Chủ nhật, 10/11/2024, 05:58[GMT+7]

Cảng cá Thụy Tân: Nâng cao hiệu quả khai thác hải sản

Thứ 6, 16/04/2021 | 08:57:11
7,934 lượt xem
Cảng cá Thụy Tân (xã An Tân, huyện Thái Thụy) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cảng cá loại I trong hệ thống cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 tại Quyết định số 1976/QĐ-TTg, ngày 12/11/2015. Việc đầu tư xây dựng cảng cá Thụy Tân sẽ tạo động lực nâng cao hiệu quả phát triển khai thác hải sản, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế biển.

Ngư dân huyện Thái Thụy khai thác hải sản. Ảnh: Trần Tuấn

Hiện nay, Thái Bình có 4 cảng cá, bến cá và 3 khu neo đậu tránh trú bão. Riêng huyện Thái Thụy có 1 cảng cá là Tân Sơn, 2 bến cá là Diêm Điền và Thái Đô. Tuy nhiên, bến cá Diêm Điền chưa được đầu tư xây dựng, chưa có bến cập tàu, chiều dài của bến cá hiện đang sử dụng khoảng 150m trên phần bãi bồi của sông Diêm Hộ do đó rất khó khăn trong việc neo đậu cũng như hoạt động thu mua của ngư dân. Bến cá Thái Đô có quy mô nhỏ, đáp ứng nhu cầu của gần 40 tàu có công suất nhỏ của ngư dân thôn Đông Tiến, xã Thái Đô. Cảng cá Tân Sơn đã được xây dựng từ lâu, là nơi neo đậu và lên cá của ngư dân các xã: Thụy Hải, Thụy Xuân, Thụy Trường và thị trấn Diêm Điền. Cảng cá Tân Sơn và 2 bến cá mới chỉ đáp ứng được gần 50% lượng tàu cá trong tổng số hơn 450 tàu cá của huyện Thái Thụy. Ngư dân phải lên cá tại các điểm nằm trên vùng ven sông, ven cồn, luồng lạch không được nạo vét thường xuyên nên việc bốc dỡ sản phẩm gặp nhiều khó khăn.

Cửa sông Thái Bình (thuộc địa phận xã An Tân, huyện Thái Thụy) là một trong bốn cửa sông lớn của tỉnh và là cửa ra của sông Hóa. Ngoài nhiệm vụ tiêu thoát nước lũ cho lưu vực sông Hóa, nơi đây còn giữ một vị trí quan trọng trong giao thông đường thủy của tỉnh nói chung và của huyện Thái Thụy nói riêng, là nơi hoạt động của tàu cá ra vào đánh bắt hải sản và tránh trú bão. 

Vào mùa vụ, tại ngư trường trọng điểm phía Đông tỉnh gần kề với cửa sông Thái Bình thường xuyên có khoảng 1.200 - 1.500 tàu thuyền và phương tiện nghề cá trong và ngoài tỉnh tham gia đánh bắt hải sản. Tuy nhiên, việc bốc dỡ sản phẩm và cung cấp các dịch vụ gặp nhiều khó khăn do chưa được đầu tư bến cảng, chưa có cầu cảng, hệ thống chiếu sáng, điểm cung cấp nước đá, xăng dầu... 

Nhằm đáp ứng dịch vụ hậu cần nghề cá, tạo điều kiện cho cộng đồng dân cư đẩy mạnh hoạt động khai thác thủy sản, dự án xây dựng cảng cá Thụy Tân (xã An Tân, huyện Thái Thụy) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cảng cá loại I, đáp ứng 120 lượt tàu/ngày ra vào cảng, loại tàu lớn nhất có khả năng cập cảng là 400CV, lượng thủy sản qua cảng đạt 15.000 tấn/năm. Cảng cá Thụy Tân dự kiến triển khai, xây dựng từ 2021 - 2025, tổng mức đầu tư dự kiến 250 tỷ đồng, gồm các hạng mục: nạo vét luồng ra vào cảng, vùng nước neo đậu tàu; xây dựng cầu cảng, đê bao, kè bảo vệ bờ, kè chắn sóng; hệ thống neo buộc tàu, phao tiêu, đèn tín hiệu, hệ thống thông tin liên lạc; nhà điều hành, nhà phân loại sản phẩm; hệ thống xử lý nước thải, điện chiếu sáng, phòng cháy, chữa cháy; thiết bị bốc xếp... Dự án phù hợp với quy hoạch Khu kinh tế Thái Bình; quy hoạch tổng thể phát triển thủy sản tỉnh Thái Bình giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030; đề án phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá phục vụ khai thác và nuôi trồng thủy sản giai đoạn 2015 - 2020 của tỉnh.

Ông Hoàng Minh Giang, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản cho biết: Việc đầu tư xây dựng cảng cá Thụy Tân sẽ tạo động lực nâng cao hiệu quả phát triển khai thác hải sản, đặc biệt là khai thác hải sản xa bờ; giảm tổn thất sau thu hoạch khai thác hải sản; hiện đại hóa công tác quản lý nghề cá trên biển, thực hiện các giải pháp chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU), góp phần cho công tác khắc phục cảnh báo “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu (EC); bảo đảm an ninh quốc phòng khu vực ven biển.

Ngư dân Hoàng Văn Hải, chủ tàu cá TB90075, xã Thụy Hải (Thái Thụy) cho biết: Khi các yếu tố đầu vào và đầu ra ổn định, ngư dân sẽ tổ chức lại sản xuất theo hướng bài bản, chuyên nghiệp hơn, qua đó nâng cao hiệu quả sản xuất của từng chuyến biển. Điều này tạo động lực lớn cho chúng tôi trong quá trình khai thác hải sản.

Khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ Tân Trường 1 có quy mô 316ha nằm trong Khu kinh tế Thái Bình, thu hút các dự án chế biến nông, thủy sản, trong đó nhà máy chế biến bột cá Thụy Tân với công suất thiết kế 180.000 tấn/năm đã đi vào hoạt động. Dự kiến trong những năm tới cảng cá Thụy Tân được đầu tư xây dựng sẽ thu hút lượng lớn tàu cá có công suất trên 90CV vào trao đổi hàng hóa, trong đó có các tàu dịch vụ của các tỉnh lân cận vào cung cấp nguyên liệu cho nhà máy chế biến bột cá Thụy Tân và các nhà máy khác trong khu công nghiệp.

Ngân Huyền