Thứ 7, 09/11/2024, 22:37[GMT+7]

Một gia đình giáo dân hiếu học

Thứ 5, 23/12/2010 | 08:28:16
2,563 lượt xem
Tôi đến nhà chị thuộc thôn Phương Trạch, xã Phương Công (Tiền Hải) vào lúc 14h20, chị vừa dùng xong cơm trưa. Nhìn chiếc xe máy cà tàng, được chế thêm bộ phận chở hàng dựa cửa, bên cạnh một bao men rượu tôi hiểu chị lại chuẩn bị hành trình “mưu sinh kiếm sống” buổi chiều.

Chị Ninh chuẩn bị hàng đi chợ chiều. Ảnh: Phan Đức Lợi

Tròn 50 tuổi với vóc người nhỏ bé, nhưng ẩn sâu trong chị một nghị lực phi thường. Chị là Mai Thị Ninh - một gia đình theo đạo Thiên Chúa,  đã được công nhận là “Gia đình hiếu học tiêu biểu”, gia đình văn hoá cấp tỉnh...

 

Cha ông ta đã tổng kết “ mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”, hoàn cảnh “gia đình hiếu học tiêu biểu” của chị Mai Thị Ninh thật đặc biệt. Năm 2003, chồng chị là anh Phạm Văn Thành, do một căn bệnh hiểm nghèo đã đột ngột ra đi, để lại cho chị ba con đang tuổi ăn, tuổi học. Chẳng những thế, chị còn gánh một gánh nặng nợ nần về tiền thuốc thang cho anh, tiền vay mượn tạm cho các con học hành. Mẹ goá con côi, chị Ninh thơ thẩn vào ra, suy tư  mai ngày sẽ sống ra sao, chứ chưa nói đến việc học hành của các con. Trong những ngày cam go ấy, họ hàng, làng xóm, các đoàn thể nhân dân đã đến với mẹ con chị làm vơi đi sự đau buồn. Mẹ con chị bắt đầu một cuộc sống mới.

 

Chị Ninh tâm sự: Ngay từ nhỏ chị đã được cha mẹ, đặc biệt là người cha kính yêu, một nhà giáo (Thầy giáo Tư ở làng Trình Nhì, xã An Ninh, Tiền Hải) truyền cho tinh thần hiếu học. Hoàn cảnh gia đình không cho phép nên chị phải dở dang việc học hành và đi xây dựng gia đình. Chị xác định, con cái là tài sản vô giá nên dù hoàn cảnh có khó khăn thế nào cũng không thể để các con thất học.

 

Từ suy nghĩ ấy, chị Ninh bắt đầu thay đổi cách nghĩ, cách làm để có tiền cho 3 con trai: Trung, Quang và Hiếu ăn học mà vẫn giữa được thanh danh “kính chúa, yêu nước” của người công giáo Việt Namon>. Chị quyết định nhường bớt 3 sào (trong số 6 sào ruộng khoán) cho bà con chòm xóm, chuyển sang việc học làm men rượu bằng vị thuốc Bắc và buôn bán quần áo “đổ đống”  ở các chợ.

 

Công việc đồng áng chỉ tranh thủ trưa, tối vì vậy, một ngày chị phải làm việc mười mấy tiếng đồng hồ. Từ 4 – 5 giờ sáng đã phải dậy đưa hàng lên xe máy, mang đi các chợ phiên trong vùng như chợ Phủ Sóc, chợ Bặt (Kiến Xương), chợ Tiểu Hoàng, chợ huyện (Tiền Hải)... để bán. Đi nhiều, đi lâu không chỉ quen khách mà nhớ từng phiên. Men rượu chị Ninh làm đảm bảo chất lượng, giá lại phải chăng nên có ngày, có phiên bán 7 – 8 kg, không kể khách còn đến nhà mua lẻ. Buổi chiều, chị Ninh đưa quần áo bán đống, bán cân đến các thị trấn, thị tứ bán cho bà con thu nhập thấp. Khu “Ngã ba ông Tượng”, không mấy buổi chiều vắng mặt chị. Thường là 21 hoặc 22 giờ đêm mới ăn cơm tối, lúc đó người đau ê ẩm, chân tay rã rời.

 

Nán lại ít phút với khách, chị Ninh giới thiệu với tôi cách dạy bảo con cái. Chị thường lựa lời nói với các con: “Nhà mình là nông dân, không có vai vế gì trong xã hội, muốn có công ăn việc làm lâu dài, ổn định các con phải lấy sự học hành làm trọng. Mẹ chỉ biết lam làm thế nào để có tiền cho các con ăn học”. Hiểu được hoàn cảnh gia đình “với đôi gánh hàng rong mẹ ru con vào đời”, ba con chị đứa nào cũng chịu thương, chịu khó học tập và thương người.

 

Con đầu lòng là Phạm Quang Trung đã tốt nghiệp đại học giao thông, đang làm việc cho một doanh nghiệp lớn ở Hà Nội. Con thứ hai là Phạm Văn Quang, tốt nghiệp Đại học xây dựng Hà Nội năm 2008 đang hoàn thiện chương trình cao học. Con út - Phạm Văn Hiếu  đang học “lớp tài năng trẻ” Đại học xây dựng Hà Nội năm thứ 2. Riêng Hiếu, trong thời gian tự ôn để dự thi đại học còn kèm hai bạn có hoàn cảnh khó khăn, không có tiền đến các trung tâm luyện thi đại học. Hiếu đỗ “á khoa” với số điểm là 29,5; còn hai bạn của Hiếu đỗ vào Đại học xây dựng Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh .

 

Chị Ninh tâm sự, thương con út, nhưng gửi gắm niềm tin vào con đầu lòng- Phạm Quang Trung. Thương mẹ, thương em, sau khi ra trường, nhận được vịêc làm, Trung không những chăm chỉ, còn dè sẻn chi tiêu, góp tiền với mẹ nuôi một em học cao học và một em đang học năm thứ 2 Đại học xây dựng Hà Nội. Nguyện vọng của Phạm Văn Quang là học cao học, nay cũng sắp hoàn thành. Theo gương anh, Quang học cũng giỏi. Quý Quang vì em nghèo, nhưng ham học nên một thầy kèm em học tiếng Pháp  miễn phí.

 

Vượt lên khó khăn, chị Mai Thị Ninh không chỉ nuôi dạy con học hành chăm ngoan, giỏi giang mà còn tích luỹ xây dựng cho các con một tổ ấm gia đình. Trước khi chồng mất, gia đình chị chỉ có một gian nhà mái bằng chật hẹp, thấp lè tè. Bằng nghị lực của bản thân, chị Ninh đã xây một ngôi nhà mới hai tầng, bên cạnh gian nhà cũ. Chị bảo, rồi đây các con chị trưởng thành – miếng đất chồng chị để lại, ngôi nhà mẹ con chị xây dựng sẽ là tổ ấm để các con, các cháu quây quần, ôn lại truyền thống gia đình, dòng họ và quê hương.

 

 Phan Đức Lợi

  • Từ khóa