Thứ 2, 18/11/2024, 06:41[GMT+7]

Lỗ hổng lớn trong đào tạo cấp văn bằng, chứng chỉ (Kỳ 2)

Thứ 3, 08/10/2019 | 08:16:26
3,359 lượt xem
Nhu cầu đi học để bổ sung kiến thức, đáp ứng yêu cầu công việc của những người đang đi làm là rất lớn. Có cầu ắt có cung, nhiều trường đại học, cao đẳng đã liên kết với trung tâm GDNN - GDTX các huyện, thành phố để mở lớp đào tạo thế nhưng công tác tuyển sinh như thế nào thì không phải ai cũng biết.

Kỳ 2: Nâng chuẩn chứ không phải phổ cập

Các thầy cô giáo đi học nhằm đổi mới phương pháp dạy học, truyền đạt kiến thức cho học sinh để đạt kết quả tốt hơn; điều dưỡng, dược sĩ, bác sĩ... đi học để cập nhật những kiến thức khoa học kỹ thuật mới của y học. Hầu hết những người này đã tự bỏ ra hàng chục triệu đồng để nâng chuẩn bằng cấp.

Cô giáo M, hiện đang công tác tại một trường học trên địa bàn huyện Đông Hưng chia sẻ: Được nhà trường tạo điều kiện, tôi và những cô giáo khác đã đăng ký học liên thông đợt này được tổ chức học ngay tại Trung tâm GDNN - GDTX huyện. Mặc dù chưa đóng học phí nhưng theo tìm hiểu, chúng tôi sẽ học 2 năm với học phí khoảng 15 - 20 triệu đồng. Số tiền này do chúng tôi tự đóng, nhà trường chỉ sắp xếp thời khóa biểu hợp lý, thuận lợi cho việc đi học của chúng tôi. 

Nhiều giáo viên cho rằng từ 1.7.2020 sẽ phải có bằng đại học sư phạm hoặc đang học lớp đại học sư phạm nên cùng nhau đăng ký học.

Chia sẻ về vấn đề này, nhiều cán bộ quản lý là lãnh đạo của các nhà trường cho biết: Sở dĩ hiện nay có nhiều giáo viên có nhu cầu muốn học để nâng cấp bằng từ cao đẳng lên đại học là do Luật Giáo dục mới sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2020. Theo đó, tại Điều 72, Luật Giáo dục quy định: giáo viên mầm non phải có bằng cao đẳng sư phạm (trước đây chỉ yêu cầu bằng trung cấp sư phạm); giáo viên tiểu học phải có bằng cử nhân sư phạm (trước đây chỉ yêu cầu bằng trung cấp sư phạm); giáo viên THCS phải có bằng cử nhân sư phạm (trước đây chỉ yêu cầu có bằng cao đẳng sư phạm hoặc bằng cao đẳng ngành khác nhưng có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm); giáo viên THPT phải có bằng cử nhân sư phạm (trước đây có bằng đại học ngành khác và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cũng được chấp nhận). Chính vì vậy, nhiều người cho rằng việc đào tạo để nâng cao trình độ là bắt buộc và cũng là điều cần thiết trong bối cảnh hiện nay, nhất là khi chương trình giáo dục phổ thông mới được áp dụng.

Nhiều giáo viên đã tự bỏ ra từ 15 - 20 triệu đồng để học nâng chuẩn được mở tại trung tâm GDNN - GDTX địa phương.

Các nhà quản lý giáo dục này cũng cho biết thêm: Một trong những tiêu chuẩn, điều kiện để xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên đó là các chứng chỉ tin học, ngoại ngữ. Trước những quy định này, nhiều giáo viên đã tìm đến các cơ sở có thông báo mở lớp đại học, văn bằng 2, cấp chứng chỉ để đăng ký theo học và thi lấy bằng cấp. Trường ít thì vài ba giáo viên còn trường nhiều cả chục giáo viên cùng đăng ký đi thi chứng chỉ. Vì vậy, một số trung tâm GDNN - GDTX cấp huyện, thành phố đã có những lớp bồi dưỡng cấp tốc để cấp những chứng chỉ này nhằm đáp ứng nhu cầu của học viên. 

Tại Trung tâm GDNN - GDTX huyện Kiến Xương, rất nhiều giáo viên đã đăng ký học chứng chỉ tại đây. Chị N.T.B, giáo viên một trường tiểu học trên địa bàn huyện cho biết: Chỉ cần nộp 2 ảnh, hộ khẩu (phô tô), chứng minh thư (phô tô), đơn xin học. Trước khi thi 1 buổi, mọi người chỉ cần đến nghe hướng dẫn, lệ phí thi cấp chứng chỉ tin học 800.000 đồng, ngoại ngữ 500.000 đồng. 

