Thứ 4, 13/11/2024, 06:55[GMT+7]

Bến Tre: Đổi thay từ xây dựng nông thôn mới

Thứ 4, 25/11/2020 | 14:16:57
1,438 lượt xem
Sau 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), đến nay, bộ mặt nông thôn Bến Tre từng bước được thay đổi, các thiết chế hạ tầng kinh tế - xã hội ở nông thôn ngày càng được hoàn thiện, khang trang, từng bước đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, sản xuất của người dân; thu nhập của cư dân nông thôn tăng ít nhất 1,56 lần so với năm 2015.

Công tác tuyên truyền góp phần quan trọng thay đổi nhận thức của người dân trong chuyển đổi các mô hình hình tế hiệu quả (Ảnh: HM)

Đổi mới hình thức tuyên truyền 

Qua tổng kết, đánh giá 10 năm thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW Hội nghị Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Nghị quyết 03-NQ/TU về xây dựng NTM và Nghị quyết 03-NQ/TU về xây dựng và hoàn thiện chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực của tỉnh, ngày 08 tháng 11 năm 2018, Tỉnh ủy Bến Tre đã ban hành Kết luận số 359-KL/TU về phát triển nông nghiệp, nông dân, xây dựng NTM giai đoạn 2018-2020 và định hướng đến năm 2025. Qua đánh giá của kết luận 359-KL/TU thì “điểm nghẽn” lớn nhất là khâu tuyên truyền để hệ thống chính trị và người dân nhận thức được ý nghĩa, tầm quan trọng của việc xây dựng NTM và tư duy của các Nghị quyết phải bằng nhiều hình thức tuyên truyền sáng tạo, thiết thực, cụ thể “làm dân thấy, nói dân nghe, tuyên truyền bằng hành động”.

UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp, các ngành thực hiện thường xuyên, liên tục trên quan điểm phát huy nội lực cộng đồng, người dân là chủ thể, Nhà nước giữ vai trò hỗ trợ, quán triệt phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng”. Nhiều hình thức tuyên truyền được thực hiện sinh động, phong phú với nội dung thiết thực, hữu ích như tổ chức hội nghị, tọa đàm, hội thi, in tờ bướm, lắp đặt pano, băng rôn,... đặc biệt thực hiện các tiểu phẩm trên đài phát thanh, truyền hình với nội dung gần gũi, dễ hiểu; từ đó đã làm chuyển biến tích cực trong suy nghĩ và hành động của cán bộ, đảng viên, hội viên và quần chúng nhân dân đối với công tác xây dựng NTM.

Bên cạnh đó, nhằm phát huy sự chủ động của hệ thống chính trị địa phương và vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng NTM, nhất là trong thực hiện các tiêu chí thuộc trách nhiệm của địa phương và hộ gia đình, tránh tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của cấp trên, tỉnh đã tổ chức triển khai thực hiện “Ngày Chủ nhật NTM” trên 142 xã trên địa bàn tỉnh. Đến cuối tháng 8/2020, đã tổ chức thực hiện được 17 tháng “Ngày Chủ nhật NTM, thu hút được 420.130 lượt người tham gia (trong đó người dân tham gia chiếm 51,95%); tổng số tiền huy động để thực hiện các phần việc của “Ngày Chủ Nhật NTM” trên toàn địa bàn tỉnh từ khi bắt đầu đến nay là 17,98 tỷ đồng.

Qua thời gian triển khai thực hiện xây dựng NTM, đến tháng 9 năm 2020, toàn tỉnh có 49 xã đạt chuẩn NTM, 30 xã đạt 15-18 tiêu chí, 53 xã đạt 10-14 tiêu chí, 10 xã còn lại đạt 7-9 tiêu chí; trung bình mỗi xã đạt 15,07 tiêu chí (tăng 4,88 tiêu chí so với cuối năm 2015). Về 04 tiêu chí “cứng”, có 67/142 xã đạt tiêu chí Giao thông (đạt 47,18%), 114/142 xã đạt tiêu chí Thu nhập (đạt 80,28%), 80/142 xã đạt tiêu chí Môi trường và An toàn thực phẩm (đạt 56,33%), 118/142 xã đạt tiêu chí 19 về Quốc phòng và An ninh (đạt 83,1%). Huyện Chợ Lách đã hoàn thành các tiêu chí xây dựng NTM và chờ Trung ương xem xét đạt chuẩn NTM. TP Bến Tre đã hoàn thành xây dựng NTM vào năm 2020.

Tỉnh Bến Tre đã có nhiều chính sách thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát huy nguồn lực của tỉnh, đóng góp cho sự phát triển (Ảnh: Phương Khuê) 

Khởi sắc từ xây dựng nông thôn mới

Sau 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, đến nay, bộ mặt nông thôn từng bước được thay đổi, các thiết chế hạ tầng kinh tế - xã hội ở nông thôn ngày càng được hoàn thiện, khang trang, từng bước đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, sản xuất của người dân. Hiện, tổng số km đường được đầu tư nhựa hóa hoặc bê tông hóa là 1.969,75 km, chất lượng đường giao thông ngày càng được nâng cao và khá đồng bộ góp phần tích cực hình thành các vùng sản xuất, tạo điều kiện thuận lợi thu hút các nhà đầu tư về nông thôn. Hệ thống thủy lợi ngày càng được hoàn thiện, từ nguồn vốn Chương trình xây dựng NTM, tỉnh Bến Tre đã đầu tư xây dựng 09 công trình (05 công trình đê bao cục bộ, 04 công trình cống nội đồng), nạo vét 528 tuyến kênh với  tổng chiều dài 549 km và tổng khối lượng nạo vét gần 2,6 triệu m3. Tỷ lệ hộ dân sử dụng điện đến nay đạt 99,93%; Hệ thống trường học các cấp ở nông thôn luôn được tỉnh chú trọng; tỷ lệ xã có nhà văn hóa tăng nhanh... qua đó khai thác hiệu quả, đa dạng hóa các hoạt động để phục vụ và đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tinh thần, rèn luyện thân thể của nhân dân.

