Thứ 7, 09/11/2024, 22:27[GMT+7]

Thâu đêm “tìm” Covid-19

Thứ 4, 22/04/2020 | 08:15:04
1,844 lượt xem
Tự cách ly với gia đình, lấy cơ quan là nhà, làm việc thâu đêm hay những bữa ăn vội... là việc đã trở nên quen thuộc đối với cán bộ, bác sĩ, kỹ thuật viên Khoa Xét nghiệm, Chẩn đoán hình ảnh, Thăm dò chức năng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh.

Cán bộ Khoa Xét nghiệm, Chẩn đoán hình ảnh, Thăm dò chức năng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh vận hành hệ thống xét nghiệm.

Từ khi hệ thống xét nghiệm phát hiện Covid-19 chính thức đi vào hoạt động, công việc vất vả hơn nhưng cán bộ, bác sĩ, kỹ thuật viên của Khoa luôn nỗ lực, trách nhiệm để cho ra kết quả xét nghiệm sớm nhất. Bởi họ hiểu rằng, phía sau rất nhiều người đang đợi chờ, chỉ một phút lơ là, chậm trễ sẽ làm ảnh hưởng đến việc khoanh vùng dập dịch, cách ly, điều trị khi không may có người nhiễm Covid-19.

Đã nhiều ngày nay, Khoa Xét nghiệm, Chẩn đoán hình ảnh, Thăm dò chức năng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh luôn sáng đèn cả khi đã hết giờ làm việc. Cán bộ, bác sĩ, kỹ thuật viên ở đây đã quen với việc làm thâu đêm. Mỗi người một nhiệm vụ từ nhận mẫu, tách chiết mẫu, pha mix, xét nghiệm. Trước kia, khi chưa có hệ thống xét nghiệm sinh học phân tử Realtime - PCR tự động Cobas 4800 (kỹ thuật sinh học phân tử) công việc của cán bộ Khoa Xét nghiệm, Chẩn đoán hình ảnh, Thăm dò chức năng là đi lấy mẫu xét nghiệm của người nghi nhiễm tại cộng đồng, bệnh viện hoặc người tại các khu cách ly, chuyển mẫu lên Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương. Hiện nay, việc xét nghiệm được thực hiện tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, do đó việc lấy mẫu tại cộng đồng, bệnh viện được chuyển cho các cơ sở y tế, cán bộ Khoa chỉ lấy mẫu tại các khu cách ly tập trung của tỉnh. Tuy nhiên, không vì thế mà khối lượng công việc của họ giảm. Khi số lượng người nghi nhiễm mới và người từ vùng có dịch về địa phương tăng, họ lại tất bật thực hiện xét nghiệm nhằm sớm cho ra kết quả. Cán bộ của Khoa phải túc trực 24/24 giờ bên hệ thống xét nghiệm.

Bác sĩ Phạm Thị Thu Hà, Trưởng khoa Xét nghiệm, Chẩn đoán hình ảnh, Thăm dò chức năng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: Hàng ngày, công việc của cán bộ Khoa là thực hiện xét nghiệm phát hiện Covid-19 và phải làm các mẫu xét nghiệm máu, rối loạn chuyển hóa... của người bệnh đến khám tại Trung tâm. Khối lượng công việc nhiều, 25 cán bộ của Khoa chia làm các nhiệm vụ khác nhau, trong đó 8 cán bộ, y bác sĩ được đào tạo về sinh học phân tử được phân nhiệm vụ xét nghiệm Covid-19. Thời điểm đầu tháng 4, khi hệ thống xét nghiệm chính thức vận hành, mỗi ngày Khoa phải xét nghiệm 200 mẫu. Hầu hết cán bộ của Khoa đều có con nhỏ nhưng không có thời gian về nhà. Nhiều người phải ở lại cơ quan cả tuần. Nhiệm vụ phòng, chống dịch là cấp bách nên ai cũng hiểu và nỗ lực hết mình để cho ra kết quả nhanh nhất với tinh thần sớm phút nào quý phút ấy.

Công việc vất vả, áp lực, đối mặt với nguy cơ lây nhiễm khi tiếp xúc trực tiếp lấy dịch họng, dịch tị hầu của người nghi nhiễm Covid-19. Thế nhưng, họ vẫn luôn bình tĩnh, lạc quan, động viên những người trở về từ vùng dịch yên tâm, phối hợp tốt với cán bộ, bác sĩ phục vụ tại khu cách ly.

Cử nhân xét nghiệm Nguyễn Văn Đảng, Khoa Xét nghiệm, Chẩn đoán hình ảnh, Thăm dò chức năng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh chia sẻ: Công việc của tôi tại Khoa là đi lấy mẫu và xét nghiệm mẫu của người nghi nhiễm Covid-19. Nhiều khi 2 - 3 giờ đêm phải xuống khu cách ly tập trung lấy mẫu. Dù công việc luôn tiềm ẩn nguy cơ rủi ro cao nếu không may bị lây nhiễm nhưng ai cũng nhận thức được tầm quan trọng của công việc mình đang làm, vì thế mọi người đều nỗ lực, cố gắng. Đến giờ, tất cả đã quen với guồng quay của công việc, không thấy áp lực như thời gian đầu. Con nhỏ, nhà xa, nhớ gia đình không về được nhưng tôi lại nhận được sự quan tâm, động viên của Trung tâm, nhiều cán bộ công đoàn đã thay phiên nhau lo việc ăn uống để chúng tôi có thêm thời gian làm việc, đó là nguồn động viên giúp chúng tôi hoàn thành công việc, góp một phần nhỏ chung tay phòng, chống dịch.

Cuộc chiến nào cũng khó khăn, gian khổ và cuộc chiến chống dịch Covid-19 cũng vậy. Là những người tuyến đầu chống dịch, cán bộ,  bác sĩ, kỹ thuật viên luôn sẵn sàng dấn thân để bảo đảm sức khỏe, an toàn tính mạng cho nhân dân. Việc làm của họ đã chạm tới trái tim nhiều người, nhân lên sự tự hào về những chiến sĩ mặc áo blouse trắng.


Hoàng Lanh