Thứ 7, 09/11/2024, 22:37[GMT+7]

Tiền Hải: Phát triển bền vững kinh tế biển

Thứ 2, 21/09/2020 | 09:20:53
2,276 lượt xem
Với chiều dài bờ biển hơn 23km, huyện Tiền Hải có nhiều điều kiện thuận lợi phát triển đánh bắt, nuôi trồng thủy sản gắn với tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Ngư dân Tiền Hải chuẩn bị ngư cụ ra khơi đánh bắt hải sản.

Thời gian qua, Tiền Hải triển khai tốt các chính sách khuyến khích của Chính phủ, của tỉnh về phát triển khai thác hải sản xa bờ và hiện đại hóa đội tàu khai thác đã giúp chuyển dịch dần cơ cấu nghề khai thác, giảm áp lực khai thác đối với vùng biển ven bờ, mang lại giá trị kinh tế cao cho ngư dân. Anh Nguyễn Quang Hợp, xã Nam Thịnh cho biết: Trước đây tôi cũng như nhiều ngư dân địa phương chủ yếu đánh bắt gần bờ, từ khi được định hướng và hỗ trợ của Nhà nước, gia đình đã huy động vốn đầu tư tàu công suất lớn, đánh bắt vùng ngư trường xa. Sự có mặt thường xuyên của các đội tàu, ngư dân trên các vùng biển xa không chỉ nhằm khai thác tốt tiềm năng, lợi thế nguồn tài nguyên biển mà còn góp phần quan trọng khẳng định chủ quyền và bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh quốc gia trên biển.

Bên cạnh tập trung hiện đại hóa đội tàu đánh bắt hải sản xa bờ, nuôi trồng thủy hải sản vẫn là thế mạnh của Tiền Hải giúp người dân ven biển phát triển kinh tế vững chắc. 

Anh Nguyễn Văn Nhàn, xã Nam Cường cho biết: Những năm qua, UBND huyện Tiền Hải đã khuyến khích các hộ dân đầu tư xây dựng mô hình nuôi tôm công nghệ cao theo hướng bền vững. Để nuôi tôm hiệu quả, gia đình tôi đã áp dụng công nghệ mới như: lót bạt HDPE quanh bờ và đáy ao, xây dựng hệ thống xử lý nước thải theo quy trình, lắp đặt quạt nước, sủi khí cho ao, ứng dụng công nghệ giữ ô xy hòa tan trong nước. Ưu điểm nuôi tôm công nghệ cao là dễ cải tạo ao, tốn ít thời gian hơn so với ao nền đất, có thể nuôi tôm thâm canh mật độ cao và ít rủi ro, đặc biệt nuôi tôm vào mùa đông. Năm 2019, anh đã thắng lợi cả 3 vụ tôm liên tiếp. Riêng vụ đông sản lượng tôm đạt trên 4 tấn/8 sào, trừ chi phí anh thu lãi trên 400 triệu đồng.

Ông Phạm Văn Vang, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tiền Hải cho biết: Đến thời điểm hiện nay, toàn huyện Tiền Hải có 549 tàu đánh bắt hải sản, trong đó 142 tàu khai thác trung và xa bờ. Diện tích nuôi trồng thủy sản đạt khoảng 4.889ha. Để phát huy tiềm năng kinh tế biển và phát triển khai thác thủy sản hiệu quả và bền vững, Tiền Hải đang nỗ lực tuyên truyền phổ biến Luật Thủy sản, thực hiện tốt các cơ chế, chính sách để phát triển đội tàu khai thác xa bờ công suất lớn với các nghề khai thác sản phẩm có giá trị kinh tế cao, sắp xếp cơ cấu nghề nghiệp khai thác hợp lý trên cơ sở giảm các nghề khai thác hủy diệt, ảnh hưởng tới nguồn lợi, tăng các nghề có tính chọn lọc và thân thiện với môi trường. Các chính sách về hỗ trợ ngư dân khai thác hải sản, đóng tàu đánh bắt xa bờ có tác dụng tích cực. Sản lượng khai thác hải sản hàng năm tăng nhanh và liên tục.

Hiện nay, đánh bắt thủy sản xa bờ đóng vai trò đặc biệt quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội, cũng như trong vấn đề an ninh quốc gia. Còn đối với nuôi trồng thủy sản, bước đột phá mới của Tiền Hải đã thay đổi phương thức nuôi trồng chuyển dần sang thâm canh, ứng dụng công nghệ cao trong nuôi tôm gắn với tăng vụ và đa dạng các đối tượng nuôi phù hợp với từng vùng môi trường sinh thái. Chú trọng kiểm soát, khống chế kịp thời các dịch bệnh nguy hiểm, giảm thiểu thiệt hại gây ra. Tiền Hải đã tiến hành quy hoạch vùng ươm ngao giống với diện tích 300ha; 2 cơ sở sản xuất giống thủy sản mỗi năm đáp ứng được 20% nhu cầu. Quy vùng 93ha nuôi tôm thâm canh theo hướng công nghệ cao, mỗi năm nuôi từ 2 - 3 vụ mang lại hiệu quả kinh tế gấp 3 - 5 lần nuôi truyền thống. Chế biến thủy sản từng bước được chú trọng, đã hình thành các doanh nghiệp, đầu mối chế biến cung cấp trong nước và xuất khẩu. Đồng thời, chú trọng nuôi trồng hải sản tạo ra một số sản phẩm chủ lực, các loại thủy sản có lợi thế, có sức cạnh tranh trên thị trường; đa dạng hóa các đối tượng khai thác và nuôi trồng thủy sản theo hướng có giá trị và hiệu quả kinh tế cao. Sản xuất thủy sản phát triển khá mạnh cả nuôi trồng, khai thác và dịch vụ diện tích nuôi trồng thủy sản hàng năm đạt 4.889ha, sản lượng đạt khoảng 62.464 tấn; sản lượng khai thác hàng năm đạt khoảng 22.772 tấn. Giá trị sản xuất ngành thủy sản tăng bình quân 5 năm là 7,89%. Sản phẩm thủy sản từ nuôi trồng, đánh bắt của Tiền Hải chủ yếu được chế biến thô, tiêu thụ ở thị trường nội tỉnh và trong nước, riêng ngao đã xuất sang thị trường EU.

Để duy trì khai thác, nuôi trồng thủy sản bền vững Tiền Hải tiếp tục tăng cường xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ, đẩy mạnh bảo vệ, phát triển nguồn lợi thủy sản. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát, quản lý chặt chẽ tàu thuyền trong mùa mưa bão. Phát huy năng lực, hiệu quả cảng cá và khu neo đậu, đẩy mạnh phát triển đánh bắt, khai thác thủy sản với bảo vệ an ninh, chủ quyền biển, đảo. Tiền Hải cũng tập trung giải phóng mặt bằng, tạo điều kiện thuận lợi triển khai các dự án đường bộ ven biển, các dự án trong Khu kinh tế Thái Bình; xây dựng đường số 4 nối từ cảng Trà Lý đến khu công nghiệp Tiền Hải. Triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao trong xây dựng Khu kinh tế Thái Bình. Đặc biệt, UBND tỉnh đã có chủ trương mở cảng cá Cửa Lân thuộc địa phận xã Nam Thịnh sẽ góp phần đáp ứng cho 100 lượt tàu thuyền ra vào/ngày, sản lượng hàng hóa qua cảng đạt 12.000 tấn/năm. Việc mở cảng cá sẽ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế biển của Tiền Hải vững chắc.

Mạnh Thắng