Chủ nhật, 17/11/2024, 22:32[GMT+7]

Phát triển bền vững giáo dục STEM cho học sinh nông thôn

Thứ 3, 30/07/2019 | 09:19:51
4,879 lượt xem
Chương trình giáo dục STEM được Bộ Giáo dục và Đào tạo khuyến khích đưa vào các trường trong những năm gần đây. Tại huyện Thái Thụy, nhờ nỗ lực của ngành Giáo dục, chính quyền địa phương, chương trình giáo dục STEM đã lan tỏa mạnh mẽ, trở thành điểm sáng trong việc đưa khoa học công nghệ đến gần hơn với học sinh nông thôn.

Giáo dục STEM ở Trường THCS Thụy Trình (Thái Thụy).

Chương trình giáo dục STEM dành cho mọi lứa tuổi. Ở bậc học mầm non, trẻ được quan sát, làm quen với tự nhiên, con người và cảnh vật. Cấp tiểu học và THCS được nâng lên một bước cao hơn bằng những buổi trải nghiệm sáng tạo, dạy học thực tế, sinh hoạt câu lạc bộ (CLB). Qua các phương pháp dạy học tích cực như bàn tay nặn bột, dạy kết hợp liên môn, học đi đôi với hành..., học sinh đã tiếp cận với các bước nhận thức từ trực quan sinh động đến tư duy trừu tượng và thực tiễn. 

Cô giáo Đào Thị Duyên, Hiệu trưởng Trường Mầm non Thái Dương (Thái Thụy) chia sẻ: Thực hiện chỉ đạo của Phòng Giáo dục và Đào tạo về đẩy mạnh chương trình giáo dục STEM trong các nhà trường, Trường Mầm non Thái Dương luôn chú trọng, khuyến khích cán bộ, giáo viên, nhân viên sáng tạo kỹ thuật. Thời gian qua, các cô giáo trong Trường đã sưu tầm các nguyên vật liệu để tự thiết kế, sáng tạo ra các sản phẩm khoa học kỹ thuật cho trẻ được hoạt động, trải nghiệm, khám phá nhằm phát triển thể chất cho trẻ, hướng tới mục tiêu phát triển toàn diện. Có nhiều vật liệu tưởng chừng như không còn giá trị trong đời sống nhưng với sự sáng tạo của mình các cô giáo đã tận dụng để tạo ra các sản phẩm khoa học, trẻ được trải nghiệm và sử dụng ở nhiều lĩnh vực với các chủ đề khác nhau. Đơn giản nhất đó là từ những hộp bìa cát tông, các cô đã trang trí để khi trẻ lắp lại giống như một đoàn tàu và trẻ có thể kéo được. Điều này khiến trẻ rất thích thú.

Bắt đầu từ cuốn sách “Em tập làm nhà phát minh”, năm 2015, thầy và trò Trường THCS Thụy Liên (Thái Thụy) đã tiếp cận và thích thú với giáo dục STEM. 

Cô giáo Dương Thị Nguyệt, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: Để phong trào nghiên cứu, sáng tạo của thầy và trò thực sự hiệu quả và lan tỏa mạnh mẽ thì phải có một tổ chức để phát động phong trào. Từ đó, CLB khoa học kỹ thuật của Trường ra đời với nòng cốt là các thầy cô giáo trong tổ tự nhiên cùng 30 học sinh yêu khoa học từ các khối, lớp vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Mỗi tháng, CLB sinh hoạt 2 buổi để thầy và trò cùng trao đổi về các thông tin khoa học kỹ thuật, giải thích các hiện tượng khoa học nảy sinh trong đời sống và qua các giờ học. Các em còn say mê chế tạo các mô hình máy bắn đá, tên lửa giàn thun, tên lửa nước, mô hình tàu con thoi, tàu thủy chạy bằng động cơ... Đây thực sự là sân chơi khoa học bổ ích, lý thú với nhiều chương trình “học mà chơi, chơi mà học”, khơi dậy niềm đam mê sáng tạo khoa học trong học sinh, là nền tảng cho những ý tưởng sáng tạo trong tương lai. 

Trong hai năm 2013, 2014, thầy và trò Trường THCS Thụy Liên đã có nhiều sản phẩm khoa học dự thi cấp huyện, tỉnh đạt giải cao như: giải ba cấp tỉnh lĩnh vực hóa học với đề tài “Chế biến men rượu thuốc bắc”; giải nhất cấp tỉnh lĩnh vực sinh học với đề tài “Nuôi cá vược thương phẩm bằng hình thức ghép 3 đối tượng trong môi trường nước lợ”. Từ năm học 2017 - 2018 đến nay, công tác nghiên cứu khoa học của Trường tập trung vào các lĩnh vực: lắp ráp rô bốt, tìm hiểu ngôn ngữ lập trình để rô bốt vận hành, tập luyện sa hình..., thu hút đông đảo giáo viên và học sinh tham gia.

Ông Đỗ Trường Sơn, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện chia sẻ: Ngành Giáo dục Thái Thụy coi giáo dục STEM là phương pháp giáo dục tất yếu của tương lai, rất cần thiết cho các em học sinh trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0. Từ những phế liệu, đồ dùng hỏng, thừa, gần như không có giá trị, các em có thể chế tạo ra những thiết bị, đồ dùng rất hữu ích cho cuộc sống. Đến nay, tất cả các trường tiểu học, THCS trong huyện đều có ít nhất một CLB khoa học hoạt động thường xuyên 1 buổi/tuần, mỗi CLB có từ 20 - 30 học sinh, các em tham gia trên tinh thần hoàn toàn tự nguyện. Hình thức hoạt động của CLB cũng khá đa dạng, bao gồm: tọa đàm, hội thảo, hoạt động thực hành, tiếp cận thực tế, trải nghiệm, ngoại khóa... Vì vậy, số lượng sản phẩm khoa học kỹ thuật tham gia ngày càng đông, chất lượng các sản phẩm cũng thay đổi rõ nét qua các năm: năm 2016 toàn huyện có 180 sản phẩm khoa học dự thi cấp huyện; năm 2017 có 200 sản phẩm; năm 2018 có 240 sản phẩm dự thi.

Là huyện đi đầu trong giáo dục STEM của tỉnh và cả nước, ngành Giáo dục Thái Thụy vinh dự được Bộ Giáo dục và Đào tạo chọn là đơn vị làm hồ sơ đề cử giải thưởng UNESCO - JAPAN giáo dục cho sự phát triển bền vững với đề tài chương trình STEM cho nông thôn.

Đặng Anh