Quán triệt Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng: Thái Bình tạo đà bứt phá mở ra hướng phát triển bền vững
Từ một tỉnh thuần nông, trong những năm gần đây Thái Bình đã có những bước đi đột phá, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp, xây dựng và dịch vụ, giảm tỷ trọng nông nghiệp. Với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 và tầm nhìn năm 2045 theo Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thái Bình lần thứ XX và quán triệt Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Thái Bình đã có những quyết đáp tích cực nhằm tạo đà đột phá mở ra hướng phát triển toàn diện và bền vững. Phóng viên đã có cuộc phỏng vấn đồng chí Ngô Đông Hải, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình.
Phóng viên: Thưa đồng chí! Được biết, năm 2021, năm đầu triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Thái Bình đã có một loạt giải pháp căn cơ, có tính đột phá mở ra hướng phát triển bền vững. Xin đồng chí cho biết những giải pháp trọng tâm đó?
Đồng chí Ngô Đông Hải: Phải nói rằng, những năm gần đây, cùng với sự phát triển của cả nước, Thái Bình đã có nhiều bước tiến mới trong phát triển kinh tế - xã hội. Nhờ triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, tranh thủ thời cơ thuận lợi, kinh tế của tỉnh đạt tốc độ tăng trưởng khá trong nhiều năm liền; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản phát triển khá toàn diện, có sự chuyển dịch tích cực trong cơ cấu các ngành và nội bộ ngành. Xây dựng nông thôn mới được thực hiện đồng bộ và đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới trên phạm vi toàn tỉnh. Công nghiệp có tốc độ tăng trưởng khá cao trong nhiều năm liền. Thương mại - dịch vụ bước đầu phát triển theo hướng văn minh, hiện đại.
Tuy vậy, nền kinh tế của tỉnh vẫn trong tình trạng chất lượng tăng trưởng chưa cao; quy mô nền kinh tế còn nhỏ, hiệu quả, sức cạnh tranh còn thấp. Việc thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế và các ngành sản xuất còn chậm, chưa đạt yêu cầu đề ra. Thái Bình cơ bản vẫn là một tỉnh nông nghiệp; công nghiệp phát triển chưa đáng kể và có khoảng cách phát triển khá xa so với các tỉnh lân cận. Nếu vẫn tiếp tục duy trì tiến trình phát triển như hiện nay, kinh tế của tỉnh có thể tiếp tục có bước phát triển mới nhưng khó có thể tạo ra bước ngoặt đột phá, đưa Thái Bình theo kịp sự phát triển của các tỉnh, thành phố lân cận và của cả khu vực đồng bằng sông Hồng. Điều này đòi hỏi tỉnh cần xác định hướng đi mới trên cơ sở các mục tiêu, đáp ứng kỳ vọng của nhân dân và yêu cầu phát triển.
Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đánh giá đầy đủ các thành quả phát triển trong giai đoạn vừa qua, chỉ ra các hạn chế, tồn tại và nguyên nhân của nó. Trên cơ sở các phân tích đó, Đại hội đã đề ra mục tiêu tổng quát trong giai đoạn tới là: “Phấn đấu xây dựng Thái Bình đến năm 2025 trở thành tỉnh phát triển khá, đến năm 2030 theo kịp nhóm dẫn đầu và đến năm 2045 là tỉnh phát triển trong khu vực đồng bằng sông Hồng”. Nghị quyết Đại hội cũng đã đề ra nhiều nhiệm vụ trọng tâm, nhiều giải pháp cơ bản và đột phá nhằm đẩy nhanh tiến trình phát triển mọi mặt của tỉnh trong những năm tới đây. Mục tiêu mới đã thể hiện mạnh mẽ khát vọng to lớn của Đảng bộ, nhân dân trong tỉnh về một tương lai phát triển mạnh mẽ, toàn diện của quê hương.
