Bộ Y tế: Tiêm nhắc lại vaccine phòng COVID-19 mũi 3, mũi 4 để duy trì bền vững hiệu quả phòng, chống dịch
Đối với khả năng bảo vệ của vaccine khi chỉ tiêm liều cơ bản, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hoa Kỳ khuyến cáo: Tiêm nhắc lại vaccine phòng COVID-19 để ngăn ngừa và phòng, chống dịch COVID-19. Các nghiên cứu trên thế giới đã ghi nhận hiệu quả bảo vệ của mũi tiêm cơ bản vaccine phòng COVID-19 giảm dần theo thời gian trong vòng 6 tháng sau khi tiêm và trong điều kiện xuất hiện các biến chủng mới.
Đối với biến chủng Omicron, hiệu quả bảo vệ giảm rất nhanh do nồng độ kháng thể cần thiết để trung hòa virus ở mức cao hơn so với các biến chủng virus SARS-CoV-2 trước đây. Do vậy, những người đã tiêm mũi cơ bản nếu không tiêm mũi nhắc vẫn có nguy cơ mắc bệnh.
Về khả năng tái nhiễm ở những người đã từng mắc COVID-19 và nguy cơ xuất hiện các biến chủng mới, người đã từng mắc COVID-19 vẫn có khả năng bị tái nhiễm và mắc các biến chứng của bệnh, bao gồm cả trẻ em và người lớn. Một số nghiên cứu gần đây cho thấy người tái nhiễm vẫn có nguy cơ mắc bệnh mức độ nghiêm trọng và phải điều trị hồi sức tích cực. Cũng cần lưu ý, mặc dù số mắc và tử vong do COVID-19 trên toàn cầu có xu hướng giảm, tuy nhiên, ở một số khu vực dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp, xuất hiện các biến chủng mới.
Hiện nay, nhiều quốc gia đã dỡ bỏ một phần hoặc hoàn toàn các biện pháp phòng chống dịch nên nguy cơ dịch quay trở lại là hoàn toàn có thể. Trong tuần từ 23-29/5, so với tuần trước đó, tổng số ca mắc mới tại khu vực Châu Mỹ tăng 9%, khu vực Trung Đông tăng 1%; tổng số ca tử vong tại khu vực Tây Thái Bình Dương (trong đó có Việt Nam) tăng 18%, khu vực Châu Phi tăng 15%, khu vực Châu Mỹ tăng 13%.
Những con số này có thể chưa phản ánh hết tình hình thực tế vì nhiều quốc gia đã giảm đáng kể việc yêu cầu xét nghiệm cũng như công tác báo cáo không còn được chú trọng như giai đoạn trước. Bên cạnh đó, số ca mắc COVID-19 ở trẻ em có xu hướng tăng lên tại một số quốc gia, trong đó có Hoa Kỳ.
Hội chứng hậu COVID-19: là một trong những hội chứng có biểu hiện triệu chứng đa dạng, phức tạp nhất và vẫn đang tiếp tục được nghiên cứu trên thế giới. Hậu COVID-19 có thể biểu hiện ở nhiều cơ quan như: hô hấp, tim mạch, tâm thần kinh, tiêu hóa, nội tiết, thận, da...trong thời gian dài có thể khiến sức khỏe con người bị suy giảm, ảnh hưởng đến khả năng quay trở lại làm việc hoặc tham gia cuộc sống xã hội bình thường của người bệnh. Theo thông báo trong tháng 6/2022 của WHO khu vực Tây Thái Bình Dương, khoảng 60% trường hợp mắc bệnh bị hậu COVID-19 và 30% phải nhập viện điều trị hậu COVID-19.
Về hiệu quả của liều tiêm nhắc lại, tiêm mũi nhắc vaccine COVID-19 sẽ làm gia tăng nồng độ kháng thể bảo vệ, qua đó giúp cho cơ thể được bảo vệ trước nguy cơ mắc COVID-19, giảm tỷ lệ nhập viện, giảm số ca tiến triển bệnh nặng và ca tử vong do COVID-19. Theo kết quả của một số nghiên cứu gần đây, những người đã tiêm vaccine liều cơ bản và bị mắc COVID-19, miễn dịch bắt đầu giảm ở tuần 10-19 sau tiêm. Nếu những người này được tiêm nhắc vaccine phòng COVID-19 thì sẽ khôi phục khả năng miễn dịch, duy trì hiệu lực bảo vệ trước nguy cơ nhiễm virus SARS-CoV-2.
