Chủ nhật, 10/11/2024, 15:58[GMT+7]

Việt Nam thuận lợi quan sát mưa sao băng lớn nhất năm

Thứ 2, 04/12/2023 | 16:11:53
1,462 lượt xem
Mưa sao băng Geminids đạt đỉnh vào đêm 13 rạng sáng 14/12 với khoảng hơn 100 vệt sáng mỗi giờ và có thể quan sát ở hầu khắp địa cầu.

Sao băng Geminid được chụp vào ngày 14/12/2022 tại Amado, Arizona, Mỹ. Ảnh: EarthSky

Geminids diễn ra hàng năm từ ngày 4/12 đến 17/12, là một trong những trận mưa sao băng lớn hiếm hoi không bắt nguồn từ sao chổi.

Được ví von là "vua của những trận sao băng", Geminids không chỉ được chú ý bởi lượng sao băng nhiều mà còn bởi các vệt sao băng rất sáng. Theo ông Đặng Vũ Tuấn Sơn, Chủ tịch Hội Thiên văn và Vũ trụ học Việt Nam (VACA), thời điểm lý tưởng nhất để quan sát Geminids là đêm 13 rạng sáng 14/12. Thực tế có thể quan sát lượng sao băng ít hơn vào đêm trước hoặc sau đó, thậm chí từ những đêm đầu tháng 12.

Việt Nam không bị cản trở bởi ánh trăng nên dễ dàng quan sát. Trong điều kiện tốt, có thể thấy khoảng 100 sao băng mỗi giờ vào lúc cực điểm, hoặc hơn.

Ông Sơn hướng dẫn, người quan sát cần xác định được khu vực trung tâm, đó là chòm sao Gemini (nhiều tài liệu còn dịch là Song Tử), hay chính xác hơn là khu vực lân cận sao Castor - ngôi sao sáng thứ hai của chòm sao này. Vào những đêm tháng 12, chòm sao Gemini mọc lên từ khoảng 20h ở hướng đông và lên rất cao vào giữa đêm trước khi dịch chuyển dần về chân trời phía tây. "Điều đó có nghĩa mưa sao băng có thể được quan sát trong cả đêm, tuy nhiên thời điểm lý tưởng vẫn là sau nửa đêm", ông Sơn nói.

Cách tìm vị trí và hình dạng của chòm sao Gemini. Ảnh: Hội Thiên văn và Vũ trụ học Việt Nam

Cách tìm vị trí và hình dạng của chòm sao Gemini. Ảnh: Hội Thiên văn và Vũ trụ học Việt Nam

Người xem có thể tìm thấy vị trí của chòm sao Gemini qua hai sao sáng nhất của nó là Pollux và Castor. Pollux - ngôi sao sáng nhất của chòm sao này dễ được nhận ra không chỉ vì độ sáng của nó mà còn bởi nó là một trong số 6 ngôi sao tạo thành Lục giác mùa đông (gồm các sao: Pollux, Capella, Aldebaran, Rigel, Sirius và Procyon - đường nối mờ trong hình).

Khi quan sát sao băng, người xem không cần bất cứ dụng cụ hỗ trợ nào. Tuy nhiên, ông Sơn gợi ý nên chọn vị trí quan sát có góc nhìn rộng, ít ánh sáng nhân tạo (tuyệt đối không quan sát ở nơi có ánh đèn chiếu trực tiếp vào mắt). Ban đầu, cần khoảng 10 phút để mắt quen với bóng tối. Có thể ban đầu không thấy ngôi sao, nhưng vài phút sau chúng sẽ dần xuất hiện. Tư thế quan sát tốt nhất là ngả lưng để ánh mắt luôn hướng lên phía trên.

Một tuần sau cực điểm của Geminids, một trận khác đạt cực điểm là mưa sao băng Ursids. Tuy nhiên, đây là trận mưa sao băng nhỏ và thường khó quan sát.

Các vệt sáng của Geminids xuất phát từ những mảnh vụn của tiểu hành tinh 3200 Phaethon. Đây là một tiểu hành tinh nhỏ có đường kính khoảng 5 km và chuyển động quanh Mặt Trời trên quỹ đạo có chu kỳ 1,4 năm. Những mảnh vụn của tiểu hành tinh này để lại trên đường đi của nó khi tới gần Mặt Trời là rất nhiều thiên thạch nhỏ. Hàng năm, khi Trái Đất đi qua khu vực quỹ đạo bị cắt ngang bởi dòng thiên thạch này, các thiên thạch đi vào khi quyển Trái Đất với vận tốc hơn 100.000 km/h và cháy sáng trên tầng cao khí quyển, tạo thành những vệt sao băng có thể quan sát được từ mặt đất.

Theo vnexpress.net