Thanh Hóa: Bản “5 không” về đích nông thôn mới
Cho đến bây giờ, hàng trăm người dân bản Nàng 1, xã Mường Lý, huyện Mường Lát vẫn không thể quên, trong 8 tháng tập trung cao điểm, bản đã hoàn thành “về đích” nông thôn mới (NTM) trong niềm vui, niềm hạnh phúc vỡ òa. Sau 3 năm nhìn lại, từ một bản đặc biệt khó khăn “5 không”, giờ đây bản Nàng 1 đã có một diện mạo đổi khác, tạo điểm nhấn sinh động cho bức tranh đại ngàn miền Tây xứ Thanh. Bản cũng đã và đang tiếp tục phấn đấu theo hướng xây dựng bản NTM nâng cao và bản NTM kiểu mẫu. Trong thành quả ngọt ngào ấy, bên cạnh mong mỏi, khát khao cùng sự nỗ lực của chính người dân, còn phải kể đến vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, sự năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của cấp ủy, chính quyền nơi đây.
Quyết tâm xóa bỏ “5 không”
Vượt hàng trăm cây số từ TP Thanh Hóa lên tới huyện vùng cao Mường Lát, chúng tôi mới cảm nhận rõ những khó khăn chồng chất và quyết tâm của dân bản. Bản Nàng 1 nằm ở trung tâm xã Mường Lý, cách thị trấn Mường Lát khoảng 25 km về phía Đông Bắc. Bản có tên gọi lúc đầu là bản Nàng, đặt theo tiếng dân tộc Thái, mang tên một con suối lớn chảy qua bản. Năm 1999, bản Nàng được chia tách và đổi tên thành bản Nàng 1 cho đến ngày nay. Bản Nàng 1 hiện có 84 hộ, với 358 nhân khẩu, có 3 dân tộc anh em cùng sinh sống gồm: Thái, Mường, Kinh. Đây cũng là bản thuộc diện di dời tái định cư của Dự án Thủy điện Trung Sơn. Chi bộ bản Nàng 1 có 30 đảng viên đang sinh hoạt.
Bản Nàng 1 nằm dọc theo con sông Mã; lưng dựa vào đỉnh núi Hin Ca sừng sững. Địa thế của bản chủ yếu là đồi núi, độ dốc tương đối cao, bị chia cắt mạnh bởi các con suối lớn nhỏ khác nhau, trong đó suối Nàng là lớn nhất, phục vụ tưới tiêu và cung cấp nước sinh hoạt đáp ứng nhu cầu sản xuất và đời sống hàng ngày của người dân. Cũng do đặc điểm địa hình, nên việc canh tác lúa của người dân được thực hiện ngay tại vị trí tương đối bằng phẳng, dọc tuyến suối Nàng.
Trước khi xây dựng NTM, Nàng 1 nằm trong danh sách bản đặc biệt khó khăn vùng dân tộc và miền núi của Chính phủ, với “5 không”: không điện, không đường, không trường, không trạm y tế, không sóng điện thoại. Trình độ dân trí, nhận thức về xây dựng NTM còn nhiều hạn chế. Thu nhập của người dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, làm nương rẫy, ngành nghề dịch vụ chưa phát triển. Tỷ lệ lao động qua đào tạo chỉ chiếm 16,1%; tỷ lệ hộ gia đình có nhà tiêu và chuồng trại chăn nuôi hợp vệ sinh mới đạt 10%; cơ sở vật chất văn hóa chưa đạt chuẩn theo quy định...
