Thứ 4, 20/11/2024, 11:43[GMT+7]

Tăng cường giám sát hàn the trong thực phẩm

Thứ 6, 24/06/2022 | 08:33:21
3,287 lượt xem
Hàn the có thể gây ngộ độc cấp tính, mạn tính cho người sử dụng. Do có tính độc khá lớn với cơ thể nên hàn the không có trong danh mục chất phụ gia thực phẩm được phép sử dụng sản xuất, chế biến thực phẩm. Tuy nhiên, qua giám sát mối nguy ô nhiễm thực phẩm trên địa bàn tỉnh hàng năm, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh vẫn phát hiện có cơ sở kinh doanh giò, chả sử dụng hàn the.

Giấy thử dưới que chuyển từ màu vàng sang màu đỏ nâu là dương tính với hàn the.

Theo thông tin từ Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh, hàn the là một hợp chất hóa học hay còn gọi là Borax, là một loại muối ở dạng tinh thể màu trắng đục, không mùi, không vị. Hàn the có tính sát khuẩn nhẹ nên có thể kéo dài thời gian bảo quản cho sản phẩm, làm cho tinh bột, thịt, cá trở nên dai, giòn. Trên thị trường, hàn the thường được tìm thấy ở bánh cuốn, bánh phở, bún, bánh tẻ, bánh đúc, bánh đa, giò, chả... Do có tính độc lớn với cơ thể nên theo quy định của Bộ Y tế, hàn the nằm trong danh mục các chất phụ gia cấm sử dụng khi chế biến thực phẩm.

Bà Phạm Thị Mỹ Hạnh, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh cho biết: Hàn the có thể gây ngộ độc cấp tính. Ở liều từ 5g trở lên có thể dẫn tới tử vong. Trong thực tế ít gặp trường hợp ngộ độc cấp tính do hàn the mà thường gặp ngộ độc mạn tính. Khi vào cơ thể, hàn the khó bị đào thải mà tích tụ ở gan, đến khi lượng tích lũy trong cơ thể đủ lớn sẽ gây các bệnh lý do ngộ độc mạn tính. Hàn the có khả năng tích lũy trong cơ thể, ảnh hưởng đến quá trình tiêu hóa, hấp thụ, quá trình chuyển hóa và chức năng của thận với biểu hiện mất cảm giác ăn ngon, giảm cân, nôn, tiêu chảy nhẹ, mẩn đỏ da, nhất là ở mông, lòng bàn tay, bàn chân, rụng tóc, suy thận. Nếu tổn thương thần kinh có các biểu hiện cơn động kinh co giật, da xanh, suy nhược không phục hồi được.

Thực hiện giám sát mối nguy ô nhiễm thực phẩm, trong vai người mua hàng, cán bộ Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh thường xuyên đi đến các cơ sở kinh doanh thực phẩm trên địa bàn tỉnh mua giò, chả, xúc xích về test nhanh nhằm phát hiện các mẫu có dương tính với hàn the. Nếu dương tính tiếp tục gửi mẫu kiểm nghiệm labo tại các cơ sở đủ điều kiện. Việc giám sát mối nguy ô nhiễm thực phẩm, trong đó có hàn the là hoạt động được Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh thực hiện thường xuyên để phát hiện, xử lý kịp thời và cảnh báo tới người tiêu dùng.

Năm 2021, ngành y tế đã tiến hành kiểm tra, giám sát đối với các sản phẩm chế biến từ thịt như: giò, chả, xúc xích trên địa bàn thành phố Thái Bình và các huyện: Hưng Hà, Đông Hưng, Kiến Xương. Qua kiểm tra, giám sát đã phát hiện và xử phạt 7 cơ sở kinh doanh giò, chả có chứa hàn the với số tiền 11 triệu đồng. 6 tháng đầu năm 2022, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh đã tiến hành lấy mẫu giám sát đối với các sản phẩm giò, chả, xúc xích trên địa bàn thành phố Thái Bình, huyện Đông Hưng. Việc lấy mẫu vẫn đang được thực hiện. Sau khi có kết quả giám sát, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh sẽ tham mưu công văn gửi các ngành, đơn vị liên quan để tổ chức kiểm tra, xử lý các cơ sở có sản phẩm không bảo đảm an toàn thực phẩm. Cùng với ngành y tế, các ngành, địa phương cũng đã tích cực vào cuộc giám sát mối nguy ô nhiễm thực phẩm, việc sử dụng hàn the trong giò, chả, xúc xích. 

Bà Bùi Thị Thúy, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tỉnh cho biết: Qua kiểm tra, giám sát có thời điểm chúng tôi đã phát hiện khoảng 12% cơ sở được giám sát có sử dụng hàn the. Theo Nghị định số 115/2018/NĐ-CP, ngày 4/9/2018 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm, nếu sản xuất sử dụng hàn the mức xử phạt là 40 - 50 triệu đồng; cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, sử dụng thực phẩm có hàn the mức xử phạt 7 - 10 triệu đồng...

Trước mối lo ngại về sử dụng hàn the trong thực phẩm, cùng với các ngành, địa phương, ngành y tế sẽ tiếp tục triển khai các hoạt động giám sát mối nguy ô nhiễm thực phẩm và phối hợp xử lý các trường hợp vi phạm; đồng thời tuyên truyền về một số phụ gia khác có tác dụng như hàn the nhưng an toàn như: Polyphosphat và PDP. 

Bà Phạm Thị Mỹ Hạnh cho biết thêm: Trong năm 2022, chúng tôi sẽ tiếp tục triển khai việc giám sát sử dụng hàn the trong thực phẩm tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, kinh doanh thức ăn đường phố trên địa bàn thành phố Thái Bình và một số huyện với mục tiêu giải quyết triệt để việc ô nhiễm hàn the trong thực phẩm. Để góp phần hạn chế thực phẩm mất an toàn lưu thông, tiêu thụ trên thị trường, các cơ sở kinh doanh thực phẩm cần thực hiện nghiêm các quy định về bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh, phân phối sản phẩm. Mỗi người tiêu dùng cũng cần nâng cao kiến thức trong lựa chọn, sử dụng thực phẩm; là giám sát viên phát hiện các hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm, thông báo cho các cơ quan chức năng để xử lý kịp thời, góp phần bảo đảm sức khỏe cho chính mình, gia đình và cộng đồng.

Giò, chả được bày bán tại các chợ.


Hoàng Lanh