Thứ 7, 23/11/2024, 10:32[GMT+7]

Không thầy đố... làm nên

Thứ 5, 12/11/2015 | 08:39:47
1,230 lượt xem
Ân tượng về thành quả 50 năm qua của Trường THPT Nguyễn Trãi trong chúng tôi - thế hệ học sinh những năm đầu, là một ngôi trường tỏa sáng trong gian khó, là hình ảnh những thầy cô giáo mẫu mực, chân tình, hết lòng vì học sinh, chẳng có ngôn từ nào nói hết được. Đi lên từ mái trường tranh tre vách lá, trở thành ngôi trường bề thế hôm nay, Trường đã đào tạo ra hàng vạn học sinh hữu ích cho xã hội. Chất lượng giáo dục, uy tín, vị thế của Trường thực sự đã và đang ở tầm cao tỏa sáng từ ánh

Công việc thường ngày của nhà văn - đạo diễn Minh Chuyên và đồng nghiệp.

Trở về thăm ngôi trường như thế, đám học sinh chúng tôi thật "nhỏ bé". Tuy nhiên, mỗi người vẫn giữ một kỷ niệm cho riêng mình. Với tôi, rời ghế nhà trường là đi cầm súng. Rồi cầm bút. Nghề cầm bút ngày ngày đều sử dụng chữ nghĩa có liên quan đến chữ của thầy, của cô mà tôi đã học nên kỷ niệm rất nhiều và cũng thật khó quên. Trong bài viết ngắn này, chỉ xin nói một chút kỷ niệm về thầy Phí Văn Huề, người hiệu trưởng đầu tiên có tư tưởng ảnh hưởng lớn tới nhiều thế hệ học sinh chúng tôi - một người thầy phẩm chất cao vời vợi. Thầy không trực tiếp dạy tôi nhưng sau này, mỗi khi về thăm Trường hoặc viết bài về Trường, biết tôi làm nghề cầm bút, thầy rất quý, thường quan tâm và dành thời gian thầy trò cùng tâm sự. Thầy giảng cho tôi về đạo lý và tính nhân văn của người cầm bút xưa và nay. Khi thầy trò trở nên thân thiết, thầy khuyên tôi: "Dù trong hoàn cảnh nào cũng đừng để ngòi bút cong lệch".

Một lần, thầy Huề bảo: "Học ở trường là học văn hóa cơ bản, từ tri thức sách vở đến kiến thức thực tiễn là sự biến ảo khôn lường. Nghề viết văn là một nghề khó, phải vật lộn với câu chữ. Con chữ có hội tụ đủ nhân, nghĩa, trí, đức mới là con chữ hữu ích". Tôi hiểu ý thầy, để viết ra những trang sách như thế cần phải học, học rất nhiều. Lời khuyên, lời dạy của thầy chân tình biết bao! Ít lâu sau, một tác phẩm của tôi gặp sóng gió. Tôi về Trường tìm thầy, mong được sự chia sẻ. Nhìn tôi vẻ lo lắng, thầy bảo: "Chữ nghĩa là từ cái tâm của người viết. Cái tâm có sáng thì chữ mới vững, tác phẩm mới đứng được. Tôi đã đọc truyện này của Minh Chuyên, cảm được em viết ra từ cái tâm sáng của mình nên cũng không đáng lo ngại". Quả nhiên, lời động viên và tiên đoán của thầy linh nghiệm, sóng gió xô đẩy, tác phẩm của tôi dần trở lại bình yên. Thực tình khi ấy, tôi không chỉ nhận ra đức tin ở thầy Huề mà còn đọc được cái lo trong sự rung động tình cảm riêng của thầy nữa. Thì ra, thầy cô một thời đã dạy chúng tôi trên bục giảng còn lo cho chúng tôi khi mang con chữ học được ra "thi thố" với cuộc đời. Một nghĩa cử vô cùng cao đẹp.

Về thăm Trường, tôi tự nghĩ bản thân là một trong số những học sinh gọi là có chút thành đạt trên lĩnh vực văn hóa nghệ thuật (tôi viết được 25 bộ sách, có nhiều bộ 2 quyển, gồm truyện ngắn, bút ký, tiểu thuyết về đề tài hậu chiến, biên kịch và đạo diễn gần 200 phim tài liệu phát trên sóng VTV1, đạt 61 giải thưởng quốc gia và quốc tế về văn học, báo chí, điện ảnh, trong đó có giải nhất quốc tế (giải Cúp vàng) tác phẩm "Cha con người lính" trong cuộc thi phim tài liệu quốc tế lần thứ 10 tổ chức tại Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên, tháng 9/2006) - tất cả còn được lưu giữ tại bảo tàng cá nhân Minh Chuyên ở làng Thọ Lộc, xã Minh Khai, huyện Vũ Thư và một phần lưu giữ tại Bảo tàng Văn học Việt Nam (273 Âu Cơ, Hà Nội), trong đó 3 cuốn: Người không cô đơn, Chuyện thời hậu chiếnDi họa chiến tranh được lưu giữ tại thư viện Trường Đại học Harvard - Mỹ). Có được chút ít thành công ấy, dẫu biết từ trang sách học trò đến trang đời tác phẩm là sự lao động sáng tạo không ngừng của bản thân nhưng với tôi, đó còn có công sức, trí tuệ của các thầy cô giáo Trường THPT Nguyễn Trãi và các trường mà tôi đã học. Người ta thường nói: "Không thầy đố mày làm nên", ý nghĩa là thế. Mỗi lần giở lại "trang sách cuộc đời", trang sách như hiện hữu bóng hình thầy cô - những người mà suốt đời cầm bút, tôi luôn trân trọng, biết ơn!

Nhà văn Minh Chuyên
(Cựu học sinh những năm đầu)

 

  • Từ khóa