Thứ 5, 14/11/2024, 23:41[GMT+7]

Xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia: Còn nhiều khó khăn, vướng mắc

Thứ 3, 08/08/2017 | 09:05:29
4,720 lượt xem
Xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành Giáo dục và Đào tạo nhằm góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Tuy nhiên, qua nhiều năm triển khai, công tác này vẫn còn gặp không ít khó khăn, vướng mắc khi cơ sở vật chất, nguồn lực đầu tư chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế.

Cô và trò Trường THCS Hợp Hưng (Đông Hưng) trong giờ học.

Theo báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo, đến hết năm 2016, toàn tỉnh có 765/903 trường học đạt chuẩn quốc gia, đạt 84,72%, có 193 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ II. Trong đó, có 255/302 trường mầm non, đạt 84,4%; 288/295 trường tiểu học, đạt 97,6%; 205/267 trường THCS, đạt 76,8% và 17/39 trường THPT, đạt 43,6%. 

Đồng chí Trần Thị Bích Hằng, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh cho biết: Qua giám sát việc xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia tại một số huyện, thành phố cho thấy, các trường học đạt chuẩn quốc gia có tổ chức bộ máy hoàn thiện, bảo đảm tiêu chuẩn theo quy định. Hội đồng nhà trường, ban giám hiệu, tổ chức đảng, đoàn thể, tổ chuyên môn cơ bản hoạt động nền nếp, hiệu quả, chất lượng dạy và học được nâng lên. Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên cơ bản đủ về số lượng, trình độ chuyên môn đạt chuẩn cao. Qua từng năm, chất lượng chăm sóc trẻ và giáo dục mũi nhọn, đại trà được nâng lên. Một số địa phương đã có nhiều giải pháp xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia. Tuy nhiên, tiến độ xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia ở một số huyện còn chậm, tỷ lệ đạt thấp hơn bình quân chung toàn tỉnh; một số trường chuẩn có nguy cơ mất chuẩn, không được công nhận lại. Bên cạnh đó, một số trường dù đã cơ bản đáp ứng đủ các tiêu chí theo quy định nhưng vẫn còn “vướng” các tiêu chí về diện tích, cơ sở vật chất, thừa hoặc thiếu giáo viên cục bộ… Đặc biệt, nhiều trường tuy đã được công nhận đạt chuẩn quốc gia nhưng một số tiêu chí vẫn còn nợ kéo dài như thiếu phòng học, thiếu trang thiết bị dạy học, công trình vệ sinh của học sinh chưa đạt yêu cầu… Điển hình như Trường Tiểu học Tự Tân (Vũ Thư) được công nhận đạt chuẩn quốc gia mức độ I từ năm 2006 song hiện tại đơn vị này vẫn đang “chật vật” phấn đấu lên chuẩn mức độ II vì thiếu cơ sở vật chất. 

Cô giáo Đinh Thị Tuyết, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tự Tân cho biết: Từ năm học 2012 - 2013, nhà trường được tiếp nhận nguồn kinh phí của dự án thực hiện thí điểm mô hình trường học mới để đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, phấn đấu đạt chuẩn quốc gia mức độ II năm học 2017 - 2018. Song hiện nay một số phòng học xuống cấp, thiếu một số phòng chức năng, đặc biệt, việc thi công 10 phòng học mới tiến độ chậm nên tiêu chuẩn thứ ba chưa đạt, khó nâng chuẩn lên mức độ II đúng lộ trình.

Trên địa bàn huyện Kiến Xương có 112 trường học, tuy đã có 97 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ I và II, đạt tỷ lệ 86,6%, đứng trong tốp đầu của tỉnh nhưng công tác xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia vẫn còn những khó khăn, vướng mắc nhất định. 

Ông Nguyễn Anh Minh, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Kiến Xương cho biết: Toàn huyện hiện còn 15 trường chưa đạt chuẩn quốc gia, nguyên nhân chủ yếu là do cơ sở vật chất chưa đáp ứng yêu cầu, các phòng bộ môn của nhiều trường THCS còn lồng ghép nên việc khai thác, sử dụng chưa thật hiệu quả; phòng làm việc của một số trường xuống cấp, cổng trường, lán xe chưa bảo đảm; trang thiết bị, đồ dùng dạy học hỏng hoặc thiếu, chưa được sửa chữa, bổ sung kịp thời; ngân sách của trường, của địa phương còn khó khăn ảnh hưởng đến việc hỗ trợ xây dựng, tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học.

Không chỉ ở Kiến Xương, nhiều địa phương khác trong tỉnh cũng đang gặp khó về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học… trong quá trình xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia. Với nguồn kinh phí được đầu tư còn hạn chế, ngành Giáo dục và Đào tạo, các địa phương phải “liệu cơm gắp mắm”, chọn những đơn vị có thành tích, có cơ sở vật chất tương đối khang trang, tập trung đầu tư nhằm đạt kế hoạch đã đề ra. Thêm vào đó, công tác đánh giá, thanh tra, kiểm tra, công nhận lại trường đạt chuẩn quốc gia chưa được thực hiện nghiêm túc. Việc tham mưu thu hồi quyết định và bằng công nhận đạt chuẩn với các trường nợ tiêu chí kéo dài, không giữ vững được các tiêu chí chưa được kiên quyết thực hiện. Vì vậy, tốc độ xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia trên địa bàn tỉnh còn chậm, chất lượng, hiệu quả không cao. Điều này đồng nghĩa với việc chất lượng giáo dục toàn diện ở một số nơi, một số địa phương vẫn chưa đạt mục tiêu đề ra.

Để đẩy nhanh tiến độ, nâng cao hơn nữa chất lượng, đồng thời giúp các trường tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia, ngành Giáo dục và Đào tạo, các huyện, thành phố cần đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền các cấp và nhân dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia; đánh giá thực chất kết quả xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia trên địa bàn, chú trọng đến các trường chưa đạt chuẩn, trường đến hạn hoặc quá hạn công nhận lại, trường nợ tiêu chí; tăng cường hỗ trợ, bổ sung kinh phí xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia cho các huyện có tỷ lệ trường đạt chuẩn thấp. Thắt chặt hơn nữa công tác xét duyệt công nhận đạt chuẩn. Tổ chức tập huấn, quán triệt các quy định về trường học đạt chuẩn quốc gia, kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy. UBND các huyện, thành phố có cơ chế, chính sách hỗ trợ các địa phương khó khăn có trường chưa đạt chuẩn, đặc biệt là các trường liên xã. Các xã có trường chưa đạt chuẩn phải có biện pháp huy động nguồn lực xã hội hóa để xây dựng cơ sở vật chất theo tiêu chí chuẩn quốc gia…

Trung Hiếu