Thứ 3, 19/11/2024, 11:16[GMT+7]

Nơi dạy chữ, dạy người

Thứ 3, 30/08/2016 | 08:57:17
1,080 lượt xem
Chùa Vĩnh Quang, xã Bình Định (Kiến Xương) không chỉ là nơi hội tụ tâm linh mà còn thu hút rất đông học sinh mọi lứa tuổi vì vào các ngày trong tuần ở đây có lớp học văn hóa và học võ được duy trì đều đặn từ nhiều năm nay. Đến đây, các em không chỉ được dạy văn hóa mà còn được dạy cách làm người.

Lớp học tiếng Anh tại chùa Vĩnh Quang.

Từ nhiều năm nay, tùy vào từng thời điểm, ở chùa Vĩnh Quang lúc nào cũng duy trì một lớp học văn hóa và một lớp học võ, thu hút rất đông học sinh. Đại đức Thích Bảo Thắng, trụ trì chùa Vĩnh Quang cho biết: Với mong muốn thúc đẩy phong trào học tập, nhà chùa đã tạo mọi điều kiện về kinh phí, cơ sở vật chất để duy trì những lớp học này từ nhiều năm nay. Hiện tại, chùa đang duy trì một lớp học tiếng Anh và một lớp học võ, học 3 buổi/tuần. Đối tượng học ở nhiều lứa tuổi, không chỉ bó hẹp trong con em xã Bình Định mà học sinh các xã lân cận như Bình Thanh, Hồng Tiến, Nam Bình… cũng tìm đến đây.

Có con trai đang theo học võ tại chùa, một phụ huynh ở thôn Ái Quốc, xã Bình Định tâm sự: Dạo trước cháu rất lười học, thường nói dối bố mẹ để đi chơi điện tử. Nhưng từ khi theo học võ tại chùa, tính cách của cháu thay đổi hẳn, nhất là ý thức tự giác. Về nhà cháu ngoan ngoãn, biết nghe lời bố mẹ, không còn bỏ học đi chơi điện tử như trước. Có lẽ, những triết lý của võ đạo và đặc biệt là trong không gian học tập vừa yên tĩnh, trong lành lại vừa uy nghi, cung kính đã giúp những đứa trẻ biết lắng nghe, biết tự giác để chăm ngoan hơn.

Lặn lội đạp xe từ Hồng Tiến trong cái nóng oi ả, chưa kịp lau hết những giọt mồ hôi, em Phạm Văn Bắc, học sinh đang theo học tiếng Anh tại chùa Vĩnh Quang cho biết: Nghe bạn bè nói chuyện, em đã đăng ký theo học lớp tiếng Anh tại chùa Vĩnh Quang. Em thấy lớp học rất bổ ích và ý nghĩa, giúp kỹ năng tiếng Anh của em được nâng lên rất nhiều.

Ngoài các lớp học, điều mà Đại đức Thích Bảo Thắng tâm đắc nhất có lẽ là thư viện sách khá đồ sộ với hơn 2.000 đầu sách về nhiều lĩnh vực khác nhau như Phật học, văn học, lịch sử, khoa học, đời sống… được nhà chùa mua, các nhà hảo tâm, con em Bình Định làm ăn xa quê quyên góp ủng hộ. Đại đức Thích Bảo Thắng cho rằng, trong thời buổi công nghệ thông tin phát triển, con người quá phụ thuộc vào mạng điện tử mà quên mất văn hóa đọc. Tuy nhiên, thư viện sách của chùa lại thu hút rất nhiều người đến đọc và nghiên cứu, không chỉ có học sinh mà ngay cả nhân dân, các Phật tử khi có thời gian cũng đến đây để đọc. Đây là điều rất bổ ích đối với các em học sinh khi mà các cuộc thi ngày đòi hỏi nhiều hơn kiến thức, sự am hiểu về đời sống xã hội.

Ông Hoàng Xuân Khoát, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học xã Bình Định cho rằng, mô hình học tập tại chùa Vĩnh Quang là ví dụ rất điển hình cho phong trào học tập đang phát triển mạnh tại xã Bình Định. Công tác giáo dục, khuyến học, khuyến tài được cấp ủy, chính quyền địa phương rất quan tâm. Hàng năm, Hội Khuyến học xã đã phối hợp tốt với các trường học, các tổ chức xã hội để thúc đẩy phong trào học tập của xã phát triển. Hiện Bình Định có 60% thôn làng đạt danh hiệu cộng đồng học tập; 50% dòng họ đạt danh hiệu dòng họ học tập; nhiều gia đình đạt danh hiệu gia đình hiếu học. Từ những mô hình và phong trào học tập như thế, hàng năm, Bình Định có rất nhiều học sinh ưu tú, có kết quả học tập cao. Tiêu biểu nhất là em Bùi Mạnh Thắng ở thôn Trần Phú đỗ thủ khoa kỳ thi đánh giá năng lực của Trường Đại học Quốc gia Hà Nội năm học 2015 - 2016 trong tổng số hơn 43.000 thí sinh cả nước dự thi.

Duy Tùng
(Hội Nhà báo tỉnh)

 

  • Từ khóa