Chủ nhật, 17/11/2024, 01:46[GMT+7]

Người “chở đò tri thức”

Thứ 2, 19/11/2018 | 09:09:51
3,911 lượt xem
Trong cái se lạnh đầu đông, lòng tôi lại bồn chồn, nao nức mong đợi ngày 20/11. Vì ngày này, tôi lại được cảm nhận rõ nét nhất, tình nghĩa thầy trò thật đầm ấm và thiêng liêng trong ngày mà cả xã hội thể hiện lòng tri ân với người “chở đò tri thức”…

Đã bao ngày Nhà giáo Việt Nam qua đi trong đời, từ ngày còn ngồi trên ghế nhà trường và giờ đây, phút bồi hồi trong thẳm sâu ký ức, trong tiết đông hay bạch lộ có thể trao cho con người ta sự cảm nhận đầy đủ về tình nghĩa vàng “cha sinh không bằng thầy dạy” mà đời nối tiếp đời, thấm đậm nghĩa cử cao đẹp. Sự thiêng liêng ấy, chẳng những đã viết lên bao đời thơ, bao nốt nhạc ca ngợi những người thầy trong nghệ thuật thi ca. Trong tâm thức yêu thương của người Việt Nam, người thầy mọi thế hệ luôn được tôn vinh, kính trọng và biết ơn. Thầy không là của riêng ai nhưng bất cứ ai cũng có thể có người thầy của riêng mình sau những buồn vui của kiếp phận làm người…

Và người “chở đò tri thức” ấy ngày hôm nay lại có nhiệm vụ to lớn và vẻ vang hơn. Mỗi giáo viên phải góp sức mình đào tạo ra những thế hệ học trò tương lai làm chủ đất nước có đủ đức, đủ tài. Những thế hệ con người giàu lòng yêu nước, có ý thức làm chủ trách nhiệm công dân; có tri thức, có sức khỏe, lao động giỏi, có kỹ năng sống trước mọi biến đổi của cuộc sống; sống có văn hóa và tình nghĩa; có tinh thần quốc tế chân chính. Nhiệm vụ ấy quả thật nặng nề. Để thực hiện được nhiệm vụ ấy, ngoài kiến thức và trình độ chuyên môn ra giáo viên phải có “tâm”, có “tình” với nghề, với học sinh của mình.

Mỗi giáo viên là tấm gương đạo đức tự học, tự sáng tạo cho học sinh noi theo, chính là cụ thể hóa việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh của ngành. Một người thầy có phẩm chất đạo đức tốt sẽ có bao thế hệ học trò có phẩm chất đạo đức tốt. Trong xã hội hiện nay, nền kinh tế, khoa học kỹ thuật phát triển nhanh chóng nên để đáp ứng được nhu cầu chung, mỗi giáo viên không chỉ nâng cao kiến thức và hiểu biết thông qua con đường đào tạo chính thống trong hệ thống giáo dục mà phải thường xuyên cập nhật kiến thức qua con đường tự học, tự đổi mới, tự nghiên cứu để nâng cao năng lực chuyên môn, làm gương cho học sinh. Phải biết vận dụng tốt các kiến thức và hiểu biết của mình trong thực tiễn dạy học, biết phát hiện và đề xuất cách giải quyết các vấn đề hợp lý, linh hoạt trong từng tình huống…

Vậy mà đằng sau mỗi bài giảng kia là biết bao vất vả, bộn bề của cuộc sống đời thường. “Tất cả vì học sinh thân yêu” là mục đích sống của mỗi người thầy. Hàng nghìn, hàng vạn các thầy cô giáo ở mọi miền Tổ quốc, nhất là những vùng núi cao, nơi biên giới, cả hải đảo, nơi nước lũ ngập trường, nơi mỗi trận bão lớn qua đi để lại sự tàn phá nặng nề đã không quản khó khăn, vẫn bám trường, bám lớp từng ngày đêm có khi phải đến tận nhà “gieo cái chữ” cho từng học sinh.

Miệt mài với trang giáo án, trăn trở cách truyền đạt tri thức cho từng đối tượng học sinh sao cho dễ hiểu, dễ nhớ, dễ làm để nâng cao chất lượng đào tạo của ngành thì cần phải có đạo đức nhà giáo.

Đất nước ta đang chuyển mình trong quá trình đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới và hội nhập quốc tế. Những người “chở đò tri thức” càng nhận thức rõ hơn về sứ mệnh của mình trong việc truyền đạt tri thức, giáo dục cách sống, lẽ sống cao đẹp cho lớp lớp đàn em thân yêu. Những con người thầm lặng ấy thể hiện sự tiên phong, làm gương trong cách sống, cách dạy, tự giác làm giàu nguồn tri thức và nhân rộng tấm gương ấy trong xã hội. Vẫn biết rằng những biểu hiện tiêu cực trong thời buổi kinh tế thị trường đã tác động lên một bộ phận rất nhỏ nhưng chỉ là “con sâu bỏ rầu nồi canh” mà thôi…

Tôi vẫn tin, những thầy cô giáo chân chính luôn mong muốn ngành Giáo dục kết hợp tốt với gia đình, xã hội tham gia tích cực và đẩy lùi các hiện tượng phản giáo dục, trái ngược với truyền thống “tôn sư trọng đạo” có hàng ngàn đời của dân tộc ta. Thật đáng trân trọng biết bao những người thầy thầm lặng ấy. Dù tên tuổi của họ không được đăng báo, không được thưởng huân huy chương. Từ tấm lòng cao cả của người thầy chân chính, “Tất cả vì học sinh thân yêu” để  “Mỗi ngày đến trường là một ngày vui” sẽ phát triển sự nghiệp của nước nhà thêm một tầm cao mới. Họ chính là “Những người anh hùng vô danh” như lời Bác Hồ kính yêu đã tặng.

Một ngày đông ấm áp tình người, tôi chợt gặp người chở đò trên bến sông trong dòng sông tri thức. Trên bến sông ấy vẫn đong đầy tiếng lá rơi về cội và trên từng thân cành thảng hương diệp lục mà ở đó có niềm vui của mỗi chiếc lá chuẩn bị tách vỏ chào đời; trong tích tắc ngưng lặng của thời gian, tôi chợt như thấy tấm lòng của người thầy đang thì thầm với một cuộc đời riêng vừa đến vừa đi trong bước phân kỳ rất đỗi thong thả của thời gian. Như chiếc lá dẫu cuối cùng cũng rơi về cội để có một chiếc lá khác thay thế khẽ cựa mình choàng tỉnh giấc sau những ngày đông lạnh giá để xanh tươi hơn khi mỗi độ xuân về…

Lê Thị Nhung
(Thụy Hồng, Thái Thụy)