói quen sinh hoạt lành mạnh, tránh học quá sức. Đặc biệt, sự lắng nghe và thấu hiểu sẽ giúp các em giảm áp lực. “Hãy động viên con bằng lời khen tích cực dù chỉ là những tiến bộ nhỏ, và tránh so sánh con với người khác”, chuyên gia nhấn mạnh. Thay vì tạo áp lực về điểm số, cha mẹ nên khuyến khích con cố gắng hết sức và đặt ra mục tiêu thực tế, phù hợp với khả năng.
Về phía nhà trường, cần tổ chức thường xuyên các hoạt động tư vấn tâm lý, hướng nghiệp, rèn luyện kỹ năng quản lý thời gian và kiểm soát căng thẳng. “Các trường có thể tạo ra không gian để học sinh thư giãn, tham gia thể thao, nghệ thuật giúp các em cân bằng giữa học và nghỉ”, Thạc sĩ Trịnh Thị Thanh Huyền đề xuất.
Để giảm bớt căng thẳng trong giai đoạn ôn thi, học sinh cũng cần xây dựng phương pháp học tập khoa học và duy trì lối sống lành mạnh. Các kỹ thuật quản lý thời gian như phương pháp Pomodoro (học 25 – 30 phút, nghỉ 5 – 10 phút) giúp tăng hiệu quả và duy trì sự tập trung. Bên cạnh đó, học sinh nên ngủ đủ giấc, ăn uống điều độ, tham gia hoạt động thể chất như đi bộ, yoga để tăng sức bền tinh thần. Khi gặp áp lực quá lớn, các em nên tìm kiếm sự hỗ trợ từ thầy cô, bạn bè hoặc người thân để được chia sẻ, thay vì chịu đựng một mình.
Tin vào khả năng bản thân, cố gắng hết mình nhưng đừng quên chăm sóc sức khỏe và giữ vững tinh thần tích cực – đó là hành trang vững chắc giúp học sinh vượt qua kỳ thi một cách hiệu quả và an toàn.
Thanh Huyền
(SVTT)
Tin cùng chuyên mục
- Tư tưởng chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm trong bài viết “Học tập suốt đời” 13.03.2025 | 09:44 AM
- Đưa học sinh trở về với tết cổ truyền 26.01.2025 | 09:39 AM
- Thái Bình: 72 học sinh tham gia kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia THPT năm học 2024 - 2025 24.12.2024 | 15:54 PM
- Thành phố: 133 giáo viên tham gia hội thi giáo viên dạy giỏi năm học 2024 - 2025 17.12.2024 | 16:12 PM
- Xã luậnNhân lên truyền thống “tôn sư, trọng đạo” 20.11.2024 | 05:12 AM
- Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố: Tổ chức chuyên đề thay sách giáo khoa mới lớp 9 11.10.2024 | 17:54 PM
- UBND thành phố: Chấn chỉnh việc dạy thêm, học thêm 09.10.2024 | 18:56 PM
- Đồng chí Ngô Đông Hải, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy dự lễ khai giảng năm học mới tại Trường THPT Tây Thụy Anh 05.09.2024 | 11:13 AM
- Phát động cuộc thi trắc nghiệm trên internet tìm hiểu danh nhân văn hóa Lê Quý Đôn 26.04.2024 | 17:35 PM
- Thành phố: 32 giáo viên tham gia hội thi giáo viên chủ nhiệm giỏi 11.03.2024 | 17:00 PM
Xem tin theo ngày
-
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và phu nhân thăm Đại học Phương Đông Tashkent
- Khai mạc lễ hội Tiên La
- Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tiếp Chủ tịch Ủy ban về quan hệ liên dân tộc và kiều bào ở nước ngoài của Uzbekistan
- Chủ tịch nước Lương Cường dâng hương Giỗ Tổ Hùng Vương
- Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn gặp Chủ tịch IPU Tulia Ackson
- Lễ hội Tiên La: Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
- Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn hội đàm với Chủ tịch Thượng viện Uzbekistan Tanzila Narbaeva
- Kiên định mục tiêu tăng trưởng GDP 8% trở lên
- Doanh nghiệp Thái Bình ứng phó thế nào với chính sách thuế quan mới của Mỹ ?
- Tổng Bí thư Tô Lâm điện đàm với Tổng thống Hoa Kỳ Donald J.Trump