Nhớ lại cách đây 3 năm, anh Vi Văn Thúng vẫn còn ám ảnh bởi cái cảnh “5 không”. Anh Thúng chia sẻ: “Trước đây, cuộc sống của người dân trong bản còn khó khăn nhiều lắm. Nhà ở thì tạm bợ, sản xuất thì manh mún, nhỏ lẻ. Trẻ con học bài không có đèn điện, không có đường giao thông đi lại thuận tiện và giao lưu với các vùng miền, trường học không đảm bảo kiên cố để các em học sinh an tâm ra lớp những ngày mưa bão, thiếu trang thiết bị và nhân viên y tế, cánh sóng phát thanh truyền hình chưa kết nối về với bản làng, liên lạc bằng điện thoại hầu như không thể... Thì nay, nhờ chương trình xây dựng NTM, “5 không” đã được xóa bỏ; đời sống người dân đã cơ bản ổn định, không còn tư tưởng trông chờ ỷ lại, người dân đã biết trồng trọt, chăn nuôi, sản xuất tự cung, tự cấp, trao đổi hàng hóa. Bản thân gia đình mình cũng đã tự nuôi được một đàn dê, vài con gà, mấy con lợn và làm nghề phụ đánh bắt cá trên sông để cải thiện cuộc sống...”.
Trên cơ sở rà soát, đánh giá thực trạng để xây dựng NTM vào thời điểm đó, bản Nàng 1 có 5/14 tiêu chí chưa đạt là: Giáo dục, văn hóa, thông tin tuyên truyền, hộ nghèo và môi trường. Nhiệm vụ đặt ra hết sức nặng nề, với khối lượng công việc nhiều, nhu cầu vốn lớn, trong khi thời gian tổ chức thực hiện ngắn. Song, được sự quan tâm của Huyện ủy, UBND huyện Mường Lát, sự phối hợp giúp đỡ của các cấp, các ngành, sự đoàn kết thống nhất, quyết tâm cao của các cấp ủy đảng tập trung lãnh đạo, chỉ đạo cùng với chính quyền địa phương đã có nhiều cách làm sáng tạo, khơi dậy được nội lực trong Nhân dân, quyết tâm xóa bỏ “5 không”, góp phần để bản Nàng 1 hoàn thành 14/14 tiêu chí và “về đích” NTM.
“Về đích”... khi chưa đầy 1 năm
Bắt tay vào xây dựng NTM, Đảng bộ xã Mường Lý đã ban hành Nghị quyết chuyên đề số 02 ngày 20-2-2017 để tập trung chỉ đạo chương trình xây dựng NTM, mà trọng tâm là bản Nàng 1. Ban chỉ đạo xây dựng NTM xã đã ban hành quy chế hoạt động, đồng thời huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các ban, ngành, đoàn thể để tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện.
MTTQ xã đã cùng với chi bộ, ban quản lý và ban công tác mặt trận bản tổ chức tuyên truyền thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, huy động các nguồn lực xây dựng NTM. Hội nông dân xã cùng với chi bộ, ban quản lý bản và các hội viên ở bản chịu trách nhiệm vận động hội viên gương mẫu đi đầu trong việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi; xây dựng các mô hình kinh tế, áp dụng tiến bộ khoa học – kỹ thuật vào sản xuất đạt năng suất, chất lượng cao, hướng tới sản xuất hàng hóa; thực hiện vệ sinh đường làng, ngõ xóm, xóa đói, giảm nghèo, quản lý bảo vệ tốt tuyến đường tự quản. Hội liên hiệp phụ nữ xã cùng với các hội viên tại bản thực hiện tốt vận động nuôi con khỏe, dạy con ngoan, hỗ trợ vốn để giúp nhau xóa đói, giảm nghèo, giải quyết việc làm, thực hiện tốt cuộc vận động “5 không, 3 sạch”. Hội cựu chiến binh có trách nhiệm vận động hội viên gương mẫu đi đầu trong phong trào xây dựng NTM, làm nòng cốt trong phát triển kinh tế gia trại, trang trại và cải tạo vườn tạp, xây dựng các công trình vệ sinh. Đoàn thanh niên xung kích đi đầu trong phong trào lập thân, lập nghiệp, bảo vệ an ninh trật tự ở địa phương, vận động đoàn viên, thanh niên xây dựng bộ mặt nông thôn xanh – sạch – đẹp. Hội người cao tuổi thực hiện cuộc vận động “Ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo”; khuyến khích con cháu thực hiện tốt công cuộc xây dựng NTM, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của địa phương.
