Thứ 2, 18/11/2024, 09:39[GMT+7]

Triển khai hiệu quả hoạt động phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng

Thứ 3, 29/12/2020 | 10:43:44
1,303 lượt xem
Bổ sung vitamin A liều cao là một trong những giải pháp phòng chống các tác hại do thiếu vi chất dinh dưỡng ở trẻ em. Nhằm phòng chống tình trạng thiếu Vitamin A ở trẻ dưới 5 tuổi, mỗi năm Bộ Y tế đều tổ chức 2 đợt uống vitamin A, đợt 1 diễn ra trong 2 ngày: 1 - 2/6 và đợt 2 là ngày 1- 2/ 12 cho trẻ dưới từ 6 -36 tháng tuổi và trẻ dưới 5 tuổi có nguy cơ thiếu vitamin A. Mỗi liều dự phòng có thể bảo vệ trẻ trong vòng 4 đến 6 tháng.

Hàng năm, trên 97% trẻ trong độ tuổi được uống VItamin A.

Việc uống bổ sung Vitamin A cho trẻ được thực hiện tại trạm y tế xã, phường, thị trấn.

Thống kê của ngành Y tế cho thấy, bổ sung vitamin A làm giảm 23% tỷ lệ tử vong ở trẻ. Nhiều năm nay, số trẻ từ 6 – 36 tháng tuổi được uống Vitamin A tại Thái Bình luôn đạt trên 97%. Năm 2020, tỉnh Thái Bình cũng triển khai 2 đợt uống bổ sung vitamin A theo chỉ đạo của Bộ Y tế với chủ đề: “Vi chất dinh dưỡng cần thiết cho tăng trưởng, phát triển trí tuệ, nâng cao sức khỏe và sức đề kháng, góp phần phòng chống dịch COVID- 19”. Tổng số cả 2 đợt đã có 250 nghìn lượt đối tượng được uống bổ sung Vitamin A, đối tượng là trẻ em từ 6-36 tháng tuổi; bà mẹ sau sinh và trẻ có nguy cơ cao. Cũng trong ngày triển khai chiến dịch, các điểm uống vitamin A còn tổ chức đo chiều cao, cân nặng, đánh giá tình trạng dinh dưỡng cho trẻ em từ 0-36 tháng tuổi, tư vấn về dinh dưỡng, cách chăm sóc trẻ theo khoa học, hợp lý và đảm bảo các hoạt động phòng, chống dịch COVID-19 theo đúng quy định.

Bác sĩ Vũ Đình Triển, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thái Bình cho biết: Vitamin A là một vi chất dinh dưỡng cần thiết cho sự sự tăng trưởng và phát triển của trẻ; giúp phòng ngừa bệnh khô mắt do thiếu vitamin A, bảo vệ sự toàn vẹn của da và niêm mạc mắt, đường hô hấp, đường tiêu hóa… làm tăng sức đề kháng của cơ thể đối với bệnh nhiễm trùng. Thiếu vitamin A sẽ làm trẻ chậm phát triển; dễ mắc các bệnh nhiễm trùng như: viêm phổi, tiêu chảy cấp, nhiễm trùng da; đặc biệt ảnh hưởng mắt từ nhẹ đến nặng: quáng gà, khô giác mạc, mù. Trẻ em từ 6 - 36 tháng tuổi là nhóm dễ bị thiếu hụt vitamin A, nguyên nhân có thể do khẩu phần ăn của trẻ bị thiếu hụt, trẻ không được cung cấp đủ so với nhu cầu; do trẻ bị rối loạn hấp thu, bị các bệnh về đường ruột dẫn đến khả năng hấp thụ vitamin A kém.

Để chủ động phòng chống suy dinh dưỡng, phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng, ngành Y tế phối hợp với các sở, ban, ngành đoàn thể trong kiểm tra, giám sát công tác triển khai chiến dịch. Công tác truyền thông giáo dục dinh dưỡng được quan tâm thực hiện bằng nhiều hoạt động cụ thể như: Truyền thông về phòng, chống suy dinh dưỡng trẻ em được thực hiện và duy trì thường xuyên trên các phương tiện thông tin đại chúng, cao điểm vào các dịp "Tháng hành động vì trẻ em", chiến dịch uống Vitamin A bổ sung và tẩy giun; tuyên truyền: “Kế hoạch chăm sóc 1000 ngày đầu đời nhằm phòng, chống suy dinh dưỡng bà mẹ, trẻ em, nâng cao tầm vóc Việt giai đoạn 2020-2025”; "Tuần lễ nuôi con bằng sữa mẹ", "Tuần lễ Dinh dưỡng và Phát triển"… Nội dung truyền thông được tiến hành theo các chủ đề hàng tháng tại cộng đồng bằng những kiến thức cơ bản về dinh dưỡng, theo dõi tăng trưởng, kiến thức cần thiết phục hồi trẻ suy dinh dưỡng, đa dạng hóa thực phẩm cho bữa ăn gia đình, phòng chống thiếu Vitamin A, thiếu sắt, I-ốt và sự phát triển của trẻ, góp phần nâng cao nhận thức trong chăm sóc trẻ cho các bậc phụ huynh và cộng đồng. Nhờ tích cực triển khai thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp, công tác phòng, chống suy dinh dưỡng trẻ em trên địa bàn tỉnh Thái Bình năm 2020 đã có những chuyển biến rõ rệt, tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng giảm dần. Kết quả, năm 2020 số trẻ em dưới 5 tuổi trên địa bàn tỉnh được cân đo đạt 98%, số trẻ SDD cân nặng/tuổi là 9,1%, giảm 0,5% so với năm 2019; trẻ SDD chiều cao/tuổi là 11,4%, giảm được 1% so với năm 2019...

