Thứ 2, 18/11/2024, 21:37[GMT+7]

Hiệu ứng tích cực sau ngày đầu tiên học trên truyền hình

Thứ 2, 16/03/2020 | 18:48:29
1,315 lượt xem
Hôm nay là ngày đầu tiên gần 42.000 học sinh lớp 9 và lớp 12 trong tỉnh tham gia học trên truyền hình. Từ 8 -10 giờ là chương trình học dành cho học sinh lớp 9; từ 14 - 16 giờ là chương trình học dành cho học sinh lớp 12.

Em Lê Phương Ngọc, Trường THPT Chuyên Thái Bình.

Cùng với phát sóng theo khung giờ cố định trên Đài Phát thanh và Truyền hình Thái Bình, các em học sinh có thể theo dõi các giờ học trên Báo Thái Bình điện tử. Theo ghi nhận, phần lớn học sinh đều đánh giá cao phương pháp này và coi đây là giải pháp hiệu quả nhất khi thời gian nghỉ học kéo dài do dịch Covid-19.

Để chuẩn bị cho buổi học ôn tập môn Tiếng Anh do thầy giáo Nguyễn Tất Minh, Trường THPT Quỳnh Thọ giảng dạy vào 14 giờ chiều ngày 16/3, trước đó 30 phút, em Nguyễn Minh Đức, Trường THPT Nguyễn Đức Cảnh đã chuẩn bị một chiếc Ipad, một chiếc điện thoại, sách tiếng Anh và chọn chỗ có mạng wifi tốt nhất để học bài. 

Em Nguyễn Minh Đức chia sẻ: Ngay hôm nhận được thông tin và lịch phát sóng chương trình dạy học trên truyền hình, em đã lên ý tưởng cho các buổi học. Em sử dụng Ipad vì em thấy tập trung hơn khi học trên thiết bị điện tử đặt trên bàn, không phải ngẩng cao đầu như học bằng ti vi. Em sử dụng điện thoại để có thể tương tác với giáo viên bởi trong quá trình học, có chỗ nào chưa hiểu em sẽ hỏi luôn giáo viên mình. Vừa học, em vừa ghi chép lại những kiến thức thầy giảng.

Theo Minh Đức, ưu điểm lớn nhất của phương pháp này là có thể xem lại phần thầy, cô giáo giảng dạy và học ở mọi lúc mọi nơi. Với lịch ôn tập như vậy, em và các bạn có thể chủ động ôn tập bù đắp được những kiến thức bị “hổng” và duy trì nền nếp học tập bình thường.

Em Nguyễn Minh Đức, Trường THPT Nguyễn Đức Cảnh học trực tuyến trên ipad.

Lựa chọn ti vi để học, em Lê Phương Ngọc, học sinh lớp 12 Văn, Trường THPT Chuyên Thái Bình cho biết: Mắt em cận nặng nên em chọn ti vi có màn hình rộng để nhìn cho rõ. Tuy nhiên có nhiều chỗ em nhìn vẫn chưa được rõ nên em mong muốn có nhiều cảnh quay gần hơn nữa để chúng em tiếp thu kiến thức tốt hơn. 

Hiện nay, Phương Ngọc đang học ban D, em dự định đăng ký thi 3 môn Toán, Văn, Anh để xét tuyển vào các trường đại học. Vì vậy, buổi học môn Tiếng Anh chiều ngày 16/3 được em chuẩn bị khá chu đáo. 

Phương Ngọc chia sẻ: Thời điểm phát sóng học thì bố mẹ em đều đi làm, vì vậy, không gian học cũng khá yên tĩnh. Em chuẩn bị sách giáo khoa Tiếng Anh lớp 11 và 12 để ôn tập theo kiến thức thầy giáo truyền đạt. Kết thúc thời gian phát sóng buổi học môn tiếng Anh. em thấy rằng những kiến thức thầy truyền đạt hôm nay vô cùng hữu ích bởi đó có những phần em đã học từ lâu, việc ôn tập lại đã giúp em củng cố kiến thức. Em chia sẻ thêm: Chắc chắn tối nay em sẽ xem lại phần giảng dạy của thầy một lần nữa để ghi lại chỗ nào chưa hiểu. Chiều mai là lịch phát sóng môn Ngữ Văn do cô giáo Lương Thị Tuyết Mai, Trường THPT Chuyên Thái Bình giảng dạy. Mặc dù là môn mà em đang học ở lớp chuyên nhưng chắc chắn em sẽ chuẩn bị thật kỹ cho buổi học này.


Giáo viên tổ tiếng Anh, Trường THPT Nguyễn Đức Cảnh theo dõi buổi học trực tuyến tại trường.

Không chỉ học sinh, hai buổi học trong ngày đầu tiên còn thu hút đông đảo giáo viên theo dõi và học hỏi kinh nghiệm. 

Cô giáo Phạm Hải Yến, giáo viên môn Tiếng Anh, Trường THPT Nguyễn Đức Cảnh cho biết: Chiều nay phát sóng ôn tập môn Tiếng Anh nên tất cả các thầy, cô giáo dạy bộ môn này đều tập trung tại trường để theo dõi và học hỏi kinh nghiệm của thầy giáo giảng dạy. Sau khi kết thúc tiết học, chúng tôi đã thảo luận và đưa ra các dạng bài tập cho học sinh làm. Đây được coi là bước đánh giá kết quả sau mỗi buổi học trực tuyến của các em. 

Ông Phạm Văn Từ, Phó trưởng Phòng Giáo dục Trung học, Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: Qua nắm bắt sơ bộ từ các phòng giáo dục và đào tạo và các trường THPT, hầu hết học sinh đều hứng thú với phương pháp học trên truyền hình. Đây có thể coi là phương pháp hữu hiệu nhất trong thời điểm hiện nay tuy nhiên không thể thay thế hoàn toàn phương pháp dạy học truyền thống. Từ các bài giảng và giáo viên đều được Sở Giáo dục và Đào tạo chọn lọc và thẩm định trước khi phát sóng nên kiến thức khá cơ bản, trọng tâm, học sinh yên tâm ôn tập. Trong thời gian tới, căn cứ vào tình hình thực tế, Sở sẽ điều chỉnh thời gian của mỗi buổi học, tiết học, triển khai dạy kiến thức mới, gia tăng số môn học và thời lượng phát sóng trên truyền hình. Đối với các khối, lớp chưa tổ chức dạy trên truyền hình, các nhà trường sử dụng đa dạng các hình thức để hướng dẫn các em tự học, ôn tập phù hợp với đối tượng học sinh và trang thiết bị, cơ sở vật chất của nhà trường.

Đặng Anh