Thứ 5, 21/11/2024, 01:34[GMT+7]

Mổ cấp cứu kịp thời ca bệnh nguy hiểm tại trạm y tế xã

Thứ 5, 12/05/2022 | 23:17:23
1,198 lượt xem
Theo thông tin từ Trạm Y tế xã Thụy Phong (Thái Thụy), vào lúc 17 giờ ngày 11/5/2022, Trạm Y tế xã tiếp nhận 1 bệnh nhân nữ trong tình trạng sốc tâm lý, đau đầu, chóng mặt, da xanh, niêm mạc kém hồng, tức bụng vùng thắt lưng phải, tỉnh táo, tiếp xúc được.

Bệnh nhân được mổ ngay tại Trạm Y tế xã.

Bác sĩ Trần Khánh Toàn, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Thụy Phong chia sẻ: Ngay khi vào Trạm, bệnh nhân được thăm khám và khai thác tiền sử bệnh tật. Trong quá trình khai thác, tiền sử sản khoa không rõ ràng. Đến 17 giờ 20 phút bệnh nhân thấy tức bụng vùng hạ vị, đau lan sang bên phải, không ra máu âm đạo, được tư vấn làm test thử thai nhưng bệnh nhân không đi tiểu được. Cán bộ Trạm kiểm tra huyết áp, huyết áp thấp, mạch nhanh nhỏ, khó bắt nên đã gọi Trung tâm Cấp cứu 115. Do Trạm Y tế xã có máy siêu âm nên bệnh nhân được siêu âm ngay tại Trạm và phát hiện tại sừng tử cung bên phải có khối chửa kích thước 1,03cm có dịch. Nhận định không thể chuyển bệnh nhân lên tuyến trên bởi nguy cơ rủi ro rất cao trên đường đi nên Trạm đã xin hỗ trợ các kíp cấp cứu từ Trung tâm Cấp cứu 115, Bệnh viện Phụ sản Thái Bình, Khoa Huyết học Truyền máu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh. 

Ngay sau khi tiếp nhận thông tin từ Trạm Y tế xã Thụy Phong, 5 bác sĩ, nhân viên y tế của Bệnh viện Phụ sản Thái Bình cùng các bác sĩ, nhân viên y tế Trung tâm Cấp cứu 115, Khoa Huyết học Truyền máu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã lập tức lên đường. Tại Trạm Y tế xã, bệnh nhân được mổ cấp cứu ngay tại Trạm bởi không thể di chuyển lên tuyến trên. Bác sĩ Phí Ngọc Chung, Trưởng khoa Đẻ cấp cứu, trưởng kíp mổ, Bệnh viện Phụ sản Thái Bình cho biết: Sau khi nghe báo cáo từ Trạm Y tế xã, chúng tôi đã yêu cầu không di chuyển bệnh nhân, thực hiện siêu âm lại thấy có nhiều máu cục và dịch. Do huyết áp thấp, mất máu nhiều nên bệnh nhân chỉ có thể hồi sức, mổ tại chỗ bởi chỉ cần thay đổi tư thế đột ngột là có nguy cơ ngừng tim. Lúc 20 giờ, kíp mổ thực hiện mổ cho bệnh nhân. Trong quá trình mổ, hút ra ước tính khoảng 3 lít máu không đông lẫn máu cục trong ổ bụng. Bệnh nhân được cầm máu, cắt khối chửa ngoài tử cung. Đến 21 giờ ca mổ kết thúc, bệnh nhân tiếp tục được truyền máu. Rất may bệnh nhân được phát hiện, thông tin và hỗ trợ máu để truyền kịp thời. Qua đây chúng tôi khuyến cáo chửa ngoài tử cung rất nguy hiểm, dễ đe dọa đến tính mạng. Do đó, khi có dấu hiệu sớm kinh, muộn kinh, rong kinh hoặc lượng kinh ít hơn bình thường phải thử thai hoặc đi khám sản khoa ngay để phát hiện kịp thời các trường hợp chửa ngoài tử cung. Bởi nếu không may bị vỡ thì nguy cơ tử vong rất cao. 

Ngay trong đêm ngày 11/5, bệnh nhân đã được chuyển lên Bệnh viện Phụ sản Thái Bình để điều trị. Hiện tình trạng sức khỏe bệnh nhân tiến triển tốt, bệnh nhân đã nói được. Anh Vũ Đình Sơn, xã Thụy Phong, chồng bệnh nhân chia sẻ: Lúc vợ tôi được đưa vào Trạm Y tế xã tôi không có ở nhà. Khi biết tình trạng của vợ, tôi và người thân trong gia đình rất lo lắng. Rất may được người dân đưa vào kịp thời và được các bác sĩ, nhân viên y tế không quản đêm tối tận tình cứu sống. Đến giờ sức khỏe của vợ tôi đã tiến triển tốt hơn. Tôi xin cảm ơn các cán bộ, nhân viên y tế, chính quyền địa phương và người dân đã tận tình giúp đỡ, cứu sống vợ tôi. 

Qua sự việc trên cho thấy, không chỉ y tế tuyến tỉnh, huyện, vai trò của y tế cơ sở cũng rất quan trọng. Việc xử trí cấp cứu ban đầu và đầu tư, sử dụng hiệu quả trang thiết bị y tế sẽ giúp y tế cơ sở thực hiện hiệu quả công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân. 

Hoàng Lanh