Thứ 6, 15/11/2024, 18:33[GMT+7]

Nỗi niềm giáo viên mầm non

Thứ 6, 15/12/2017 | 09:03:33
2,108 lượt xem
Những vụ bạo hành trẻ mầm non nghiêm trọng liên tiếp diễn ra trong thời gian gần đây đã làm xôn xao và gây phẫn nộ trong dư luận. Những câu hỏi về đạo đức nghề nghiệp cũng như đời sống của giáo viên mầm non đã được đặt ra. Những “con sâu làm rầu nồi canh” đã và đang làm ảnh hưởng rất lớn đến nghề nuôi dạy trẻ. Và có ai biết rằng, những người mẹ thứ hai ấy đang chất chứa và trăn trở như thế nào với cái nghiệp mình đang theo đuổi.

Giáo viên mầm non phải thực sự yêu nghề, quý trẻ mới có thể vượt qua những áp lực của nghề.

Nhìn một cách khách quan, giáo viên mầm non là những người chịu khó, nhẹ nhàng, chu đáo và có trái tim yêu thương con trẻ. Hầu hết các giáo viên mầm non đều đã bén duyên với nghề từ tình yêu con trẻ và tình nguyện trở thành những người mẹ thứ hai của trẻ. Và với nhiều người, họ gắn bó với trẻ và quên đi những niềm vui cho riêng mình. 

Theo Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Thái Bình Hà Thị Thu Phương, các trường mầm non đang gặp khó khăn rất lớn về cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên. Vì thế, các cô giáo phải cố gắng hết sức mới chăm lo chu toàn cho trẻ để trẻ phát triển tự nhiên nên áp lực trong công việc không hề nhỏ. Hiện thành phố có 20 trường mầm non công lập, 9 trường mầm non tư thục với gần 10.200 học sinh, 897 cán bộ, giáo viên, trong đó biên chế 163 người, hợp đồng có đóng bảo hiểm xã hội 377 người và tập việc 320 người. Thu nhập của giáo viên còn thấp, chưa tương xứng với thời gian trên lớp, nhất là giáo viên hợp đồng, với mức lương chỉ từ 2 - 3 triệu đồng/người/tháng.

Gắn bó với trẻ từ tờ mờ sáng cho đến tối mịt, một ngày của các giáo viên mầm non là cùng ăn, cùng ngủ, cùng học và cùng chơi với trẻ. Không chỉ đơn thuần là người giữ trẻ, các giáo viên ở bậc học đặc biệt này còn có trách nhiệm dạy dỗ, giáo dục trẻ một cách toàn diện, giúp trẻ hình thành, phát triển nhân cách ở những năm đầu đời. Công việc vất vả, đòi hỏi sự hy sinh lớn, thế nhưng bên cạnh thu nhập chưa tương xứng, họ - những người thầy đầu đời của trẻ đang phải chịu nhiều áp lực vô hình. Một ngày của giáo viên mầm non bắt đầu từ 6 giờ 30 phút, còn kết thúc thì… khó nói trước. 

Cô giáo Trần Thị Thanh Huyền, giáo viên nhóm lớp 4 tuổi Trường Mầm non Hoa Phượng (phường Trần Hưng Đạo, thành phố Thái Bình) chia sẻ: Là những người trong cuộc, tôi cho rằng những giáo viên mầm non bạo hành trẻ là không thể chấp nhận được. Họ quá hiểu nỗi vất vả của việc trông và dạy trẻ nhưng chính họ đã không sẵn sàng tâm lý đón nhận, tự dồn mình đi quá sức chịu đựng của bản thân, không tự làm chủ được hành vi, cảm xúc của mình. Với bản thân, tôi đã được học đào tạo đúng ngành và hàng năm đều tham gia các lớp tập huấn do Phòng Giáo dục và Đào tạo, nhà trường tổ chức nên luôn đặt trẻ làm trung tâm để hiểu tâm lý lứa tuổi của các bé. 

Còn theo cô giáo Bùi Thị Bình, giáo viên nhóm lớp 5 tuổi Trường Mầm non Sơn Ca (phường Tiền Phong, thành phố Thái Bình) thì nghề nào cũng có nỗi khổ riêng nhưng công việc của một giáo viên mầm non thì khổ hơn vì công việc như con mọn, áp lực từ công việc rất lớn. Chúng tôi không chỉ trông mà còn dạy trẻ. Các bậc phụ huynh cứ nghĩ, đến trường cô giáo chỉ cần cho trẻ ăn, đi vệ sinh và đi ngủ là xong. Với mỗi buổi học, giáo viên mầm non phải soạn giáo án từ tối hôm trước để dạy cho trẻ những kỹ năng, kiến thức kích thích khả năng nhận thức của trẻ. Mỗi ngày, tôi đến trường từ 6 giờ 30 phút và 5 - 6 giờ chiều mới về, có những hôm về muộn hơn khi phụ huynh các con có việc đến đón muộn. 

Đối với những cô giáo trẻ chưa có gia đình thì việc đó không có vấn đề gì nhưng đối với những chị em có chồng có con, đặc biệt là con nhỏ thì rất vất vả. 

Cô giáo Đỗ Thị Ngoàn, Hiệu trưởng Trường Mầm non 1/6 (phường Lê Hồng Phong, thành phố Thái Bình) cho biết: Phương châm của nhà trường là giáo viên phải là người mẹ thứ hai của trẻ, để trẻ có thể yên tâm coi trường học như chính ngôi nhà của mình. Trong giờ học khi diễn ra hành vi bạo hành trẻ thì người chăm sóc đang rơi vào trạng thái căng thẳng về mặt tâm lý, dẫn đến mất kiểm soát về mặt nhận thức, cảm xúc và hành vi. Họ không nhận thức được hành vi của mình là đúng hay sai và để lại hậu quả như thế nào đối với trẻ. Do đó, việc nuôi dạy trẻ không chỉ cần lương tâm, đạo đức hay coi trẻ như con mình là đủ mà còn cần những kỹ năng sư phạm mầm non. Vì vậy, giáo viên mầm non cần phải được đào tạo đúng chuyên ngành và thường xuyên tham gia các lớp tập huấn chuyên môn.

Không nên đổ dồn những “cơn bão” vào giáo viên mầm non khi những sự việc đáng tiếc vừa qua xảy ra chỉ là những “con sâu làm rầu nồi canh”. Tuy nhiên, đây cũng là bài học để các cô giáo không ngừng tự hoàn thiện bản thân, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ.

Minh Nguyệt