Chủ nhật, 24/11/2024, 18:01[GMT+7]

Nghi Lộc (Nghệ An) hoàn thành các tiêu chí huyện nông thôn mới

Thứ 4, 21/04/2021 | 18:15:30
1,147 lượt xem
Mặc dù thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM) trong điều kiện một huyện nông nghiệp có xuất phát điểm thấp song với sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị cùng sự chung tay, đến nay, Nghi Lộc đã vươn lên trở thành huyện tốp đầu của tỉnh Nghệ An hoàn thành các tiêu chí về xây dựng NTM.

Quang cảnh xã nông thôn mới Nghi Thái, huyện Nghi Lộc (Ảnh: Quang An)

Hoàn thành các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới

Huyện Nghi Lộc (tỉnh Nghệ An) triển khai thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia về xây dựng NTM trong điều kiện một huyện nông nghiệp có xuất phát điểm thấp. Nguồn lực đầu tư cho phát triển cũng như kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội, chất lượng nguồn nhân lực còn hạn chế và chưa đáp ứng yêu cầu. Phát triển công, nông nghiệp chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế; hệ thống chính trị cơ sở còn hạn chế; đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn... Song sau 10 năm thực hiện xây dựng NTM, với nỗ lực và quyết tâm chính trị cao, cùng sự đồng thuận, chung sức, chung lòng của nhân dân, đến nay, huyện Nghi Lộc có 28/28 xã đạt chuẩn NTM và huyện đã hoàn thành 9/9 tiêu chí NTM. Kết quả này là thành tích tiêu biểu của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện chào mừng ngày bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

Trao đổi với chúng tôi, Chủ tịch UBND huyện Nghi Lộc Nguyễn Tiến Dũng cho biết: Xác định xây dựng NTM là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, mang tính lâu dài, có tác động tích cực đến sự phát triển KT-XH, chính trị và quốc phòng, an ninh nên trong những năm qua, huyện Nghi Lộc đã tập trung mọi nguồn lực, quyết tâm thực hiện thành công nhiệm vụ xây dựng huyện đạt chuẩn NTM vào năm 2021. Để tạo bước đột phá, huyện chú trọng khâu lập quy hoạch NTM, quy hoạch đô thị, quy hoạch chi tiết các điểm dân cư, quy hoạch phát triển sản xuất.

Theo đó, trên cơ sở quy hoạch vùng, huyện phối hợp với các ngành của tỉnh Nghệ An triển khai quản lý các quy hoạch theo lĩnh vực ngành; các quy hoạch đều phù hợp với quy hoạch chung của tỉnh, đáp ứng yêu cầu phát triển xã hội của huyện, gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường. Đảng bộ, chính quyền các cấp trong huyện xác định rõ những tiêu chí phải xã hội hóa và các tiêu chí được Nhà nước đầu tư, vận động nhân dân triển khai thực hiện đúng theo lộ trình đã đăng ký.

Bằng những cách làm sáng tạo, sự đổi mới trong tư duy chỉ đạo, sự đồng thuận xã hội và sự tham gia tích cực của nhân dân, cộng với sự quan tâm sâu sát của Tỉnh ủy, UBND tỉnh nên 10 năm qua, huyện Nghi Lộc đã đạt được kết quả hết sức tích cực theo chỉ tiêu Nghị quyết Đảng bộ huyện đề ra. Nổi bật là đã huy động và lồng ghép các nguồn lực trên 6.000 tỷ đồng để đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi, điện, nước, giáo dục, y tế.

Tuyên truyền, vận động người dân thay đổi tập quán sản xuất nông nghiệp theo hướng tiếp cận, đẩy mạnh áp dụng khoa học - công nghệ, nhờ đó, nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp mới được triển khai hiệu quả như: 1 phải 5 giảm, cánh đồng lớn, tưới tiết kiệm, nông nghiệp hữu cơ... qua đó, tăng giá trị sản xuất nông nghiệp từ 1.366 tỷ đồng năm 2011 lên 1.706 tỷ đồng năm 2020.

Thu ngân sách tăng cao qua từng năm; chuyển dịch cơ cấu kinh tế huyện theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp - dịch vụ, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập của người dân. Chất lượng giáo dục, y tế phát triển khá toàn diện, nhiều cơ sở trường lớp, trạm y tế được đầu tư đồng bộ và đạt chuẩn quốc gia. Các hoạt động văn hóa, thể thao, tuyên truyền, nhất là lễ hội được củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động đáp ứng đời sống tinh thần người dân và phục vụ phát triển KT-XH.

Thu nhập bình quân đầu người năm 2020 đạt 47 triệu đồng, tăng gần 4 lần so với năm 2010; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 0,8%, giảm hơn 12% so với năm 2010. Tổng huy động đóng góp trong nhân dân gần 1.500 tỷ đồng để đầu tư hạ tầng NTM, nổi bật là phong trào hiến đất làm đường, chợ, dồn điền, đổi thửa, xây dựng và sửa chữa nhà văn hóa xóm, điện thắp sáng đường quê...

Phấn đấu xây dựng Nghi Lộc đạt chuẩn huyện nông thôn mới kiểu mẫu

Có thể khẳng định, những kết quả huyện Nghi Lộc đạt được chính là quá trình phấn đấu và nỗ lực không ngừng của toàn Đảng bộ, chính quyền và các tầng lớp nhân dân địa phương trong suốt 10 năm qua. Đây cũng là nền tảng để huyện Nghi Lộc tiếp tục triển khai hiện thực hóa các nhiệm vụ, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững hơn.

Theo Chủ tịch UNBD huyện Nghi Lộc Nguyễn Tiến Dũng, trong thời gian tới, xây dựng NTM được xác định là một chủ trương lớn có điểm khởi đầu, không có điểm kết thúc, là đòi hỏi khách quan và cần thiết, phù hợp với định hướng đề ra của Đại hội Đảng bộ huyện Nghi Lộc nhiệm kỳ 2020 - 2025. Theo đó, mục tiêu của huyện trong năm 2021, phấn đấu có 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, 2 - 3 xã đạt bộ tiêu chí nông thôn mới nâng cao. Đến năm 2025 có 70% số xã đạt bộ tiêu chí nâng cao, 2 - 4 xã đạt bộ tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu; đến năm 2030 có 100% xã đạt chuẩn bộ tiêu chí nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu; đến năm 2030 huyện Nghi Lộc đạt chuẩn huyện nông thôn mới kiểu mẫu.

Để thực hiện đạt các mục tiêu nêu trên, Đảng bộ huyện Nghi Lộc sẽ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch xây dựng NTM và các loại quy hoạch khác để phù hợp với điều kiện thực tế. Tiếp tục huy động các nguồn vốn đầu tư kết cấu hạ tầng, kêu gọi xã hội hóa trên một số lĩnh vực phục vụ lợi ích địa phương như chợ, trường học tư nhân... Đẩy mạnh thực hiện Đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp, ứng dụng khoa học - công nghệ, nhất là nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ gắn với liên kết doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm.

Bên cạnh đó, huyện Nghi Lộc tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục, y tế, văn hóa, môi trường, đẩy mạnh thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững; Củng cố bộ máy chính quyền các cấp, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy quản lý Nhà nước; Đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, nhân rộng các điển hình, mô hình tiên tiến trên tất cả các lĩnh vực của đời sống, tạo khí thế thi đua sôi nổi trong toàn dân, góp phần xây dựng địa phương ngày càng phát triển, phấn đấu đến năm 2025, thu nhập bình quân đầu người toàn huyện đạt từ 83 - 88 triệu đồng/người/năm./.

Theo dangcongsan.vn