Để đạt được những mục tiêu này, trong những năm tới đây Thái Bình sẽ triển khai mạnh mẽ nhiều giải pháp đồng bộ hướng tới mục tiêu tổng quát với các bước đi chắc chắn, kiên trì cho từng mục tiêu cụ thể. Trong đó, sẽ tiếp tục đổi mới mạnh mẽ cơ cấu nền kinh tế và các ngành sản xuất gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng phát triển các ngành, sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, nâng cao chất lượng tăng trưởng và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Phát triển nông nghiệp bền vững theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nâng cao chất lượng, hiệu quả gắn với yêu cầu của thị trường. Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới theo hướng văn minh, hiện đại. Việc cơ cấu lại các ngành công nghiệp theo hướng phát triển các ngành có hàm lượng kỹ thuật, khoa học - công nghệ cao, giá trị gia tăng lớn, ít gây ô nhiễm môi trường. Tiếp tục đẩy nhanh chương trình phát triển đô thị, phát triển thương mại theo hướng văn minh, hiện đại; tập trung phát triển du lịch gắn với các giá trị văn hóa truyền thống và phát triển du lịch sinh thái bền vững. Tập trung xây dựng Khu kinh tế Thái Bình thành trọng điểm, động lực phát triển kinh tế của tỉnh; tăng cường đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, hợp tác phát triển kinh tế vùng với các tỉnh, thành phố lân cận và cả nước. Đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; tăng cường huy động các nguồn lực cho phát triển kinh tế; nâng cao hiệu quả thu hút và sử dụng vốn đầu tư.
Thành phố Thái Bình ngày càng đổi mới, phát triển theo hướng văn minh, hiện đại.
Trên từng ngành kinh tế, Thái Bình xác định rõ các ưu tiên phát triển cụ thể, lựa chọn bước đi và giải pháp riêng có phù hợp với đặc thù của mình.
Về nông nghiệp, tỉnh khẳng định tiềm năng và cơ hội cho phát triển nông nghiệp còn rất lớn, nông nghiệp phát triển toàn diện sẽ đem lại cơ hội cải thiện rõ rệt chất lượng đời sống của một bộ phận đông đảo nhân dân. Trong thời gian tới, Thái Bình sẽ tập trung phát triển nông nghiệp theo các hướng khai thác lợi thế của từng địa phương, khai thác tiềm năng sinh học, nguồn lợi tự nhiên để tạo ra sản phẩm, gia tăng sản lượng và tốc độ tăng trưởng, tạo ra các sản phẩm có chất lượng tốt, giá thành rẻ, đáp ứng nhu cầu thị trường theo hướng dinh dưỡng, dược liệu, nhân văn. Trên cơ sở đó, các địa phương trong tỉnh sẽ xây dựng các vùng chuyên môn hóa theo cây, con mũi nhọn và đẩy mạnh các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp với từng loại hình, trong đó kết hợp triển khai chương trình mỗi xã 1 sản phẩm. Đồng thời, tỉnh sẽ chú trọng phát triển các ngành nông, lâm, thủy sản theo hướng kết hợp chuỗi giá trị nông sản với du lịch và các ngành phi nông nghiệp khác, trước hết là công nghiệp chế biến; đẩy mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo phạm vi rộng và theo từng khâu, lĩnh vực sản xuất nông nghiệp trên cơ sở tích tụ và tập trung đất đai, hình thành quỹ đất sạch để thu hút, kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư. Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục quan tâm phát triển kinh tế nông thôn theo hướng văn minh, hiện đại, khôi phục ngành nghề thủ công truyền thống, hình thành các ngành nghề mới, triển khai chương trình xây dựng nông thôn kiểu mẫu.
Về phát triển công nghiệp và sản xuất kinh doanh, với lợi thế của địa phương đi sau trong phát triển công nghiệp, Thái Bình sẽ nghiên cứu, vận dụng kinh nghiệm phát triển của các địa phương khác trong khu vực. Định hướng phát triển công nghiệp của tỉnh là phát triển hướng đến chiều sâu, chất lượng và sử dụng công nghệ hiện đại, ít ô nhiễm môi trường; chú trọng khai thác các lợi thế của tỉnh, trong đó chú trọng lợi thế về nguồn nhân lực chất lượng cao. Tạo lập một nền tảng vững chắc dựa trên sự liên kết chuỗi giữa các ngành trong tỉnh và mô hình doanh nghiệp lớn đầu tàu có tính lan tỏa. Tỉnh sẽ chú trọng tạo lập môi trường thể chế công khai, minh bạch và thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh, kêu gọi một số nhà đầu tư có tiềm lực trong và ngoài nước nhằm hình thành mô hình doanh nghiệp lớn đầu tàu, có tính lan tỏa, làm bệ phóng cho sự phát triển bền vững, đồng thời định hướng và tạo điều kiện phát triển doanh nghiệp tư nhân, xây dựng một số mạng lưới doanh nghiệp liên kết đa ngành theo chuỗi cung ứng đầu vào - chế biến - tiêu thụ sản phẩm.
Về phát triển thương mại dịch vụ, tập trung phát triển trên cơ sở hướng đến đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của sản xuất, đời sống nhân dân trong tỉnh, bảo đảm sự lưu thông hàng hóa thuận lợi nội tỉnh và với bên ngoài. Xây dựng cơ sở hạ tầng thương mại đồng bộ, hiện đại, có khả năng kết nối cao với vùng và cả nước.