Kinh tế nông thôn liên tục tăng trưởng khá, chuyển dịch theo hướng đẩy mạnh phát triển công nghiệp, dịch vụ và đa dạng hóa ngành nghề, góp phần đáng kể vào việc thúc đẩy tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh.Cơ cấu lại ngành nông nghiệp được thực hiện theo hướng đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, dịch vụ theo hướng cơ chế thị trường và sản xuất hàng hóa quy mô lớn, hiệu quả hơn. Đến nay, toàn tỉnh có 108 HTX  thuộc lĩnh vực nông nghiệp (tăng 89 HTX so với năm 2016), trong đó có 109 THT, 48 HTX tham gia vào chuỗi giá trị các sản phẩm nông nghiệp chủ lực; Tỷ trọng lao động nông nghiệp đạt 47%, cao hơn so với chỉ tiêu đề án; Nông dân được đào tạo nghề nông nghiệp đạt 41,33% (chỉ tiêu 41%); Thu nhập của cư dân nông thôn tăng ít nhất 1,56 lần so với năm 2015.

Đánh giá từ UBND tỉnh Bến Tre cho thấy, mặc dù đạt những kết quả đáng ghi nhận nhưng Bến Tre vẫn còn nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế - xã hội, trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM. Kết quả thực hiện các chỉ tiêu vẫn còn thấp so với các tỉnh trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước; đời sống của người dân vẫn còn nhiều khó khăn do thiên tai, dịch bệnh ảnh hưởng đến phong trào, sức đóng góp trong thực hiện tiêu chí...

Giai đoạn 2020- 2025, Bến Tre phấn đấu có thêm 05 huyện đạt chuẩn NTM gồm huyện Mỏ Cày Bắc, Mỏ Cày Nam, Thạnh Phú, Châu Thành và Bình Đại; huyện Chợ Lách đạt chuẩn huyện NTM nâng cao; có 80% xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 40% xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, mỗi huyện, thành phố có 01 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.

Để đạt được các mục tiêu đặt ra cho giai đoạn 2020-2025, Bến Tre xác định tập trung quyết liệt, đổi mới, sáng tạo đa dạng các hình thức tuyên truyền, tổ chức các phong trào xây dựng NTM bằng nhiều hình thức gần gũi với nhân dân; đẩy mạnh công tác thi đua khen thưởng, nhân rộng những cá nhân, tập thể điển hình, các mô hình, cách làm hay trong xây dựng NTM; hoàn thiện cơ chế, chính sách trong xây dựng nông thôn mới, rà soát, điều chỉnh, cụ thể hóa các cơ chế, chính sách của Trung ương giai đoạn 2021-2025 như cơ chế về hỗ trợ vốn đầu tư, các bộ tiêu chí về NTM; Cải thiện môi trường đầu tư, tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến mời gọi doanh nghiệp đầu tư vào khu vực nông thôn, đặc biệt là trong lĩnh vực chế biến, góp phần giải quyết đầu ra cho sản phẩm từ các HTX.

TP Bến Tre đã hoàn thành tiêu chí xây dựng NTM trong năm 2020 (Ảnh: Báo Đồng Khởi) 

Cùng với đó, Bến Tre xác định sẽ tập trung phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn, tập trung phát triển các hình thức liên kết sản xuất, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với sinh thái và thích ứng với biến đổi khí hậu; đẩy mạnh triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, đề án đã ban hành, đặc biệt là Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) nhằm tạo ra các sản phẩm giá trị, tạo thu nhập ổn định, bền vững cho người dân. Huy động các nguồn lực trong xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội nông thôn; phát triển văn hóa, giáo dục, y tế và môi trường.

Tiếp tục xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, đảm bảo an ninh, quốc phòng, cụ thể: Quan tâm đào tạo, nâng cao kỹ năng, kiến thức cho cán bộ địa phương, những người trực tiếp thực hiện nhiệm vụ xây dựng NTM, đảm bảo được trang bị đầy đủ kiến thức chuyên môn và kỹ năng cần thiết để đáp ứng tốt hơn yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, cụ thể: Phát huy vai trò giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và tổ chức chính trị - xã hội các cấp và mời người dân tham gia để thực hiện vai trò giám sát của cộng đồng trong xây dựng NTM. Tăng cường công tác kiểm tra, tháo gỡ khó khăn cho địa phương trong quá trình triển khai thực hiện tiêu chí xã, huyện NTM, kiểm tra tiến độ thực hiện các tiêu chí và giải ngân các nguồn vốn đã được phân bổ./.

Theo dangcongsan.vn