Chủ nhật, 10/11/2024, 05:42[GMT+7]

Không giao chỉ tiêu các địa phương phải xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu

Chủ nhật, 30/05/2021 | 10:27:07
998 lượt xem
Thời gian qua, một số địa phương triển khai thí điểm mô hình xây dựng huyện nông thôn mới (NTM) kiểu mẫu. Vì sao phải thí điểm xây dựng huyện NTM kiểu mẫu? Huyện NTM kiểu mẫu có điểm gì khác biệt so với huyện NTM?

Vườn thanh long của một hộ nông dân ở huyện Xuân Lộc (tỉnh Đồng Nai). Ảnh: NGUYỄN DIỆP ANH

Phóng viên các cơ quan báo chí đã có cuộc trò chuyện với ông Nguyễn Minh Tiến, Cục trưởng, Chánh Văn phòng Điều phối NTM Trung ương về vấn đề này.

Phóng viên (PV): Nhìn lại việc thực hiện thí điểm xây dựng huyện NTM kiểu mẫu thời gian qua, ông có đánh giá như thế nào?

Ông Nguyễn Minh Tiến: Từ năm 2017, Ban chỉ đạo Trung ương Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM đã giao cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cùng với các bộ, ngành tiến hành đề xuất thí điểm 4 mô hình xây dựng huyện NTM kiểu mẫu. Trên cơ sở đó, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án thực hiện thí điểm xây dựng huyện NTM kiểu mẫu tiêu biểu cho các lĩnh vực, đại diện cho các vùng miền: Huyện Nam Đàn (Nghệ An) xây dựng NTM kiểu mẫu về “phát triển văn hóa gắn với du lịch” (Bắc Trung Bộ); huyện Hải Hậu (Nam Định) kiểu mẫu về cảnh quan, môi trường “sáng, xanh, sạch, đẹp để phát triển bền vững” (Đồng bằng sông Hồng); huyện Xuân Lộc (Đồng Nai) kiểu mẫu về “phát triển sản xuất hàng hóa nông nghiệp bền vững” (Đông Nam Bộ); huyện Đơn Dương (Lâm Đồng) kiểu mẫu về “nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo hướng thông minh” (Tây Nguyên).

Trong thời gian ngắn thực hiện thí điểm, đến nay, chúng ta đã đạt được những kết quả bước đầu. Thứ nhất, chúng ta đã định hướng được bộ tiêu chí thế nào là huyện NTM kiểu mẫu đối với từng lĩnh vực: Kiểu mẫu về văn hóa gắn với du lịch, kiểu mẫu về môi trường, cảnh quan... Thứ hai, đối với từng huyện đã có mô hình tiêu biểu mặc dù còn nhỏ lẻ, quy mô ở cấp xã, nhưng đã định hướng cho giai đoạn tới...

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, chúng tôi thấy vẫn còn không ít khó khăn, bất cập đối với từng lĩnh vực kiểu mẫu cụ thể. Các địa phương chủ yếu mới dừng ở mức độ nâng chất lượng các tiêu chí đã có, còn tạo ra những nội dung, mô hình thực sự nổi trội mang tính tiêu biểu, đột phá vẫn đang trong quá trình manh nha ở cấp xã mà chưa thực sự mang tính phổ biến, diện rộng. Tôi đơn cử như ở huyện Đơn Dương-mô hình thí điểm về nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao hướng tới nông nghiệp thông minh thì mới chỉ dừng lại ở mức thực hiện được 2-3/7-8 yếu tố theo tiêu chí như giống mới, cải tiến được quy trình chăm sóc cây trồng, vật nuôi, tưới tiết kiệm. Còn lại, các yếu tố rất quan trọng khác như chế độ dinh dưỡng, sử dụng phân hữu cơ hay những giải pháp bảo đảm về môi trường... hiện chưa đáp ứng được.

PV: Qua thời gian thí điểm xây dựng huyện NTM kiểu mẫu, ông đánh giá về khả năng nhân rộng các mô hình này như thế nào?

Ông Nguyễn Minh Tiến: Quan điểm của Ban chỉ đạo Trung ương Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM đối với chương trình xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025 trọng tâm vẫn là xây dựng NTM nâng cao ở các xã, các huyện đã đạt chuẩn NTM để nâng chất lượng các tiêu chí về cơ sở hạ tầng, về sản xuất, văn hóa, môi trường, bảo đảm tính bền vững. Còn ở những địa phương có điều kiện đặc thù thì chúng ta mới thí điểm xây dựng NTM kiểu mẫu theo từng lĩnh vực tiêu biểu (văn hóa, du lịch, môi trường, nông nghiệp...). Tôi khẳng định là chúng ta nhân rộng trên cơ sở cách thức tổ chức triển khai chứ không phải nhân rộng theo kiểu huyện này làm du lịch thì huyện khác cũng làm du lịch, mà phải phụ thuộc điều kiện từng địa phương.

Quan điểm chỉ đạo của Ban chỉ đạo Trung ương Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, NTM kiểu mẫu là các địa phương chủ động đề xuất, tự ban hành các tiêu chí, tự huy động nguồn lực; còn Trung ương và các bộ, ngành chủ yếu hỗ trợ, hướng dẫn về nội dung, chuyên môn.

PV: Việc xây dựng NTM kiểu mẫu ở các địa phương trong thời gian tới sẽ được thực hiện như thế nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Minh Tiến: Chúng tôi nhấn mạnh là các bộ, ngành đều mong muốn có mô hình thí điểm ở cấp huyện về các lĩnh vực để làm cơ sở xây dựng cơ chế, chính sách mới, định hướng mới. Lấy ví dụ về vấn đề môi trường, Quốc hội vừa thông qua Luật Bảo vệ môi trường, lần đầu tiên chúng ta có một điều về bảo vệ môi trường trong xây dựng NTM tại Điều 58. Trong Điều 58 quy định rất rõ các nội dung về bảo vệ môi trường ở nông thôn: Vấn đề xử lý nước thải, chất thải rắn, bảo tồn làng nghề, kiểm kê các công trình gây ô nhiễm môi trường...

Chúng ta sẽ không giao chỉ tiêu, không yêu cầu bắt buộc các địa phương phải xây dựng NTM kiểu mẫu. Như vậy, nó sẽ không nặng về vấn đề thành tích. Địa phương nào có điều kiện thì triển khai. Điểm quan trọng nữa là Trung ương không hỗ trợ ngân sách, địa phương làm thì địa phương phải bỏ tiền ra. Với cách tiếp cận như vậy, mỗi địa phương sẽ phải tự xem xét, đánh giá điều kiện đặc thù, tính khả thi, nổi trội về lĩnh vực gì có thể huy động được các nguồn lực thì các địa phương mới tiến hành xây dựng NTM kiểu mẫu. Hiện một số địa phương như: Hưng Yên, Thanh Hóa, Quảng Ninh, Hà Nội đang nghiên cứu, cân nhắc, xác định hướng lên NTM kiểu mẫu như thế nào.

Theo qdnd.vn