Để chủ động nắm bắt, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện, xã chia các tổ, phân công các đảng viên trong chi bộ bản hướng dẫn cụ thể từng lĩnh vực, như: tổ phát triển kinh tế, tổ xây dựng cơ sở hạ tầng, tổ văn hóa – xã hội, tổ công tác tổ chức và hệ thống chính trị, tổ quốc phòng – an ninh. Đặc biệt là tất cả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, các nội dung công việc liên quan đến NTM, kết quả công tác của bản, khu dân cư, đều được xã, bản quán triệt, phổ biến rộng rãi thông qua các hội nghị của bản, qua các buổi sinh hoạt thường kỳ của các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội và tuyên truyền qua hệ thống pano, áp phích tại các khu công cộng và khu dân cư, để Nhân dân hiểu và nắm rõ mục đích, nội dung của chương trình là “tiếp cận dựa vào nội lực và do cộng đồng địa phương làm chủ”.
Đồng chí Ngân Văn Tịnh, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng bản Nàng 1 cho biết: Để tập trung xây dựng NTM, chi bộ, ban quản lý bản đã phát huy vai trò trách nhiệm của mỗi đảng viên, trưởng bản và các đoàn thể chính trị - xã hội. Phân công cho các đảng viên phụ trách các tổ đảm nhận nhiệm vụ theo từng lĩnh vực, gắn nội dung công việc với trách nhiệm của từng đồng chí. Đồng thời thường xuyên đánh giá, biểu dương kết quả trước chi bộ, tập thể và bình xét đề nghị khen thưởng. Qua đó, tạo nên sự đồng thuận và không khí phấn khởi thi đua sôi nổi, rộng khắp trong toàn bản.
Trong xây dựng NTM, phát triển kinh tế để nâng cao thu nhập cho người dân vừa là động lực, vừa là mục tiêu của chương trình. Ý thức được điều này, UBND xã Mường Lý và ban quản lý bản Nàng 1 đã thực hiện việc hỗ trợ phát triển sản xuất và ngành nghề nông thôn. Theo đó đã tập huấn kỹ thuật quy trình chăn nuôi cho 17 hộ được hỗ trợ bò từ các chương trình dự án, như: Chương trình 30a, Chương trình 135 và Viettel. Phối hợp với Ban Quản lý Dự án Thủy điện Trung Sơn hỗ trợ cho các hộ dân trong bản theo dự án sinh kế. Ngoài ra, bản còn động viên, hướng dẫn chỉ đạo Nhân dân trồng, chăm sóc bảo vệ hàng trăm ha rừng, phát triển chăn nuôi, tăng năng suất, sản lượng và đàn vật nuôi. Chính vì vậy, năng suất, sản lượng các loại vật nuôi tăng, đàn bò tăng từ 200 con lên 300 con; đàn lợn từ 300 con lên 500 con; đàn gia cầm từ 1.700 lên 2.500 con.
Đi đôi với phát triển sản xuất, xã cùng với bản tích cực đẩy mạnh phát triển ngành nghề dịch vụ, như: dệt thổ cẩm, may, thêu, mở hàng quán kinh doanh dịch vụ cung cấp hàng hóa tiêu dùng thiết yếu cho người dân. Nhờ đó, tỷ lệ lao động có việc làm của bản đã đạt 100%, thu nhập bình quân đầu người đạt 26 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn đa chiều) còn 5%. Về xây dựng cơ sở hạ tầng, hầu hết các hộ dân trong bản đã xây dựng, sửa chữa, chỉnh trang các công trình phục vụ dân sinh; chuồng trại chăn nuôi; trồng cây xanh nơi công cộng... Kết quả tổng vốn huy động xây dựng NTM của bản đạt gần 3 tỷ đồng, trong đó ngân sách Nhà nước hỗ trợ 950 triệu đồng, Nhân dân đóng góp hơn 2 tỷ đồng.
