Chủ nhật, 24/11/2024, 19:06[GMT+7]

Dấu ấn quân hàm xanh nơi biên giới

Thứ 3, 27/04/2021 | 09:46:38
1,005 lượt xem
Ai đã từng đến xã Tri Lễ (huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An) những năm trước hẳn sẽ bất ngờ trước Tri Lễ hiện tại. Cây anh túc một thời bạt ngàn được thay thế bởi màu xanh của các loại cây ăn trái; cơ sở hạ tầng được chỉnh trang; đời sống người dân được nâng cao. Bức tranh mang màu sắc tươi sáng nơi đây có sự đóng góp thầm lặng của những người lính biên phòng.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Tri Lễ tham gia dựng nhà mới cho gia đình bà Hà Thị Hoa (bản Cắm), là hộ nghèo, đơn thân.

Giúp dân thoát nghèo

Đứng giữa vườn nhà với hàng trăm gốc quýt QP, vải thiều, ông Lô Xuân Học (bản Na Niếng) không giấu được niềm vui: “Nhờ các chú bộ đội biên phòng, gia đình tôi có cơ hội vươn lên thoát nghèo. Các chú thương dân, cầm tay chỉ việc từng chút. Trồng quýt phải đào gốc nông sâu ra sao, định kỳ bón phân lúc nào là phù hợp…, các chú đều hướng dẫn tận tình. Thu nhập hàng năm hiện nay của gia đình tôi từ mảnh vườn này từ 30 đến 60 triệu đồng, số tiền mà trước đây chúng tôi chưa bao giờ dám nghĩ tới”. 

Chung niềm vui như ông Học, vườn chanh leo của ông Vi Văn Sơn (bản Lam Hợp), vườn đào Mông của ông Xồng Xúa Lỳ (bản Huổi Mới) hàng năm cho thu nhập 60 - 90 triệu đồng. Những ngôi nhà kiên cố, khang trang lần lượt xuất hiện, nối dài trên khắp các bản làng Tri Lễ. Niềm vui của bà con nhân lên khi được bộ đội biên phòng hỗ trợ con giống, vật nuôi. Nhờ có heo giống, hộ ông Hà Việt Thông (bản Liên Hợp), hộ ông Hà Văn Phòng (bản Cắm )... đã có kế sinh nhai ổn định. Đi đến đâu, bà con cũng hồ hởi: “Có bộ đội cụ Hồ, mình không còn sợ đói”.

Tri Lễ là xã biên giới, có 16 thôn, gồm 4 dân tộc sinh sống: Thái, H’mông, Khơ Mú và Kinh. Cuộc sống của người dân gặp rất nhiều khó khăn do bị hạn chế bởi các yếu tố tự nhiên, tập quán canh tác lạc hậu, thiếu các thiết chế văn hóa. Một số bản vùng sâu, đặc biệt là khu vực giáp biên giới, chưa có đường ô tô, điện và nước sạch sinh hoạt. Nhiều hộ không có đất sản xuất, nhà ở tạm bợ, dột nát. Nhiều thôn bản chưa có phòng học kiên cố, cơ sở khám chữa bệnh…

Những năm qua, cùng với việc thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ biên giới, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Tri Lễ tích cực tham gia giúp dân phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo. Việc thay đổi suy nghĩ, nhận thức của đồng bào dân tộc không dễ trong một sớm một chiều. Bộ đội phải xắn tay làm trước rồi mới thuyết phục được bà con. Đồng bào các bản Pà Khổm, Huồi Mới, Liên Hợp… nay đã quen thuộc với hình ảnh những chiến sĩ quân hàm xanh cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng dân tộc hướng dẫn bà con chăm sóc vật nuôi, cây trồng và sửa sang nhà cửa.

Tình quân dân gắn bó

Linh hoạt, sáng tạo trong công việc, bộ đội biên phòng đồn Tri Lễ đã phối hợp với địa phương vận động các tổ chức, cá nhân hỗ trợ 66 con bò, 135 con heo giống, 756 con gia cầm cho các hộ nghèo chăn nuôi phát triển kinh tế hộ gia đình. Định kỳ hàng tháng, chiến sĩ đồn cùng cán bộ thú y đến tận nhà hướng dẫn bà con kỹ thuật chăn nuôi, cách phòng ngừa dịch bệnh. Hiện nay, số gia súc, gia cầm được hỗ trợ đang sinh trưởng và phát triển tốt. Kinh tế khởi sắc đã góp phần rất lớn thay đổi nhận thức của bà con nơi đây. Nếu trước đây, đại đa số người dân có tư tưởng trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước, thì nay các hộ nghèo đã tự sản xuất, nỗ lực vươn lên thoát nghèo. Đời sống kinh tế được cải thiện đáng kể cũng góp phần hạn chế tệ nạn xã hội.

Những ngày đầu năm 2021, chiếc cầu tạm qua khe Nậm Tột đã hoàn thành, giúp bà con yên tâm đi lại, nhất là vào mùa mưa lũ. Dân bản cảm kích khi những người lính biên phòng lấm lem bùn đất, không quản mưa lạnh, suốt ngày đêm chung sức sửa cầu, làm đường cho dân. Thành quả lao động của 1.675 lượt chiến sĩ cùng nhân dân Tri Lễ là 7,5km đường bê tông được làm mới, 27km đường liên bản được tu sửa, 32km kênh mương thủy lợi được nạo vét, khơi thông…. Ngoài ra, Đồn Biên phòng Tri Lễ đã nhận đỡ đầu 7 học sinh nghèo hiếu học; hàng năm vận động quà tặng hộ nghèo, gia đình chính sách dịp lễ tết với tổng giá trị trên 800 triệu đồng. Đó là những con số biết nói, minh chứng cho tình quân dân gắn bó nơi vùng núi miền Tây của tỉnh Nghệ An.

Thượng tá Hồ Quốc Hải, Chính trị viên Đồn Biên phòng Tri Lễ, vẫn canh cánh ưu tư: “Dù Tri Lễ đã có sự chuyển mình mạnh mẽ, nhưng nhìn chung đời sống kinh tế, xã hội của đồng bào dân tộc vẫn còn nhiều khó khăn. Cán bộ, chiến sĩ đơn vị rất mong, bên cạnh nguồn lực của Nhà nước, các tổ chức, cá nhân tiếp tục quan tâm, hỗ trợ bà con từng bước phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo”. Trăn trở của anh cũng chính là tiếng lòng của những con người vì dân phụng sự.

Theo sggp.org.vn