Kiểm tra cân nặng cho trẻ em trong ngày vi chất dinh dưỡng tại Trạm Y tế xã Vũ Quý (Kiến Xương). 

Để công tác phòng, chống suy dinh dưỡng trẻ em mang lại hiệu quả cao hơn, thời gian tới cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương với ngành Y tế, cũng như các hội, đoàn thể trên địa bàn, có kế hoạch tiếp tục triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về dinh dưỡng theo từng giai đoạn đạt hiệu quả. Đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động tuyên truyền, lồng ghép sâu rộng những kiến thức, kỹ năng về chăm sóc sức khỏe và dinh dưỡng trong nhân dân, nhằm tiếp tục nâng cao nhận thức về vấn đề dinh dưỡng cho trẻ trong độ tuổi từ 0 đến 6 tuổi.

10 LỜI KHUYÊN DINH DƯỠNG GIA ĐÌNH

1. Ăn đủ 3 bữa mỗi ngày, ăn thêm các bữa phụ để đảm bảo năng lượng và các chất dinh dưỡng mà cơ thể cần. Với trẻ nhỏ, cần được tiếp tục nuôi bằng sữa mẹ, kết hợp với các bữa ăn bổ sung hợp lý theo hướng dẫn

2. Ăn nhiều hơn các thực phẩm giàu đạm như thịt, cá, trứng, tôm cua, sữa, đậu đỗ khi có thể. Các thực phẩm này cần cho việc duy trì hệ thống miễn dịch, giúp cơ thể  khỏe mạnh.

3. Ăn nhiều rau quả tươi các loại (như rau lá có màu xanh đậm, rau củ quả nhiều màu sắc, quả chín). Rau quả cung cấp nhiều vitamin và chất khoáng, rất cần thiết cho cơ thể khỏe mạnh và  tăng khả năng đề kháng chống lại nhiễm khuẩn. Nên đặc biệt chú ý các loại thực phẩm có chứa nhiều vitamin A. vì các thực phẩm này giúp cơ thể trẻ tăng cường khả năng miễn dịch và phòng bệnh

4. Không kiêng khem thực phẩm (nếu không có chỉ định của thầy thuốc), cố gắng ăn nhiều loại thực phẩm khác nhau trong 1 bữa và trong 1 ngày (cần ăn ít nhất 15 loại  thực phẩm mỗi ngày).

5. Hạn chế ăn các thực phẩm có hại cho cơ thể (như thực phẩm ăn liền, thức ăn chế biến sẵn có chứa nhiều mỡ động vật, đường, hoặc nhiều muối; hoặc thực phẩm để quá lâu đã không còn tươi nữa..). Đảm bảo thực ăn phải được nấu chín và tốt nhất là ăn ngay sau khi nấu.

6. Đảm bảo uống đủ lượng nước theo nhu cầu, nhất là trẻ em và người cao tuổi (trung bình 2-2.5 lit, ko dưới 1.5 lit/ngày), nên uống nước ấm nếu có thể. Chú ý không chờ tận lúc khát mới uống, thay vào đó uống thường xuyên  mỗi lần một chút  cho vừa đủ.

7. Với phụ nữ mang thai, trẻ nhỏ dưới 5 tuổi, người già, nếu có điều kiện có thể sử dụng thêm các loại  đa vi chất dinh dưỡng như viên đa vi chất cho bà mẹ có thai,  bột đa vi chất cho trẻ nhỏ dưới 3 hoăc 5 tuổi, các sản phẩm được làm giầu dinh dưỡng khác với tư vấn của nhân viên y tế

8. Lưu giữ thực phẩm chín và sống trong các dụng cụ chứa khác nhau và ở các vị trí khác nhau ở bếp và tủ lạnh.

9. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn, và sau khi đi vệ sinh; không sờ tay lên mắt, mũi miệng để hạn chế nhiếm mầm bệnh.

10. Duy trì vân động và các hoạt động thể lực có thể tại nhà. Tránh uống rượu bia, hạn chế tụ tập đông người để phòng nhiễm bệnh.

                                                                                        

  Hoàng Thía

(Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh)