Thứ 7, 09/11/2024, 22:35[GMT+7]

1 tuần tước giấy phép lái xe hơn 6.000 trường hợp

Thứ 4, 23/12/2020 | 08:17:28
1,954 lượt xem
Đã hơn 1 tuần lực lượng cảnh sát giao thông toàn quốc ra quân đảm bảo trật tự an toàn giao thông. Và nhiều con số đáng lo ngại về tình hình vi phạm giao thông trên cả nước.

CSGT tăng cường xử lý vi phạm, đảm bảo trật tự an toàn giao thông. (Ảnh: TTXVN)

Lực lượng CSGT trên toàn quốc đã xử lý trên 35.000 trường hợp vi phạm; tước giấy phép lái xe trên 6.000 trường hợp. Trong đó vi phạm về nồng độ cồn trên 3.000 trường hợp. 24 trường hợp lái xe sử dụng ma tuy khi điều khiển phương tiện.

Đợt cao điểm đảm bảo an toàn giao thông diễn ra từ 15/12 đến 28/2 năm sau, phục vụ bảo vệ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021.

Trọng tâm của đợt cao điểm là bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đường sắt và đường thủy phục vụ việc đi lại, vui chơi, lễ hội, vận tải hành khách, hàng hóa của nhân dân trong dịp Tết và các lễ hội đầu Xuân 2021, phòng ngừa, làm giảm tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông; ngăn chặn kịp thời, xử lý nghiêm các vụ tụ tập gây rối trật tự công cộng, đua xe trái phép...

Theo đó, trên lĩnh vực giao thông đường bộ, cảnh sát giao thông tập trung vào kiểm soát đối với các hành vi vi phạm về nồng độ cồn, ma túy; chạy quá tốc độ, đi không đúng phần đường, làn đường; tránh, vượt, dừng, đỗ không đúng quy định; chở hàng quá tải, quá khổ, quá số người quy định; đón, trả khách không đúng nơi quy định; không nhường đường cho xe ưu tiên; không có giấy phép lái xe hoặc giấy phép lái xe không hợp lệ; xe hết niên hạn sử dụng, quá niên hạn kiểm định. Xe ô tô chở khách, ô tô vận tải container và xe mô tô là những đối tượng tập trung kiểm soát, xử lý.

Trên lĩnh vực giao thông đường sắt, cảnh sát giao thông phối hợp với chính quyền, công an các đơn vị địa phương và ngành đường sắt tổ chức kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường sắt tại các đường ngang phức tạp về an toàn giao thông, đường ngang không có cảnh giới, đường ngang mở trái phép, việc chấp hành các quy định về phòng, chống cháy nổ, vận chuyển hành khách, hàng hóa. Địa bàn trọng tâm là tuyến đường sắt Thống Nhất và các ga trọng điểm như Hà Nội, Đà Nẵng, Sài Gòn và một số ga chính trên tuyến đường sắt Thống Nhất.

Trên lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa, trước Tết Nguyên đán, cảnh sát đường thủy tập trung vào các đối tượng kinh doanh hàng hóa, các hoạt động khai thác tài nguyên khoáng sản, hoạt động vận tải hành khách ngang sông, theo tuyến cố định ở các tuyến vận tải trọng điểm như sông Hồng, sông Đuống, sông Lam, sông Sài Gòn, sông Tiền, sông Hậu… Sau Tết Nguyên đán, cảnh sát đường thủy tập trung vào các đối tượng và địa bàn hoạt động có hoạt động ngang sông, dọc sông, theo tuyến cố định, các hoạt động du lịch, lễ hội, vui chơi, giải trí trên đường thủy nội địa.

Theo vtv.vn