Chủ nhật, 24/11/2024, 20:50[GMT+7]

Bước phát triển mới của Cần Giờ

Thứ 6, 30/04/2021 | 12:18:05
1,015 lượt xem
Sự kiện huyện Cần Giờ đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020 và công nhận xã Thạnh An của huyện là xã đảo thuộc TP Hồ Chí Minh đánh dấu bước phát triển mới của địa phương. Với việc đề ra các chính sách thu hút đầu tư hợp lý, khai thác hiệu quả các tiềm năng sẵn có, hy vọng Cần Giờ sẽ "cất cánh" bay cao trong thời gian tới.

Cần Giờ có nhiều đặc sản giúp người dân nâng cao thu nhập. Trong ảnh: Người dân tìm hiểu sản phẩm yến sào Cần Giờ.

Cần Giờ có diện tích tự nhiên hơn 70.421 ha, trong đó rừng ngập mặn hơn 33 nghìn ha, chiếm hơn 45% diện tích. Huyện có vị trí đặc biệt quan trọng đối với TP Hồ Chí Minh về kinh tế, quốc phòng và là cửa ngõ ra Biển Ðông của thành phố.

Theo Bí thư Huyện ủy Cần Giờ Lê Minh Dũng, sau 10 năm thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), huyện đã đạt được các tiêu chí chung theo quy định. Ðược công nhận huyện NTM, bên cạnh sự nỗ lực từ hệ thống chính trị của huyện còn có sự quan tâm, lãnh đạo của thành phố; sự tham gia hỗ trợ của các cấp, các ngành và doanh nghiệp (DN) để tạo thành các nguồn lực nhằm thực hiện có hiệu quả các tiêu chí xây dựng NTM. Diện mạo Cần Giờ hôm nay đã tươi tắn hơn xưa, đời sống của người dân đã được nâng lên một bước mới với thu nhập bình quân gần 100 triệu đồng/năm/người.

Trong quá trình xây dựng NTM ở huyện Cần Giờ, tổng số vốn huy động đạt hơn 5.800 tỷ đồng, trong đó huy động từ DN hơn 574 tỷ đồng và từ nhân dân hơn 81 tỷ đồng. Nguồn kinh phí này đã triển khai đầu tư xây dựng 464 công trình hạ tầng kinh tế - xã hội, trong đó, có 267 công trình giao thông, 108 công trình thủy lợi, 54 công trình văn hóa;… Chủ tịch HÐND huyện Nguyễn Văn Hồng cho biết, trong giai đoạn 2021 - 2025, Cần Giờ xác định mục tiêu giữ vững, nâng cao chất lượng các tiêu chí xây dựng NTM trên địa bàn các xã và huyện; phấn đấu có 3 trong tổng số 6 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, các xã còn lại duy trì đạt chuẩn NTM nâng cao. Tập trung phát triển sản xuất và chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp; cơ cấu lại và đẩy mạnh phát triển các hình thức tổ chức sản xuất mang tính hợp tác; tập trung giảm hộ nghèo bền vững gắn với bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn.

Trong chuyến khảo sát và làm việc với huyện Cần Giờ mới đây, nhiều chuyên gia đánh giá, các tiềm năng của huyện nếu được "đánh thức" đúng cách sẽ giúp địa phương này phát triển rất nhanh. TS Trần Du Lịch cho rằng, huyện có khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn là lá phổi xanh không chỉ riêng của thành phố mà còn cho cả vùng đô thị, địa phương chung quanh. Ðể Cần Giờ vươn lên, thành phố, Trung ương cần tháo gỡ vướng mắc để nhà đầu tư thuận tiện thực hiện các dự án, hình thành dịch vụ du lịch gắn với tiềm năng, thế mạnh của địa phương. PGS, TS Trần Ðình Thiên, nguyên Viện trưởng Kinh tế Việt Nam, cũng cho rằng, Cần Giờ đang hướng phát triển về một khu đô thị du lịch lấn biển. Ðể sớm về đích, huyện cần phát triển không chỉ bền vững mà cần một tư duy mới mang tính đột phá trên cơ sở phát huy các lợi thế sẵn có.

TS Nguyễn Thị Hậu, Tổng Thư ký Hội Sử học TP Hồ Chí Minh, nêu quan điểm: Phát triển Cần Giờ là một đòi hỏi từ thực tế khách quan nhưng phát triển như thế nào cũng rất quan trọng. Khi phát triển, huyện cần chú ý tới ba đặc trưng: Bảo tồn hệ sinh thái rừng ngập mặn; chú trọng sinh thái của mặt tiền biển và cửa sông; hệ thống di tích ở Cần Giờ. Ðây là những lợi thế có giá trị rất lớn mà nhiều nước trong khu vực không có. Ðiều này giúp Cần Giờ có thể phát triển du lịch văn hóa bên cạnh phát triển du lịch sinh thái. Các đặc trưng này nếu được phát huy và "bảo quản" tốt sẽ giúp Cần Giờ phát triển mà không bị biến dạng và mất bản sắc riêng vốn có.

Trước mắt, để Cần Giờ phát huy tốt những kết quả đã đạt được, Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong đề nghị huyện tiếp tục thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động để người dân chủ động, tích cực tham gia xây dựng NTM kiểu mẫu; rà soát, bổ sung, điều chỉnh quy hoạch xây dựng NTM gắn với thực hiện chủ trương tái cơ cấu kinh tế, bảo đảm phù hợp quy hoạch. Huyện cần phát huy có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế có sẵn của địa phương để phát triển. Ðồng thời cần bám sát định hướng phát triển của TP Hồ Chí Minh đối với chương trình xây dựng, phát triển NTM của năm huyện ngoại thành để thực hiện tốt hơn nữa các tiêu chí đã đạt được.

Theo nhandan.com.vn