Theo chia sẻ của chị N.T.B, tháng 7 vừa qua, chị đã được thi chứng chỉ tin học và ngoại ngữ ngay tại Trung tâm GDNN - GDTX huyện Kiến Xương, hôm nay chị đến đây để nhận chứng chỉ. Qua trao đổi, một số cán bộ quản lý ngành Giáo dục cho biết, trước đây, các văn bản của Bộ Nội vụ, Bộ Giáo dục và Đào tạo không quy định, đề cập đến các điều kiện, quy chuẩn như chứng chỉ ngoại ngữ, chứng chỉ tin học, chứng chỉ nghiệp vụ... đối với giáo viên bậc mầm non, bậc phổ thông, vì vậy, phần lớn giáo viên sau khi tốt nghiệp sư phạm ra trường, đi dạy học tới nay còn thiếu các chứng chỉ nêu trên. Tuy nhiên, từ năm 2015, theo Thông tư liên tịch số 21 của liên Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học trong các trường tiểu học công lập và Thông tư số 28/2017 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định tiêu chuẩn, điều kiện, nội dung, hình thức xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp của giáo viên mầm non, phổ thông công lập, để có đủ điều kiện xét nâng ngạch thì giáo viên cần có chứng chỉ tin học, ngoại ngữ. 

Theo thông tin từ Trung tâm GDXX - GDTX huyện Quỳnh Phụ, vừa qua có gần 130 thầy, cô ra Hải Phòng thi đầu vào lớp đại học tiểu học được mở ngay tại Trung tâm huyện.

Cô giáo Nguyễn Thị Yến, Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường Cao đẳng Sư phạm Thái Bình cho biết: Hiện nay chúng ta đang hiểu máy móc các văn bản của cấp trên. Việc thăng hạng chức danh nghề nghiệp đối với giáo viên được thực hiện khi giáo viên có đủ các điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định và có nhu cầu, không bắt buộc với tất cả giáo viên. Tuy nhiên, đi đôi với việc thăng hạng chức danh nghề nghiệp là tăng lương nên nhu cầu đi học của các thầy cô giáo là rất lớn. Giáo viên nào có nhu cầu hãy chọn học và thi ở những nơi được cấp phép để bảo đảm các tiêu chuẩn để xét hoặc thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên.

Đối với khối ngành sức khỏe, hiện nay, tỷ lệ điều dưỡng, dược sĩ có trình độ từ cao đẳng trở lên rất thấp. Theo Cục Quản lý khám chữa bệnh - Bộ Y tế, nguồn nhân lực trong ngành Y dược tại Việt Nam không những thiếu mà còn yếu so với các nước khác. Điển hình như ngành điều dưỡng, cả nước có 120.875 điều dưỡng thì có đến 92.000 người có trình độ trung cấp, chiếm 76,2%; ngành dược có trình độ trung cấp chiếm tới 77,8%. Từ đó cho thấy, trình độ nguồn nhân lực hạn chế chính là một trong những yếu tố gây ảnh hưởng đến chất lượng chăm sóc bệnh nhân. 

Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Dung, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y tế Thái Bình cho biết: Để giải quyết tình trạng trên, bắt đầu từ ngày 1/1/2021 các vị trí chức danh nghề nghiệp trong ngành điều dưỡng, kỹ thuật vật lý trị liệu, hộ sinh, xét nghiệm, dược hạng IV bắt buộc phải chuẩn hóa lên trình độ cao đẳng. Và cũng bắt đầu từ ngày 1/1/2021, ngành Y tế chỉ tuyển viên chức có trình độ cao đẳng trở lên. Từ ngày 1/1/2025, các chức danh trong trình độ trung cấp sẽ bị loại bỏ hoàn toàn. Để chuẩn hóa được cán bộ y tế tại các tuyến cơ sở cần phải có sự quan tâm đúng mức, hiện nay do nguồn nhân lực trong ngành còn đang thiếu rất nhiều nên các bệnh viện tuyến huyện sẽ rất khó hoàn thành được công việc chuẩn hóa cán bộ theo lộ trình của Thông tư số 26 và số 27 của Bộ Y tế và Bộ Nội vụ để chuẩn hóa liên thông cao đẳng y dược.

Rõ ràng, nhu cầu đi học để bổ sung kiến thức, đáp ứng yêu cầu công việc của những người đang đi làm là rất lớn. Có cầu ắt có cung, nhiều trường đại học, cao đẳng đã liên kết với trung tâm GDNN - GDTX các huyện, thành phố để mở lớp đào tạo thế nhưng công tác tuyển sinh như thế nào thì không phải ai cũng biết.

Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo, tính đến tháng 8/2019, ở cấp tiểu học, toàn tỉnh có 6.964 giáo viên, trong đó 6.217 giáo viên trong biên chế, trình độ đào tạo của giáo viên đạt chuẩn 100%, trong đó có 98,19% số giáo viên có trình độ đào tạo trên chuẩn (từ cao đẳng trở lên). Ở bậc học mầm non, hiện tại có 99,9% cán bộ quản lý, giáo viên có trình độ chuyên môn đạt chuẩn trở lên, trong đó trên chuẩn đạt 92,8% (từ cao đẳng trở lên), tăng 9% so với cùng kỳ năm trước. Có nghĩa là theo Luật Giáo dục mới thì Thái Bình sẽ có rất nhiều giáo viên mầm non, tiểu học, THCS có nhu cầu học lên đại học để nâng chuẩn bằng cấp.


Nhóm phóng viên

  • Từ khóa