Thứ 4, 13/11/2024, 05:21[GMT+7]

Hậu "mùa tuyển sinh". Loạn giấy báo nhập học

Thứ 2, 16/08/2010 | 10:57:57
1,463 lượt xem
Dù chưa có giấy báo trúng tuyển chính thức của các trường đại học nhưng nhiều thí sinh đã nhận được hàng chục giấy báo nhập trúng tuyển, nhập học cùng nhiều chuyện bi hài...

Em Nguyễn Thị Thoa phân vân giữa “một rừng” giấy gọi nhập học

"Bão" về làng

Nguyễn Thị Hậu ở xã Đắc Sở, huyện Hoài Đức dự thi khối A vào Trường ĐH Nông Nghiệp 1 nhưng chỉ được 11 điểm, thiếu 2 điểm so với điểm chuẩn của trường. Cả gia đình Hậu đang rất buồn vì kết quả này thì bỗng dưng giấy báo nhập học từ khắp nơi tới tấp gửi về. Sự nhộn nhịp này khiến cho bố mẹ Hậu vốn là những người nông dân chất phác quanh năm sấp ngửa với ruộng đồng cứ hoa cả mắt vì không hiểu chuyện gì đang diễn ra.

Giấy mời xét tuyển và giấy báo nhập học in tên Nguyễn Thị Hậu với đúng ngày, tháng, năm sinh, địa chỉ nhà riêng, cái nào cũng đẹp và trang trọng. Cứ ngỡ con mình đã "trượt vỏ chuối" nào ngờ lại được hàng loạt trường ĐH, CĐ với những tên gọi hấp dẫn như CĐ nghề Bách khoa, CĐ Bách Nghệ Tây Hà, Học viện Công nghệ thông tin số 1 Châu Á, Trung cấp Công nghệ và kinh tế đối ngoại... gọi nhập học, bố mẹ Hậu mừng không sao kể xiết.

Chỉ có mỗi "khổ chủ" là cười như mếu vì: "Em chẳng biết trường nào trong đống giấy báo này cả. Khi nộp hồ sơ dự thi em đã tìm hiểu về các trường ĐH, CĐ khá kĩ càng mà cũng chưa bao giờ được nghe đến những tên trường tương tự. Học phí của các trường này thông báo trên giấy thường tính bằng USD hoặc mập mờ như "học phí linh hoạt, được chia làm các kì, các tháng". Đọc xong cứ thấy như bị tung hỏa mù, chẳng biết đâu mà lần".

Mệt nhoài vì "bị" gọi nhập học

Cùng cảnh ngộ với Hậu là Nguyễn Thị Thoa ở thôn Sơn Hà cùng xã. Thoa may mắn hơn Hậu là đã đủ điểm đỗ vào khoa Chế biến của ĐH Nông nghiệp 1, thế nhưng trong khi chưa nhận được giấy báo đỗ chính thức của trường dự thi thì Thoa đã mệt nhoài với gần 20 loại giấy mời xét tuyển và giấy báo đỗ vào các trường ĐH, CĐ lạ hoắc.

Thậm chí có trường còn gửi giấy gọi nhập học liên tiếp 2 lần cho "chắc ăn" và liên tục gọi điện thoại về tận nhà Thoa để mời chào như Trường NIIT IPMAC với lời giới thiệu hết sức hấp dẫn: Môi trường học tập hiện đại, đạt tiêu chuẩn Quốc tế, sinh viên tốt nghiệp luôn được săn đón tại các doanh nghiệp CNTT hàng đầu, bằng liên thông ĐH chính quy do Học viện NIIT Ấn Độ cấp, sinh viên có kết quả học tập xuất sắc có cơ hội nhận học bổng liên thông tại các trường ĐH quốc tế: RMIT, South Australia, Winnipeg…

Trước những lời mời chào hấp dẫn đó, nhìn lại khoa Chế biến nông sản mà mình vừa may mắn đỗ, Thoa không khỏi có những so sánh và dao động trong việc chọn trường cũng như chọn ngành nghề theo học. Thấy con gái ngày biếng ăn đêm mất ngủ về việc chọn trường, bà Nguyễn Thị Ý - mẹ Thoa - đã phải gác lại công việc ở trang trại tại Tây Ninh để về nhà hỗ trợ, tư vấn cho con gái. Thế nhưng trước đống giấy mời xét tuyển và nhập học ngồn ngộn thông tin và màu sắc thì bà Ý cũng phải bó tay.

Đến nhà cô giáo chủ nhiệm của con để nhờ tư vấn, cô giáo cũng "chịu chết" vì chưa bao giờ thấy nhiều trường, nhiều ngành nghề đến thế. Sau cùng, bà Ý quyết định làm dăm chục mâm cơm mời các cụ trong họ đến chia vui việc con gái đỗ ĐH để tranh thủ xin ý kiến các cụ. Trà dư tửu hậu, các cụ phán, "nước ta nông nghiệp là gốc". Thế là mẹ con bà nhất nhất theo lời các cụ dạy, gạt bỏ hết các loại giấy có ma lực như "mật hút ruồi" kia để chờ giấy gọi nhập học của Trường ĐH Nông nghiệp 1.

Những tưởng hạ được quyết tâm là được sống yên ổn, nào ngờ số lượng thư gọi nhập học hàng ngày vẫn tơi tới gửi về cho Thoa. Nhiều trường còn gửi thư đảm bảo. Đó là chưa kể các trường còn nhiệt tình gọi điện thoại về nhà riêng để tư vấn, thuyết phục không mệt mỏi. Thoa cười khổ: "Họ gọi điện về tận nhà tư vấn rất nhiều ngành hấp dẫn, ra trường có việc làm luôn với mức lương cao, có thể chọn làm việc cả trong và ngoài nước, thậm chí họ còn xin cả số di động riêng để chỉ đường và liên hệ cho dễ. Từ hôm đó em cảm thấy như bị khủng bố điện thoại, đến nỗi giờ máy di động cũng không dám lắp sim, còn máy nhà thì cứ nghe chuông đổ là giật thót mình".

Theo zing.vn

  • Từ khóa