Thứ 7, 23/11/2024, 20:55[GMT+7]

Tháp Mười phấn đấu huyện nông thôn mới nâng cao

Thứ 7, 08/05/2021 | 19:55:16
981 lượt xem
Sau 10 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) trên địa bàn huyện Tháp Mười đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Bộ mặt nông thôn ngày càng khang trang, sạch đẹp; kinh tế - xã hội ở nông thôn phát triển toàn diện.

Hệ thống giao thông nông thôn trên địa bàn xã Thanh Mỹ (huyện Tháp Mười) ngày càng thuận lợi góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân địa phương

Hệ thống các công trình, kết cấu hạ tầng, kinh tế - xã hội, đặc biệt là công trình giao thông nông thôn được quan tâm nâng cấp. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng cao; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được tăng cường. Hệ thống chính trị được củng cố, kiện toàn và đổi mới. Đội ngũ cán bộ các cấp, các ngành từng bước được trưởng thành, thực hiện tốt phát triển nông nghiệp, nông thôn và xây dựng NTM. Tháp Mười đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn huyện NTM năm 2019 tại Quyết định số 1273/QĐ-TTg ngày 19/8/2020. 

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ huyện Tháp Mười lần thứ X, nhiệm kỳ 2020 - 2025, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện vừa ban hành Nghị quyết xây dựng huyện Tháp Mười đạt chuẩn NTM nâng cao giai đoạn 2020 – 2025. Mục tiêu của Nghị quyết là xây dựng huyện Tháp Mười đạt chuẩn huyện NTM nâng cao vào năm 2025, nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn. Đồng thời xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn đồng bộ và hiện đại gắn với quá trình đô thị hóa; đảm bảo môi trường, cảnh quan nông thôn sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn, giàu bản sắc văn hóa truyền thống, đưa nông thôn trở thành nơi đáng sống. Cụ thể: huyện Tháp Mười duy trì thị trấn Mỹ An đạt chuẩn đô thị văn minh; có 6/12 xã được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao, trong đó có 2 xã được công nhận xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu chuyên đề; thu nhập bình quân đầu người đạt 80 triệu đồng/người/năm; huyện Tháp Mười được công nhận đạt chuẩn huyện NTM nâng cao.

Để thực hiện thắng lợi mục tiêu, chỉ tiêu đã đề ra, huyện Tháp Mười đẩy mạnh quán triệt cho các cấp, các ngành, các đoàn thể chính trị - xã hội, từng đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức và người dân hiểu, nắm chắc các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước về xây dựng NTM nâng cao, xác định xây dựng NTM nâng cao là nhiệm vụ chính trị quan trọng thường xuyên của cả hệ thống chính trị tại địa phương.Tập trung rà soát, điều chỉnh và thực hiện quy hoạch, gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp; hình thành các vùng chuyên canh lớn, hiện đại gắn với chế biến và tiêu thụ. Triển khai thực hiện đề án, quy hoạch xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu phải bám sát vào kế hoạch được duyệt cho các xã. Trong đó, đầu tư hoàn thành và công nhận 3 đô thị loại V là: Trung tâm xã Đốc Binh Kiều, trung tâm xã Thanh Mỹ và trung tâm xã Mỹ Hòa; trung tâm xã Phú Điền và trung tâm xã Mỹ Quí tiếp cận các tiêu chí đô thị loại V...

Chú trọng phát triển các tổ chức sản xuất theo các hình thức hợp tác xã, tổ hợp tác; hình thành các mô hình liên kết theo chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm giữa các tổ chức, nông dân với doanh nghiệp; gắn sản xuất nông nghiệp với công nghiệp chế biến, thương mại, du lịch, dịch vụ. Quan tâm hỗ trợ đào tạo nâng cao năng lực về tổ chức, quản lý, tiếp cận thị trường; hỗ trợ hạ tầng, đất đai, vốn, vật tư sản xuất, ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại. Hình thành các hợp tác xã, tổ hợp tác hoạt động đa chức năng ở địa bàn nông thôn nhằm góp phần cung ứng đầu vào phục vụ sản xuất, tổ chức tiêu thụ hoặc đầu mối tiêu thụ sản phẩm đầu ra. Tiếp tục đổi mới mô hình quản lý chợ. Tranh thủ nguồn lực, kêu gọi đầu tư xây dựng các Trung tâm thương mại, các cửa hàng tiện lợi, cửa hàng nông sản sạch; quy hoạch, xây dựng chợ đầu mối, chợ đêm phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân.

Huyện Tháp Mười tiếp tục khuyến khích khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp, ưu tiên hỗ trợ trong lĩnh vực chế biến các loại hình nông sản, dịch vụ; phấn đấu mỗi năm thành lập các doanh nghiệp mới để tham gia quá trình sản xuất và giải quyết việc làm. Các cấp, ngành, địa phương quan tâm nâng cao trình độ sản xuất nông nghiệp và giúp cho nông dân tiếp cận với nền sản xuất nông nghiệp hiện đại, tăng cường chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất. Đồng thời thường xuyên bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ nông nghiệp cấp xã. Hàng năm, huyện giải quyết việc làm cho 5.500 lao động, trong đó có ít nhất 70 lao động/năm đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng.

Theo baodongthap.vn