Kết quả nghiên cứu tại Pháp cho thấy: Nếu được tiêm liều nhắc, những người này được bảo vệ khỏi tái nhiễm virus lên đến 81%. Kết quả nghiên cứu tại Hoa Kỳ cho thấy, những người từng mắc COVID-19 nếu chỉ tiêm 2 liều thì hiệu quả phòng nhập viện do tái nhiễm là 34,6%, nhưng nếu được tiêm liều nhắc thì hiệu quả này lên đến 67,6%.
Việc tiêm các mũi nhắc lại (mũi 3, mũi 4) vaccine phòng COVID-19 là cần thiết nhằm bảo vệ người đi tiêm không bị mắc bệnh, đặc biệt là tránh nguy cơ bị bệnh nặng và tử vong do COVID-19 trong điều kiện xuất hiện các biến chủng mới. Bộ Y tế đã có hướng dẫn 3309/BYT-DP ngày 23/6/2022 về việc tiêm nhắc mũi 3, mũi 4 cho người từ 18 tuổi trở lên và cho trẻ từ 12-17 tuổi (tiêm nhắc mũi 3). Hiện nay, đã có nhiều quốc gia trên thế giới triển khai lịch tiêm nhắc vaccine phòng COVID-19 cho người lớn và trẻ vị thành niên.
Tại Việt Nam, chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 được triển khai rộng khắp hơn 1 năm qua với trên 228 triệu mũi tiêm đã được tiêm chủng, công tác đảm bảo an toàn tiêm chủng luôn được ưu tiên tại tất cả các cơ sở y tế, góp phần hiệu quả trong công tác phòng, chống dịch, giúp giảm rõ rệt ca mắc bệnh, nhập viện, nặng và tử vong. Mặc dù số ca mắc và tử vong do COVID-19 trên cả nước hiện nay đã có xu hướng giảm rõ rệt nhưng các địa phương vẫn tiếp tục ghi nhận những trường hợp phải điều trị tại bệnh viện do tình trạng mắc bệnh nặng và vẫn ghi nhận các ca tử vong do COVID-19; nhiều người phải điều trị những biến chứng hậu COVID-19.
Trong thời gian qua, ngành Y tế các cấp đang nỗ lực, cố gắng hoàn thành mục tiêu triển khai tiêm nhắc lần 1 (mũi 3) đồng thời với triển khai tiêm nhắc lần 2 (mũi 4) từ tháng 5/2022 theo chỉ đạo của Chính phủ. Tại các điểm tiêm chủng luôn đảm bảo tính sẵn có của vaccine COVID-19. Ngành Y tế tại các địa phương đã nỗ lực đưa vaccine đến gần với người dân.
Người đi tiêm chủng có thể tiếp cận vaccine ở các điểm tiêm chủng tại trạm y tế, các điểm tiêm chủng lưu động (tại trường học, nhà máy, thôn bản…) và tiêm chủng tại nhà để đảm bảo độ bao phủ mũi tiêm nhắc lại (mũi 3, mũi 4) vaccine phòng COVID-19. Có những điểm tiêm chủng mở 24/7 thuận tiện cho người dân đến tiêm chủng, nhất là khi người dân đã quay trở lại đi làm, đi học. Đồng thời, ngành Y tế và chính quyền các cấp cũng đã nỗ lực truyền thông vận động người dân đi tiêm chủng mũi nhắc lại.
Tuy nhiên, song song với việc Việt Nam kiểm soát tốt sự lây lan dịch bệnh, cuộc sống người dân trở lại bình thường, hiện nay, đã xuất hiện tâm lý chủ quan, từ chối không đi tiêm vaccine tại nhiều địa phương. Nhiều người dân đã mắc COVID-19 không đồng ý tiêm các mũi vaccine tiếp theo do nghĩ đã được miễn dịch bảo vệ, cho rằng liều bổ sung, liều nhắc lại là không cần thiết.
Bên cạnh đó, cả nước có hơn 15 triệu người (khoảng 22,3%) đã tiêm mũi bổ sung vaccine phòng COVID-19, nhiều người trong số này không muốn tiêm mũi nhắc tiếp theo. Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, liều tiêm bổ sung thuộc liều tiêm cơ bản và không phải là liều tiêm nhắc.
Đối với trẻ từ 12 đến 17 tuổi, ngày 17/6, Bộ Y tế có hướng dẫn triển khai tiêm nhắc vaccine phòng COVID-19 mũi 3 cho trẻ em 12 đến 17 tuổi. Tiếp theo, tại Công văn 3309/BYT-DP ngày 23/6, Bộ Y tế hướng dẫn chi tiết về tiêm liều nhắc lại (mũi 3) vaccine phòng COVID-19 cho nhóm tuổi này.
