Thứ 4, 13/11/2024, 05:28[GMT+7]

Chủ động đổi mới phương pháp dạy cấp tiểu học

Thứ 2, 04/05/2015 | 14:57:49
1,529 lượt xem
Tiếp tục quán triệt quan điểm đổi mới phương pháp dạy học theo hướng tiếp cận và nâng cao năng lực của người học bảo đảm nhẹ nhàng, tự nhiên, phát huy tính tự giác, chủ động, sáng tạo, tạo niềm vui, gây hứng thú trong học tập cho học sinh, những năm gần đây bậc giáo dục tiểu học đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm từng bước nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.

Học sinh Trường Tiểu học Lê Hồng Phong (thành phố Thái Bình) trong tiết tiếng Việt 1 công nghệ giáo dục.

 

Ngay từ đầu năm học, Phòng Giáo dục tiểu học (Sở Giáo dục và Đào tạo) đã triển khai và chỉ đạo các trường tiểu học tích cực thực hiện các chuyên đề phục vụ cho việc dạy học. Mỗi giáo viên áp dụng ít nhất một phương pháp mới vào dạy học và sử dụng có hiệu quả các thiết bị, đồ dùng dạy học hiện có, tự làm một số đồ dùng dạy học phục vụ cho quá trình lên lớp, tích cực hướng dẫn học sinh sử dụng, khai thác hình ảnh, kênh hình trong sách giáo khoa. Các trường tiểu học chỉ đạo cán bộ thư viện lên danh mục đồ dùng hàng tháng để giáo viên các khối, lớp có kế hoạch mượn và sử dụng hiệu quả. Thông qua các buổi sinh hoạt chuyên môn hội đồng, sinh hoạt chuyên môn tổ, các giáo viên có điều kiện trao đổi, góp ý, rút kinh nghiệm và đưa ra các biện pháp để sử dụng hiệu quả thiết bị, đồ dùng dạy học.

 

Trong quá trình giảng dạy, giáo viên đã chú trọng đổi mới phương pháp dạy học, áp dụng các phương pháp dạy học tích cực nhằm phát huy tính sáng tạo, độc lập suy nghĩ của học sinh để học sinh tự mình tìm ra những kiến thức cần học. Một số trường tiểu học đã vận dụng phương pháp bàn tay nặn bột vào một số tiết dạy các môn khoa học lớp 4, lớp 5 và môn tự nhiên và xã hội lớp 2, lớp 3. Đây là phương pháp dạy học khoa học dựa trên cơ sở sự tìm tòi, nghiên cứu và thường được áp dụng cho việc dạy học các môn tự nhiên. Qua năm bước của phương pháp bàn tay nặn bột và ứng dụng công nghệ thông tin hiệu quả trong bài giảng, các tiết dạy diễn ra thoải mái, tự nhiên, học sinh đã rèn luyện nhiều khả năng xử lý tình huống hơn so với các phương pháp dạy học khác. Đặc biệt, các em đã mạnh dạn, tự tin bộc lộ hiểu biết của từng cá nhân, sự hợp tác của các thành viên trong hoạt động nhóm. Bên cạnh đó, các em còn được rèn luyện kỹ năng diễn đạt, khả năng dự đoán, suy luận góp phần hình thành tác phong và phương pháp làm việc hiệu quả, khoa học ngay từ cấp tiểu học.

 

Nhiều giáo viên môn mỹ thuật tại các trường tiểu học trên địa bàn tỉnh đã mạnh dạn vận dụng phương pháp dạy học môn mỹ thuật của Đan Mạch vào các tiết dạy. Vận dụng phương pháp dạy học này, học sinh sẽ được giáo viên dạy vẽ theo mẫu thông qua việc sử dụng phương pháp vẽ biểu đạt, vẽ trang trí sử dụng phương pháp vẽ theo nhạc, tạo dáng sử dụng phương pháp tạo hình từ phế liệu, xé dán sử dụng phương pháp xé dán và xây dựng cốt truyện. Nhiều giáo viên đã tận dụng tối đa các phương tiện, đồ dùng học tập sẵn có, sử dụng linh hoạt các chất liệu học sinh đã có, hướng dẫn học sinh sưu tầm các chất liệu sẵn có ở địa phương hoặc những vật dụng bỏ đi để tạo ra nhiều chất liệu phong phú trong các hoạt động dạy học mỹ thuật. So với phương pháp truyền thống, phương pháp mới đã phát huy khả năng sáng tạo của học sinh, tiết học thoải mái, sinh động hơn. Bên cạnh việc áp dụng một số phương pháp dạy học mới, một số địa phương như Quỳnh Phụ, Thái Thụy còn chú trọng xây dựng tủ sách phụ huynh, thư viện trường học… Hiện nay, tại Quỳnh Phụ, tất cả các lớp của các trường tiểu học đã có tủ sách phụ huynh. Nhờ việc đọc sách và hướng dẫn của giáo viên, các em đã biết cách khai thác hình ảnh trong sách giáo khoa, sử dụng hợp lý các loại sách tham khảo phục vụ cho quá trình học tập của mình.

 

Tuy nhiên, do một số trường tiểu học gặp khó khăn về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên nên chỉ áp dụng phương pháp dạy học mới vào một số dịp đặc biệt như hội giảng, thao giảng, chuyên đề…, vì vậy giáo viên và học sinh mới chỉ tiếp cận được ở bước đầu. Thời gian tới, ngành Giáo dục sẽ tiếp tục chỉ đạo các trường đổi mới phương pháp dạy học, áp dụng đúng đối tượng, đúng mục đích kết hợp với việc sử dụng có hiệu quả các phương tiện dạy học và ứng dụng công nghệ thông tin, góp phần từng bước nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.

 

Đặng Anh

  • Từ khóa