Chủ nhật, 17/11/2024, 10:52[GMT+7]

Nâng cao nhận thức cho học sinh về sử dụng mạng xã hội

Thứ 5, 04/04/2019 | 08:41:40
4,008 lượt xem
Mạng xã hội hiện đang phát triển như vũ bão. Bên cạnh những lợi ích to lớn, nó cũng để lại nhiều hệ lụy, đặc biệt là sự hình thành tâm lý đám đông. Nghiên cứu về vấn đề này, hai nữ sinh Trường THPT Tiên Hưng đã xuất sắc giành giải nhì cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học năm nay với dự án “Nâng cao nhận thức cho học sinh THPT nhằm hạn chế tâm lý đám đông tiêu cực khi sử dụng mạng xã hội”.

Ảnh minh họa.

Trở về từ cuộc thi, em Nguyễn Thị Nhàn, lớp 11A3 và em Nguyễn Thị Tú Hảo, lớp 11A6 Trường THPT Tiên Hưng rất phấn khởi. Hai em chia sẻ: Sau khi đạt giải tại các cuộc thi cấp huyện, cấp tỉnh, chúng em tiếp tục nghiên cứu, nâng cao chất lượng đề tài trong đó tập trung nhiều hơn vào những giải pháp có tính ứng dụng thực tế, mang lại hiệu quả cao, đó là: tổ chức diễn đàn, các hoạt động ngoại khóa, tích hợp môn học và tổ chức các sân chơi. Kết quả chúng em nhận được sau những giải pháp nêu ra và đưa vào thực hiện đó chính là nhiều học sinh THPT đã hiểu thế nào là tâm lý đám đông, nhận biết và đánh giá những trào lưu khi sử dụng mạng xã hội (MXH) một cách hợp lý, đặc biệt, chính các bạn đã trở thành những tuyên truyền viên hữu ích giúp gia đình, người thân hiểu rõ về MXH, những lợi ích cũng như hệ lụy mà nó mang lại.

99,5% học sinh sử dụng MXH là con số mà hai em Nhàn và Hảo nhận được sau khi khảo sát hơn 1.600 học sinh của Trường THPT Tiên Hưng, trong số đó có 100% học sinh dùng MXH để kết nối với người quen và có đến gần 50% học sinh dùng MXH để thể hiện quan điểm, tâm trạng, cảm xúc. Qua con số này, rất dễ nhận thấy có nhiều học sinh bị ảnh hưởng bởi tâm lý đám đông trên MXH. 

Cô giáo Vũ Thanh Mai, giáo viên Ngữ văn đồng thời là người hướng dẫn hai em thực hiện dự án chia sẻ: Lứa tuổi THPT là giai đoạn khá phức tạp về tâm sinh lý. Khi sử dụng MXH, học sinh luôn có biểu hiện về tâm lý đám đông song điều đáng nói là khái niệm cùng những tác động của nó thì các em lại hầu như không nhận thức được. Mặc dù dự án thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và hành vi nhưng nếu được triển khai và thực hiện đồng bộ ở các nhà trường, tôi tin rằng các em sẽ có nhận thức đúng đắn hơn khi sử dụng MXH. Vì vậy, với cuộc thi cấp quốc gia, hai em Nhàn và Hảo đã tập trung tìm ra các giải pháp thiết thực, dễ áp dụng trong môi trường giáo dục. Không chỉ dừng lại ở Trường THPT Tiên Hưng, các giải pháp được hai em thực hiện ở 8 trường THPT trên địa bàn các huyện Đông Hưng, Hưng Hà, Quỳnh Phụ đã mang lại hiệu quả rõ rệt.

Truyền thông qua tổ chức các diễn đàn là 1 trong 4 giải pháp dễ thực hiện nhất mà Nhàn và Hảo đưa ra. Giải pháp này đã được hai em thực hiện thí điểm tại 4 trường THPT: Mê Linh, Bắc Duyên Hà, Phụ Dực, Nam Duyên Hà. Với chủ đề về tâm lý đám đông và MXH, 197 học sinh tham gia diễn đàn đã thảo luận, trao đổi về biểu hiện, lợi ích, tác hại của tâm lý đám đông đồng thời đề ra các giải pháp để hạn chế tâm lý đám đông tiêu cực. Mặc dù diễn ra với quy mô nhỏ song học sinh đã thoải mái bày tỏ quan điểm của mình. 

Em Nguyễn Thị Thúy, lớp 11A7 Trường THPT Phụ Dực chia sẻ: Sau khi tham gia diễn đàn em hiểu rằng mỗi người cần có nhận thức về tâm lý đám đông và phải biết sử dụng MXH một cách hợp lý, khoa học và cần biết tuyên truyền tới mọi người để nhận thức sâu hơn về vấn đề này. Diễn đàn rất có ý nghĩa với bản thân em và các bạn. 

Còn em Nguyễn Đăng Huy, lớp 12A6 Trường THPT Mê Linh thì chia sẻ, bài học em rút ra cho bản thân là cần thận trọng trong việc like, share và comment. Đó cũng là hiệu quả rõ nét nhất mà diễn đàn mang lại.

Nguyễn Thị Nhàn chia sẻ: Để dự án thành công, cùng với sự cố gắng của chúng em, sự tham gia nhiệt tình của các bạn là chưa đủ. Chúng em cần gia đình và nhà trường vào cuộc để tuyên truyền, định hướng, kịp thời ngăn chặn hoặc hạn chế những tác động tiêu cực từ MXH tới tâm lý đám đông của học sinh. 

Thầy giáo Dương Thế Bảo, Phó Hiệu trưởng nhà trường, người định hướng cho hai em Nhàn và Hảo cho biết: Thời gian tới, nhà trường sẽ khuyến khích, tạo điều kiện hỗ trợ để dự án của các em được triển khai không chỉ ở khối THPT mà tới tất cả học sinh THCS trong toàn tỉnh.

Đặng Anh