Sau chưa đầy 1 năm triển khai thực hiện (đầu năm 2017 đến cuối tháng 8-2017), bản Nàng 1 đã được công nhận bản NTM. Kinh tế phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân được nâng cao; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đáp ứng nhu cầu phát triển; gắn phát triển nông nghiệp với phát triển nhanh dịch vụ ngành nghề nông thôn; nông thôn phát triển theo quy hoạch; bản sắc văn hóa dân tộc được giữ gìn và phát huy, trình độ dân trí nâng lên; môi trường sinh thái được bảo vệ; sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng được tăng cường, quốc phòng – an ninh đảm bảo, trật tự an toàn xã hội giữ vững, bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc.
Mừng vì bản Nàng 1 “về đích” NTM, mừng vì miền núi xứ Thanh bớt đi một bản đặc biệt khó khăn. Rời bản Nàng 1 trong tâm trạng bịn rịn, quyến luyến, chúng tôi vẫn mong có ngày trở lại, để được thấy bản Nàng 1 giàu đẹp hơn nữa, như lời đồng chí Hà Văn Tuấn, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Mường Lý đã khẳng định: Đạt được 14/14 tiêu chí mới chỉ là bước đầu trong chương trình xây dựng NTM. Để tiếp tục duy trì chất lượng các tiêu chí đã đạt và hướng tới xây dựng bản NTM nâng cao, bản NTM kiểu mẫu, trong thời gian tới, bản Nàng 1 với tinh thần “thống nhất trong nhận thức, quyết tâm trong ý chí, quyết liệt trong hành động”, sẽ tập trung đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân, đảm bảo sự tăng trưởng và phát triển bền vững.
Theo baothanhhoa.vn
Tin cùng chuyên mục
- Một số giải pháp thúc đẩy CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn ở huyện Chương Mỹ, Thành phố Hà Nội 28.10.2024 | 11:31 AM
- Mường Thàng trước cơ hội bứt phá: Bài 1 - Những điểm sáng thực hiện nghị quyết của Đảng 11.10.2023 | 16:52 PM
- Huyện Đan Phượng (Hà Nội): Nông dân thi đua xây dựng nông thôn mới 04.06.2022 | 23:54 PM
- Giải bài toán rác thải sinh hoạt nông thôn 22.12.2021 | 13:55 PM
- Hà Nội: Tích cực triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2020-2025 19.07.2021 | 09:47 AM
- Tuổi trẻ cả nước ra quân làm đường, xây cầu thắp sáng những miền quê 18.07.2021 | 20:55 PM
- Đồng lòng hiến đất để làm đường liên thôn, liên xã ở Đắk Nông 17.07.2021 | 15:47 PM
- Hà Nội sẽ ban hành bộ tiêu chí nông thôn mới nâng cao 17.07.2021 | 15:47 PM
- Huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An): Phát huy nội lực, tranh thủ ngoại lực phấn đấu về đích huyện nông thôn mới năm 2021 16.07.2021 | 15:00 PM
- Nam Định: Phát huy vai trò của cán bộ, đảng viên ở xã vùng giáo 15.07.2021 | 14:49 PM
Xem tin theo ngày
- Quốc hội thảo luận về các dự án luật
- Đồng chí Ngô Đông Hải giữ chức Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận tại tổ về các dự án luật
- Họp Ban Cán sự đảng UBND tỉnh
- Ký kết Quy chế phối hợp công tác giữa Ban Cán sự đảng UBND tỉnh với Ban Cán sự đảng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận về các dự thảo nghị quyết
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tiếp xúc cử tri tại thành phố Thái Bình
- Quốc hội tiếp tục họp đợt 2 của kỳ họp thứ tám
- Các đồng chí lãnh đạo tỉnh chúc mừng Sở Giáo dục và Đào tạo nhân ngày Nhà giáo Việt Nam
- Đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam tại xã Vũ Lăng