Chủ nhật, 17/11/2024, 06:31[GMT+7]

Nâng cao chất lượng hoạt động các trung tâm học tập cộng đồng

Thứ 3, 12/02/2019 | 17:44:10
2,853 lượt xem
Sau 3 năm triển khai thực hiện Thông tư số 44 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về đánh giá, xếp loại cộng đồng học tập cấp xã, đến nay, chất lượng các trung tâm học tập cộng đồng (TTHTCĐ) trong tỉnh ngày càng được nâng lên, góp phần quan trọng xây dựng xã hội học tập.

Một buổi sinh hoạt của Trung tâm Học tập cộng đồng xã Vũ An (Kiến Xương).

Tham gia một buổi sinh hoạt của Trung tâm Học tập cộng đồng xã Vũ An (Kiến Xương), chúng tôi và hơn 100 đại biểu là thành viên các đoàn thể, trường học trong xã được nghe các chuyên gia nông nghiệp trao đổi về việc chuyển giao kỹ thuật trồng cây màu làm hàng hóa xuất khẩu và sử dụng chế phẩm EM vào chăn nuôi và xử lý rác thải; ông Khúc Vị, nguyên Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thái Bình giới thiệu kỹ thuật trồng một số loại cây ăn quả như bưởi đường đào, đinh lăng làm dược phẩm; hướng dẫn kỹ thuật pha chế, chế phẩm EM phục vụ chăn nuôi gia súc, gia cầm và xử lý rác thải, góp phần bảo vệ môi trường, trồng cây màu, cây ăn quả cho năng suất cao và làm hàng hóa... Ông Khúc Vị cho biết: Thông qua buổi sinh hoạt góp phần giúp các đại biểu có thêm nhiều thông tin để phát triển trồng trọt và chăn nuôi theo hướng hữu cơ.

Theo bà Đặng Thị Minh Hưng, Phó Trưởng phòng Giáo dục thường xuyên, Sở Giáo dục và Đào tạo, TTHTCĐ là cơ sở giáo dục không chính quy của xã, phường do cộng đồng thành lập và quản lý nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân và phát triển thông qua việc tạo cơ hội học tập suốt đời của người dân trong cộng đồng. Sau 3 năm triển khai thực hiện, tổ chức giáo dục này đã gắn bó thiết thực với người dân, đặc biệt là những lao động không có điều kiện đến trường và có ít cơ hội học tập. Năm 2018, toàn tỉnh có 131 đơn vị cấp xã đăng ký “cộng đồng học tập”. Qua kiểm tra, đánh giá theo Thông tư số 44, có 128 đơn vị được công nhận, đạt 97,7%. Từ khi được thành lập đến nay, các TTHTCĐ hoạt động có hiệu quả đã mở nhiều lớp đáp ứng nhu cầu về thông tin, hoạt động văn hóa, tuyên truyền về pháp luật, bồi dưỡng nâng cao trình độ khoa học, kỹ thuật chăm sóc cây trồng, vật nuôi, dạy nghề... Nhờ có vai trò nòng cốt là cán bộ TTHTCĐ phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, hội đồng giáo dục xã, phường, TTHTCĐ các xã, phường cùng với các chi hội khuyến học khu phố đã khảo sát nhu cầu học tập của người dân, mở nhiều lớp học theo phương châm “cần gì học nấy”.

Để nâng cao vai trò của các TTHTCĐ, những năm vừa qua, Sở Giáo dục và Đào tạo đã tham mưu UBND tỉnh tổ chức một số chương trình như: học tập để phát triển quê hương đất nước tại Đông Hưng; học ở trường, học ở sách vở, học lẫn nhau và học nhân dân tại Vũ Thư và nhiều buổi giới thiệu sách cho nhân dân. Bên cạnh đó, tại các địa phương, các tiêu chí về mô hình học tập tiếp tục được tuyên truyền bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng như in ấn, phát đến các gia đình, dòng họ, phát trên loa truyền thanh. Bên cạnh đó, tổ chức các buổi hội thảo, hội nghị tập huấn về quy trình, nội dung, thu thập minh chứng, chỉ đạo và phân công theo dõi, giám sát việc thực hiện. Năm 2018, toàn tỉnh tổ chức được 93 hội thảo, hội nghị với 5.436 lượt người là thành viên ban chỉ đạo xây dựng xã hội học tập, hội khuyến học và lãnh đạo các nhà trường.

Ông Nguyễn Thanh Cầm, Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh cho biết: Việc triển khai thực hiện Thông tư số 44 đã góp phần tích cực vào việc hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, ổn định an ninh trật tự, hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới của các địa phương, xây dựng xã/phường trở thành đơn vị học tập cấp xã.

Đặng Anh