Thứ 7, 16/11/2024, 14:00[GMT+7]

Nghiên cứu khoa học gắn với thực tiễn cuộc sống

Thứ 5, 25/11/2021 | 09:10:10
1,142 lượt xem
Trên tinh thần ấy, thầy giáo Nguyễn Xuân Huỳnh, Trường Trung cấp Nông nghiệp Thái Bình đã có nhiều nghiên cứu, chuyển giao nhiều kỹ thuật áp dụng vào thực tế trồng trọt, chăn nuôi.

Thiết bị trộn men được lắp trực tiếp trên máy thái cỏ giúp giảm nhân lực cho chủ gia trại.

Chúng tôi gặp thầy giáo Nguyễn Xuân Huỳnh tại gia trại của ông Nguyễn Giang Nam, thôn An Bình, xã Lô Giang (Đông Hưng) khi thầy đang tay áo, ống quần xắn cao ràng lại bò cho ông. Ông Nam chia sẻ: Ngoài các loại cây ăn quả, nuôi gà, cá, chim bồ câu thì nhà tôi còn nuôi 13 con bò thương phẩm. Gia trại của tôi được anh Huỳnh hướng dẫn kỹ thuật cả về trồng trọt, chăn nuôi. Tôi áp dụng các giải pháp sáng tạo trong chăn nuôi của anh tại gia trại của mình đã giúp tiết kiệm nhân lực, thời gian, hiệu quả kinh tế được cải thiện rõ rệt.

Các giải pháp mà ông Nam nhắc tới đó thiết bị phối trộn men nhằm bảo quản và nâng cao giá trị dinh dưỡng của thức ăn thô xanh đạt giải nhì, giải pháp nghiên cứu cải tiến hệ thống cho gà uống thuốc tự động đạt giải khuyến khích hội thi sáng tạo khoa học công nghệ và kỹ thuật tỉnh Thái Bình lần thứ IX, năm 2020 - 2021. Chia sẻ về giải pháp của mình, thầy giáo Nguyễn Xuân Huỳnh cho biết: Việc hình thành ý tưởng về các giải pháp xuất phát từ những giờ giảng dạy trên lớp, quá trình tự nghiên cứu của bản thân và việc gắn bó với các trang trại, gia trại. Giải pháp thiết bị phối trộn men nhằm bảo quản và nâng cao giá trị dinh dưỡng của thức ăn thô xanh ứng dụng công nghệ phun tơi dung dịch pha men hoặc chất bổ sung vào thức ăn thô xanh. Thiết bị có cấu tạo đơn giản, lắp đặt ngay trên máy băm cỏ thông thường, bao gồm: thiết bị định lượng lượng men phun; máy bơm cao áp, hệ thống đầu phun tơi, thùng pha men. Thiết bị sử dụng song song dòng điện xoay chiều 220V và dòng điện 1 chiều 12V với công suất 15W đã đáp ứng yêu cầu giảm giá thành và giảm tiêu thụ điện năng so với thiết bị bán trên thị trường.

Theo chia sẻ của ông Nam, đóng góp mới của giải pháp là tạo ra một bộ thiết bị phun tự động dịch men hoặc chất bổ sung vào thẳng thức ăn trong quá trình băm nhỏ sản phẩm. Nguyên liệu ủ chua sau khi băm nhỏ sẽ được phun 1 lượng men nhất định, sau đó lượng nguyên liệu này được đóng bao ủ hay hố ủ mà không cần tốn công tưới men như trước giúp công việc ủ chua thức ăn chăn nuôi dễ dàng, ổn định hơn. Người chăn nuôi không phải mất công đảo như trước, tiết kiệm được nhân lực cũng như thời gian. Thiết bị anh Huỳnh lắp cho gia trại của tôi được tận dụng từ vật liệu tái chế, chỉ mua mới một phần, dễ dàng sửa chữa, thay thế, rất dễ vận hành, giá thành rẻ, khoảng 2 triệu đồng/thiết bị.

Ngoài các giải pháp tham gia hội thi, thầy giáo Nguyễn Xuân Huỳnh còn có nhiều sáng chế được ứng dụng vào giảng dạy và thực tiễn cuộc sống. Không chỉ được biết đến là người đam mê nghiên cứu khoa học, thầy giáo Nguyễn Xuân Huỳnh còn là Bí thư Đoàn Thanh niên nhiệt tình, trách nhiệm. Một phần giải thưởng từ hội thi, lợi nhuận từ các giải pháp, sản phẩm ứng dụng vào cuộc sống được thầy trích để giúp đỡ học sinh, người dân có hoàn cảnh khó khăn. Thầy giáo Nguyễn Xuân Huỳnh cũng sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, chuyển giao kỹ thuật miễn phí cho người dân, đặc biệt là các bạn trẻ khởi nghiệp bằng nông nghiệp. “Với tôi, khoa học, kỹ thuật là không ngừng nghiên cứu, sáng tạo; niềm vui lớn nhất là sáng kiến của mình giúp người nông dân đạt được hiệu quả cao nhất trong sản xuất” - thầy giáo Nguyễn Xuân Huỳnh chia sẻ.

Anh Nguyễn Xuân Huỳnh giới thiệu thiết bị phối trộn men được lắp đặt trên máy thái cỏ có sẵn của 1 gia trại.

Xuân Phương