Chủ nhật, 17/11/2024, 08:25[GMT+7]

Kiểm soát chặt chẽ nguồn thực phẩm cung cấp cho bếp ăn trường học

Thứ 2, 25/03/2019 | 09:34:46
1,346 lượt xem
Trong thời gian qua, mặc dù đã có sự chỉ đạo quyết liệt và sự vào cuộc mạnh mẽ của các cấp, các ngành, song tình trạng mất an toàn thực phẩm vẫn diễn biến phức tạp. Để bảo đảm bữa ăn cho học sinh bán trú, ngành Giáo dục đang thực hiện đồng bộ các biện pháp kiểm soát chặt chẽ nguồn thực phẩm cung cấp cho các trường học trong thời điểm hiện nay.

Đại diện lãnh đạo Trường Mầm non Đề Thám kiểm tra thực phẩm và lưu mẫu thực phẩm tại bếp ăn nhà trường.

Đồng chí Hoàng Văn Thiệp, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: Không chỉ các trường tiểu học, trường mầm non mà các nhóm nhà trẻ độc lập cũng cần được kiểm soát chặt chẽ nguồn thực phẩm cho bữa ăn của trẻ. Trước diễn biến của dịch bệnh tả lợn châu Phi hiện nay, Sở yêu cầu các trường tiểu học và các cơ sở giáo dục mầm non làm tốt công tác tuyên truyền đến cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên biết về dịch, đồng thời cập nhật các biện pháp phòng, chống các dịch bệnh ở người và động vật trên các kênh thông tin đại chúng. Đặc biệt, kiểm soát chặt chẽ hơn nữa nguồn thực phẩm cung cấp cho các bếp ăn bán trú hiện nay, yêu cầu các nhà cung cấp thực phẩm ký cam kết không cung cấp thực phẩm không bảo đảm an toàn cho các nhà trường. Đồng thời, các nhà trường phải sử dụng các loại thực phẩm đa dạng, phong phú, bảo đảm chất lượng và dưỡng chất bữa ăn cho trẻ, thực hiện nghiêm quy định về lưu mẫu thức ăn. Nếu có bất thường về sức khỏe của học sinh từ nguyên nhân bữa ăn bán trú phải tích cực phối hợp với ngành Y tế để kịp thời khắc phục.

Cô giáo Nguyễn Thị Hà, Hiệu trưởng Trường Mầm non Vân Trường (Tiền Hải) cho biết: Mặc dù trên địa bàn tỉnh có nhiều xã đã xuất hiện bệnh dịch tả lợn châu Phi song nhà trường không quay lưng với thịt lợn bởi nó ảnh hưởng rất lớn đến việc chăn nuôi của nhiều hộ gia đình, quan trọng hơn đó là ảnh hưởng đến bữa ăn của trẻ. Thịt lợn là thực phẩm chủ yếu trong bếp ăn bán trú và được nhiều trẻ yêu thích, nếu bỏ thịt lợn mà thay bằng các thực phẩm khác như bò, cá, tôm thì tiền ăn bán trú sẽ tăng hơn. Hơn nữa, cá, bò, gà, tôm hay bất kỳ loại thực phẩm nào nếu như không được kiểm soát chặt chẽ thì khó có thể khẳng định đó là thực phẩm an toàn. Hiện nay, thịt lợn là mối quan tâm hàng đầu của nhà trường cũng như phụ huynh. 

Để bảo đảm bữa ăn cho trẻ, hàng ngày, Ban Giám hiệu Trường Mầm non Vân Trường thường xuyên xuống bếp kiểm tra các loại thực phẩm do nhà cung cấp mang đến. Cô giáo Nguyễn Thị Hà cho biết thêm: Việc ký cam kết cũng chỉ là cơ sở pháp lý, còn việc kiểm tra thường xuyên mới là việc chúng tôi chú trọng hơn cả. Ngoài kiểm tra bằng mắt thường, chúng tôi còn sục thực phẩm bằng máy sục ozon trước khi chế biến. 

Đồng chí Lê Đình Phúc, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tiền Hải cho biết: Phòng đã sớm chỉ đạo bằng công văn đến tất cả các trường học và cơ sở giáo dục trong huyện về việc bảo đảm an toàn thực phẩm cho học sinh; kiên quyết không để thực phẩm bẩn, thực phẩm nhiễm dịch có nguy cơ mất an toàn xâm nhập vào trường học.

Tại Kiến Xương, ngay từ đầu tháng 3, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện đã chỉ đạo các nhà trường tăng cường bảo đảm an toàn thực phẩm trong bếp ăn bán trú. Sử dụng các loại thực phẩm đa dạng, phong phú, bảo đảm lượng và dưỡng chất bữa ăn cho học sinh; thực hiện nghiêm túc quy định về lưu mẫu thức ăn. Bên cạnh đó, Phòng cũng yêu cầu các nhà trường làm tốt công tác tuyên truyền đến cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, cha mẹ học sinh biết về bệnh dịch tả lợn châu Phi, không giết mổ, tiêu thụ thịt lợn nghi bị bệnh, thịt lợn bệnh. 

Cô giáo Nguyễn Thị Huyền, Hiệu trưởng Trường Mầm non thị trấn Thanh Nê (Kiến Xương) chia sẻ: Không chỉ kiểm soát chặt chẽ nguồn thực phẩm cung cấp cho bếp ăn, thời điểm này, khâu chế biến thức ăn cũng được nhà trường giám sát chặt chẽ. Sau mỗi bữa ăn của học sinh, nhà trường chú trọng hơn trong việc dọn rửa sạch sẽ khu vực ăn và nhà bếp, bát đũa được khử trùng, phơi khô...

Thái Bình là tỉnh nằm trong vùng xuất hiện bệnh dịch tả lợn châu Phi khiến nhiều phụ huynh lo lắng, song trước những giải pháp mà ngành Giáo dục đang thực hiện sẽ góp phần bảo đảm bữa ăn bán trú cho học sinh trong các nhà trường và các cơ sở giáo dục độc lập.

Đặng Anh