Về xây dựng Khu kinh tế Thái Bình trở thành động lực cho phát triển kinh tế, tỉnh xác định đây là khu kinh tế có tính đặc thù, là trung tâm công nghiệp chế biến hàng hóa và dịch vụ logistics của khu vực phía Bắc, phải có sức thu hút lớn đối với các tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp lớn ở trong và ngoài nước. Vì vậy, cần tập trung nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng Khu kinh tế và hạ tầng kết nối các khu công nghiệp, bảo đảm hạ tầng đi trước để tạo sức hấp dẫn cho việc kêu gọi đầu tư. Đẩy mạnh quảng bá, thu hút đầu tư trên cơ sở các tiêu chí ưu tiên, chọn lọc các dự án đầu tư sử dụng công nghệ hiện đại, sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, ít gây ô nhiễm môi trường và phục vụ xuất khẩu. Xây dựng chính sách thu hút lao động có trình độ cao, thu hút nhân tài vào các lĩnh vực ưu tiên phát triển, nhất là lực lượng lao động quản lý có trình độ cao.
Đặc biệt, tỉnh sẽ tiếp tục tập trung đầu tư phát triển mạnh mẽ cơ sở hạ tầng kỹ thuật xã hội, trong đó trước hết là hệ thống giao thông kết nối nhằm mở ra cơ hội, tạo thế và lực mới, phục vụ kịp thời nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, như hoàn thành tuyến đường bộ ven biển đoạn qua địa phận tỉnh Thái Bình; xây dựng mới các tuyến cao tốc từ thành phố Thái Bình đi Hải Phòng, đi Cồn Vành; xây dựng hệ thống đường trục trong Khu kinh tế Thái Bình và tuyến đường kết nối đến quốc lộ 10; xây dựng mới một số cầu kết nối sang các tỉnh bạn...
Cùng với các giải pháp phát triển văn hóa xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh, các giải pháp trọng tâm nêu trên sẽ là chìa khóa, là phương tiện để Thái Bình vươn lên mạnh mẽ trong những năm tới đây, theo kịp sự phát triển của các tỉnh bạn và của cả nước.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!
Nguyễn Trọng Thắng
(thực hiện )
Tin cùng chuyên mục
- Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8: Quốc hội thảo luận về các dự án luật 23.10.2024 | 16:17 PM
- Khẩn trương đưa các nghị quyết của HĐND tỉnh vào cuộc sống 29.08.2024 | 20:06 PM
- Cử hành trọng thể Lễ truy điệu và an táng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng 26.07.2024 | 18:24 PM
- Kỳ họp thứ 7: Quốc hội biểu quyết thông qua các dự án luật, nghị quyết 28.06.2024 | 16:09 PM
- Đồng chí Trần Thanh Mẫn được bầu làm Chủ tịch Quốc hội 20.05.2024 | 16:33 PM
- Ngày làm việc thứ nhất Hội nghị Trung ương 9 khóa XIII 16.05.2024 | 19:58 PM
- Kỳ họp bất thường lần thứ 7, Quốc hội khóa XV sẽ diễn ra vào chiều 2/5 01.05.2024 | 13:48 PM
- Xã luậnViết tiếp trang sử vàng của Đảng 03.02.2024 | 07:38 AM
- Triển khai quyết định bổ nhiệm Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh 22.01.2024 | 12:00 PM
- Đồng chí Trương Tấn Sang, nguyên Chủ tịch nước dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh và viếng các anh hùng liệt sĩ 01.12.2023 | 18:32 PM
Xem tin theo ngày
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám: Quốc hội thảo luận về dự thảo nghị quyết và các dự án luật
- Tiếp tục quan tâm, hướng dẫn thành lập chi hội, tổ hội nông dân nghề nghiệp
- Quốc hội thảo luận về các dự án luật và chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy
- Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy
- Thống nhất nội dung, chương trình kỳ họp để giải quyết công việc phát sinh đột xuất và kỳ họp thứ chín, HĐND tỉnh khóa XVII nhiệm kỳ 2021 - 2026
- Họp Tiểu ban Tổng kết công tác kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh phục vụ Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2025 - 2030
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám: Quốc hội thảo luận về các dự án luật
- Giá trị, tầm vóc và ý nghĩa thời đại của Cách mạng Tháng Mười Nga bất diệt
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh dự ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc khu dân cư thôn An Cư
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám: Quốc hội thảo luận về các dự án luật