Thứ 6, 15/11/2024, 19:09[GMT+7]

Nhớ mái trường tuổi 60

Thứ 2, 04/12/2017 | 08:55:40
1,107 lượt xem
Cuối tháng 10/2017, Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức kỷ niệm 60 năm phát triển sự nghiệp giáo dục THPT tỉnh nhà mà điểm khởi đầu của phong trào là sự ra đời của Trường Phổ thông cấp 3 Thái Bình, nay là Trường THPT Lê Quý Đôn. Nhà giáo ưu tú Đặng Phương Bắc, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo đã khẳng định vị trí hàng đầu nhiều năm của mái trường này trong quá trình phát triển sự nghiệp giáo dục của tỉnh.

Cô và trò Trường THPT Lê Quý Đôn tham quan phòng truyền thống.

Từ nơi đây ra đi nhiều thầy giáo trở thành cán bộ chủ chốt các trường THPT, cơ quan quản lý giáo dục, chuyên viên giáo dục tài năng trong và ngoài tỉnh như các thầy giáo Hoàng Hữu Thành, Lê Cừ, Phạm Ngọc Đang, Bùi Tấn, Phí Văn Huề, Nguyễn Văn Phang, Nguyễn Thế Vân, Nguyễn Gia Cốc, Dương Tất Tốn. Nhiều người được Nhà nước vinh danh nhà giáo ưu tú như các thầy giáo Nguyễn Văn Thiệu, Đặng Thuyên, Nguyễn Mạnh Ngọc, Nguyễn Văn Ngọc... 

Còn các thế hệ học sinh rời trường đi khắp muôn phương tiến thân lập nghiệp đã đóng góp tích cực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Một số được giao trọng trách chủ chốt trong các cơ quan đảng, nhà nước, lực lượng vũ trang như: nguyên Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp chế của Quốc hội Nguyễn Đức Khiển; Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc; Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Đặng Trọng Thăng; Phó Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần, Bộ Quốc phòng, Thiếu tướng Đỗ Năng Tĩnh... Một số trở thành nhà khoa học như Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Xuân Phú; Nhà giáo ưu tú, Tiến sĩ Vũ Thị Lan... 

Đặc biệt, trong sự nghiệp chống xâm lược, các thầy, trò ra đi cứu nước có một số là liệt sĩ. Hiện nay, tại phòng tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhà bác học Lê Quý Đôn có bàn thờ riêng các thầy cô công tác ở Trường từ khi thành lập đến nay đã qua đời cùng học sinh các thế hệ được công nhận là liệt sĩ do Hội Cựu giáo chức cùng cựu học sinh góp công tạo dựng, coi như món quà tâm linh thể hiện nghĩa cử tri ân người đã khuất. 

Nhân dịp Trường vào tuổi 60, chiêm ngưỡng không gian hoành tráng của ngôi trường đang phấn đấu hiện đại hóa cơ sở vật chất và xây dựng nền nếp dạy học mới mang phong cách Lê Quý Đôn, thầy, trò cũng không thể quên được mái trường xa xưa ấy. Đó là mái nhà cấp bốn xen lẫn nhà tầng thấp bé và sân trường lầy lội sau mỗi trận mưa. Đặc biệt là những ngày ác liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ, Trường bị bom cày xới. Ở nơi sơ tán, lớp  chia nhỏ, thầy, trò cùng ôn thi tốt nghiệp bên cạnh hầm kèo chữ A hoặc trong lớp học nửa chìm nửa nổi. Ngay khi ở trường cũ các buổi tối ôn thi tập trung học sinh dùng đèn dầu hỏa mỗi người một cái thắp sáng học bài và khi cần thì đồng loạt tắt luôn để bảo đảm an toàn. Trong những ngày tháng khó quên ấy, theo tiếng gọi của Tổ quốc, tất cả cho giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, lệnh nhập ngũ tiếp nối nhau về trường, các lớp vắng dần học sinh nam. Không chỉ trò mà các thầy cũng lên đường làm nghĩa vụ quân sự. Những buổi tiễn đưa các thầy Võ Khắc Đôn, Nguyễn Hữu Tỵ, Nguyễn Bá Côn cùng học sinh về đơn vị nặng tình đồng nghiệp, nghĩa thầy trò xao xuyến, bồi hồi. 

Cũng ở nơi đây, sau hơn 30 năm xây dựng mà thầy hiệu trưởng chưa có phòng làm việc riêng vì cần nhường chỗ cho lớp học. Chỉ có một nơi vừa là phòng truyền thống vừa là phòng khách, phòng họp lãnh đạo và điểm trực của cán bộ quản lý. Làm việc từ 6 giờ 30 phút sáng đến 6 giờ chiều người trực nghỉ trưa trên ghế băng nan vì trường học hai ca trong ngày. Đúng là “Tất cả vì học sinh thân yêu”.

Học sinh Trường THPT Lê Quý Đôn với ngày hội sách. Ảnh: Trịnh Cường 

Tính đến mốc tuổi 50, Trường vinh dự được tặng 4 Huân chương Lao động và Huân chương Độc lập. Những phần thưởng cao quý ấy chứng minh rằng suốt chiều dài lịch sử xây dựng và phát triển Trường đã xứng với danh hiệu đơn vị xuất sắc và nhiều năm là lá cờ đầu của phong trào giáo dục THPT Thái Bình, sánh cùng các đơn vị điển hình tiên tiến tỉnh bạn như Lê Hồng Phong (Nam Định), Lam Sơn (Thanh Hóa), Hùng Vương (Phú Thọ)...

Học sinh Trường THPT Lê Quý Đôn trong giờ học. Ảnh: Trịnh Cường 

Với tôi, kể từ khi mới về Trường làm giáo viên đứng lớp rồi sau đó làm cán bộ quản lý đã trụ ở nơi đây liên tục hơn một phần tư thế kỷ. Ngay cả khi phong trào ở đỉnh cao, cán bộ quản lý chúng tôi đều ý thức rằng trong xu thế phát triển chung sự chuyển đổi vị trí cao nhất từ đơn vị này sang đơn vị khác là chuyện bình thường, nhưng điều khẳng định là không thể để đơn vị mình rớt khỏi tốp đầu của cuộc đua. Từ khi kế nhiệm thầy hiệu trưởng Vũ Huy Hồi đến khi bàn giao nhiệm vụ cho thầy hiệu trưởng Nguyễn Đình Ruật để về hưu, tôi đã làm được điều đó. Rất mong nhà trường phấn đấu giữ lấy và phát huy truyền thống tốt đẹp này. Đó là tâm nguyện của đông đảo cựu giáo chức và cựu học sinh đối với mái trường THPT Lê Quý Đôn yêu thương.

Nhà giáo ưu tú Đào Vĩnh

(Nguyên Bí thư Chi bộ, Hiệu trưởng nhà trường)