Theo đó, tiêm nhắc mũi 3 cho trẻ từ 12 tuổi đến 17 tuổi đã tiêm đủ liều cơ bản (Mũi 1 và Mũi 2) bằng vaccine Pfizer đã được Bộ Y tế phê duyệt sử dụng cho lứa tuổi này, với liều 0,3 ml tương tự liều cơ bản của người từ 12 tuổi trở lên. Mũi nhắc (mũi 3) được tiêm ít nhất là 5 tháng sau mũi cuối cùng của liều cơ bản (Mũi 2). Nếu người trong độ tuổi từ 12 đến 17 tuổi đã mắc COVID-19 thì sẽ tiêm mũi nhắc (mũi 3) sau khi mắc COVID-19 là 3 tháng và đảm bảo khoảng cách với mũi cuối cùng của liều cơ bản ít nhất 5 tháng.
Các địa phương đang xây dựng kế hoạch và chuẩn bị các điều kiện cần thiết để sớm triển khai tiêm chủng mũi 3 (mũi nhắc lại) vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 12 đến 17 tuổi. Một số địa phương đã bắt đầu triển khai kế hoạch tiêm trong tuần vừa qua, toàn quốc có hơn 160.000 trẻ trong độ tuổi này được tiêm mũi 3 an toàn.
Công tác đảm bảo an toàn tiêm chủng luôn được ưu tiên tại tất cả các cơ sở y tế. Phản ứng sau tiêm mũi 3 ghi nhận được chủ yếu là các phản ứng thông thường như sưng đau tại chỗ tiêm, sốt, ớn lạnh, đau đầu, đau cơ, đau khớp, mệt mỏi... tương tự như sau tiêm 2 mũi cơ bản. Phản ứng nặng sau tiêm chủng mũi 3 rất thấp, được ghi nhận với tỷ lệ khoảng 3 trường hợp trong 10 triệu mũi tiêm.
Về tình hình triển khai tiêm nhắc lần 2 (mũi 4), cập nhật đến ngày 23/6, số người đã tiêm nhắc lần 2 - mũi 4 trên toàn quốc là hơn 2,8 triệu người, đảm bảo an toàn tiêm chủng.
Để bảo vệ sức khỏe của mình, của gia đình và cộng đồng trước nguy cơ dịch COVID-19 bùng phát trở lại, Bộ Y tế khuyến cáo người dân tích cực ủng hộ và chủ động đi tiêm nhắc lại các mũi vaccine phòng COVID-19.
Theo vtv.vn
Tin cùng chuyên mục
- Thành phố: Tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ y tế tuyến cơ sở về cải thiện chăm sóc dinh dưỡng 11.10.2024 | 16:11 PM
- Bảo đảm an toàn thực phẩm tại bếp ăn các cơ sở khám chữa bệnh 18.09.2024 | 16:23 PM
- Nỗi lo an toàn vệ sinh thực phẩm mùa hè 31.05.2024 | 17:07 PM
- Đông Hưng: Thi tìm hiểu kiến thức về phòng, chống tác hại của thuốc lá trong trường học năm 2023 28.10.2023 | 18:42 PM
- Chủ động rà soát, phát hiện, xử lý kịp thời các bệnh truyền nhiễm không để dịch chồng dịch 16.03.2023 | 19:31 PM
- Tình hình dịch Covid-19 tuần qua 05.03.2023 | 20:43 PM
- Tình hình dịch Covid-19 đến ngày 11/2 11.02.2023 | 22:46 PM
- Truyền thông nha học đường "Chăm sóc sức khỏe răng, miệng" cho học sinh 31.10.2022 | 16:03 PM
- Tình hình dịch Covid-19 đến ngày 21/7 21.07.2022 | 18:41 PM
- Tình hình dịch Covid-19 đến ngày 21/5 21.05.2022 | 21:46 PM
Xem tin theo ngày
- Nhân lên truyền thống “tôn sư, trọng đạo”
- Đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam
- Các đồng chí lãnh đạo tỉnh chúc mừng cán bộ làm công tác mặt trận nhân ngày truyền thống MTTQ Việt Nam
- Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội làm việc tại tỉnh Thái Bình
- Đồng chí Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội: Dự ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc tại thôn Cam Hòa
- Kỳ họp HĐND tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2021 - 2026 để giải quyết công việc phát sinh đột xuất
- Họp Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh
- Khai mạc hội diễn nghệ thuật quần chúng Hội tụ sông Hồng
- Thường trực HĐND tỉnh: Thông qua kết quả thẩm tra một số tờ trình
- Dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh và các anh hùng liệt sĩ