Thứ 2, 18/11/2024, 10:48[GMT+7]

Đưa múa rối nước vào trường học

Thứ 4, 20/11/2019 | 08:56:39
8,052 lượt xem
Thời gian qua, Trường Mầm non Đông Các (Đông Hưng) đã đưa nghệ thuật múa rối nước vào trường học. Những câu chuyện, những bài hát, bài thơ hay đã được thể hiện thông qua lời của những chú rối nước không chỉ giáo dục đạo đức, giáo dục thẩm mỹ cho trẻ mà còn giúp các em tiếp thu bài học nhanh hơn.

Cô giáo Trường Mầm non Đông Các tạo hình con rối chuẩn bị cho buổi biểu diễn.

Chúng tôi có mặt tại Trường Mầm non Đông Các đúng vào buổi nhà trường tổ chức biểu diễn múa rối nước. Khoảng sân nhỏ nhưng rất đông vui, phụ huynh và các em nhỏ háo hức chờ tiết mục mở màn. Buổi biểu diễn bắt đầu, phía trên sân khấu, những động tác điều khiển rối xen lẫn điệu hò, câu ca khiến các em nhỏ thích thú, nhất là khi các cô giáo diễn trò Tễu giáo đầu hay múa trống cơm, đàn vịt xám... Những tiết mục này các con vẫn thường được các cô kể cho nghe trong lớp học dù có tranh ảnh minh họa nhưng không hấp dẫn, dễ tiếp thu bằng việc các cô chuyển thể thành vở rối nước, lời kể được chuyển thành lời thoại. Em Hoàng Như Ý, lớp 5 tuổi A cho biết: Con rất thích được xem múa rối nước, được xem các cô biểu diễn con thấy rất thú vị, con mong các cô thường xuyên biểu diễn múa rối nước để chúng con được xem nhiều hơn ạ. Ông Phạm Văn Cần, phụ huynh em Phạm Ngọc Hà, lớp 3 tuổi A cho biết: Trường Mầm non Đông Các đưa rối nước vào trường học tôi thấy rất ý nghĩa, giáo dục cho các con biết được nghệ thuật truyền thống của ông cha, biết được một số tích trò ngày xưa của các cụ, qua đó các con vừa học mà chơi, chơi mà học.


Để phục vụ cho một buổi biểu diễn múa rối nước ở trường học, các cô giáo  phải tự tay thực hiện rất nhiều công đoạn: tạo hình con rối, tìm nguyên liệu, cắt dán, may, chuyển một câu chuyện kể thành kịch bản sân khấu, tập thoại tiếng nói theo tính cách nhân vật, điều khiển và biểu diễn con rối theo từng động tác... Điều này có nghĩa là giáo viên làm việc nhiều hơn, mất nhiều thời gian và đầu tư công sức vào giờ dạy hơn. Cô giáo Vũ Thị Duyên, chủ nhiệm lớp 5 tuổi A cho biết: Chúng tôi thấy khó nhất là điều khiển và tạo hình con rối nhưng khi được nghệ nhân của xã hướng dẫn sau một thời gian học chúng tôi đã làm được. Với việc đưa nghệ thuật múa rối nước vào trường học, các con hứng thú hơn, tiếp thu bài học nhanh hơn và chủ động, tích cực tham gia các hoạt động hơn.


Nghệ thuật múa rối nước được Trường Mầm non Đông Các đưa vào hoạt động ngoài trời từ năm học 2016 - 2017, tất cả kinh phí đều do nhà trường chủ động. Mỗi năm, nhà trường tổ chức biểu diễn 5 đợt, mỗi đợt 4 buổi biểu diễn và mỗi lần biểu diễn phải có 8 - 10 cô giáo tham gia. Cô giáo Hoàng Thị  Huệ,  Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Đông Các cho biết: Để có những tiết mục rối nước hoàn hảo, nhà trường còn nhờ các nghệ nhân ở địa phương phối hợp chuẩn bị sân khấu, con rối. Với những con rối gỗ phải nhờ nghệ nhân đục đẽo sau đó các cô tự trang trí để biểu diễn bởi với trẻ con rối phải tạo hình giống như thật thì  mới dễ nhớ. Các cô phải tranh thủ làm ngoài giờ để không ảnh hưởng đến tiết học của các con. Đến nay, nhà trường đã chuyển thể được 3 câu chuyện, 1 bài hát, 1 vở Tễu giáo đầu thường xuyên biểu diễn cho các con xem. Qua các buổi biểu diễn múa rối nước, các con rất hứng thú, từ đó sẽ bồi đắp thêm tình yêu quê hương đất nước trong con trẻ. Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục chuyển thể nội dung một số câu chuyện, câu thơ để dàn dựng thành các tiết mục rối nước phục vụ việc giảng dạy. Bên cạnh việc biểu diễn các tiết mục rối nước, thời gian qua các cô giáo Trường Mầm non Đông Các đã kết hợp chuyển thể những tiết mục rối cạn vào khoảng 30 bài thơ, câu chuyện để các con dễ tiếp thu bài học hơn.


Trường Mầm non Đông Các là đơn vị đầu tiên của huyện Đông Hưng đưa rối nước vào trường học. Sự đổi mới, sáng tạo này không chỉ góp phần giữ  gìn bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc mà quan trọng hơn cả là đã khơi dậy sự sáng tạo, khả năng tư duy cho trẻ, đổi mới, nâng cao chất lượng dạy và học của nhà trường.

Thu Hiền


  • Từ khóa