Thứ 5, 14/11/2024, 23:35[GMT+7]

Phòng, chống bệnh đậu mùa khỉ

Thứ 6, 10/11/2023 | 09:09:52
3,222 lượt xem
Hiện nay, Việt Nam đã ghi nhận nhiều ca bệnh đậu mùa khỉ. Trước sự xuất hiện của các ca bệnh tại một số tỉnh, thành phố, ngành y tế Thái Bình đã có văn bản đề nghị các cơ quan, đơn vị triển khai nhiều giải pháp để phòng, chống bệnh đậu mùa khỉ trong tình hình mới.

Cán bộ Trạm Y tế xã An Ninh (Tiền Hải) tuyên truyền, hướng dẫn người dân phòng, chống một số bệnh truyền nhiễm.

Tính từ đầu năm 2022 đến ngày 31/10, Việt Nam đã ghi nhận 56 trường hợp nhiễm bệnh đậu mùa khỉ. Các trường hợp bệnh được ghi nhận tại các tỉnh, thành phố như: Thành phố Hồ Chí Minh, Lâm Đồng, Long An, Bình Dương, Đồng Nai, Tây Ninh, Cần Thơ, trong đó có 1 trường hợp tại Thành phố Hồ Chí Minh đã tử vong. Qua thống kê, hầu hết các ca bệnh đều là nam, có xu hướng tình dục đồng tính nam. Ngành y tế nhận định đây là dịch bệnh mới được ghi nhận ở nước ta. Mầm bệnh đã có sự xâm nhập trong cộng đồng nên thời gian tới có thể tiếp tục ghi nhận thêm các ca bệnh mới, nhất là ở thành phố lớn.

Bác sĩ Đặng Quang Huy, Trưởng khoa Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh chia sẻ: Tác nhân gây bệnh đậu mùa khỉ là do Monkeypox virus gây ra. Hiện có nhánh virus chính ở Trung Phi và Tây Phi, trong đó nhánh Trung Phi thường gây bệnh nặng hơn và có khả năng lây lan nhanh hơn. Bệnh lây truyền từ người sang người khi tiếp xúc trực tiếp gần, vết thương hở, dịch cơ thể, ban vảy trên da bệnh nhân, giọt bắn đường hô hấp, quan hệ tình dục; tiếp xúc gián tiếp qua đồ dùng mang mầm bệnh; lây từ mẹ sang con qua nhau thai, tiếp xúc gần khi sinh. Đường lây từ động vật sang người là do bị động vật nhiễm bệnh cào cắn; chạm vào sản phẩm của động vật bị bệnh. Những trường hợp dễ biến chứng, tử vong cao như trẻ em, nhất là trẻ dưới 8 tuổi, phụ nữ mang thai hoặc đang cho con bú; người suy giảm miễn dịch; người có tiền sử hoặc đang bị viêm da mủ, bỏng, zona... Giai đoạn ủ bệnh từ 6 - 13 ngày, giai đoạn khởi phát từ 0 - 5 ngày với các triệu chứng sốt, đau đầu dữ dội, đau lưng cơ, suy nhược; giai đoạn toàn phát từ 1 - 3 ngày, ở giai đoạn này người bệnh nổi mụn lòng bàn tay, chân và có màng nhầy miệng. Tại Việt Nam, bệnh được xếp vào các bệnh truyền nhiễm nhóm B.

Ông Phạm Nam Thái, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết: Nhằm tăng cường công tác giám sát, phát hiện, phòng, chống dịch bệnh đậu mùa khỉ, Sở Y tế đã có văn bản đề nghị các địa phương, đơn vị y tế tiếp tục triển khai các văn bản của trung ương, ngành y tế về việc tăng cường công tác phòng, chống bệnh đậu mùa khỉ; đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức để người dân nắm được các biện pháp phòng dịch theo khuyến cáo của Bộ Y tế; thực hiện nghiêm giám sát dịch bệnh tại cửa khẩu, người nhập cảnh từ nước ngoài về tỉnh, chú trọng trường hợp có yếu tố dịch tễ hoặc triệu chứng liên quan đến dịch bệnh đậu mùa khỉ. Bên cạnh đó, các địa phương, đơn vị cần chủ động xây dựng kế hoạch, có phương án, kịch bản đáp ứng với các tình huống khi dịch bệnh xảy ra, đồng thời chuẩn bị sẵn sàng trang thiết bị, vật tư y tế, nhân lực...

Riêng đối với các cơ sở y tế, ngành y tế đề nghị tăng cường giám sát tại đơn vị và dựa vào sự kiện tại cộng đồng để phát hiện sớm, ngăn chặn dịch bệnh kịp thời; tổ chức tập huấn cho cán bộ y tế các tuyến về cách phát hiện ca bệnh, xử lý khi gặp các trường hợp nghi ngờ. Khi có các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh phối hợp với các đơn vị y tế lấy mẫu xét nghiệm, liên hệ và gửi Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương để xét nghiệm, chẩn đoán. Trong trường hợp nghi ngờ bệnh hoặc xác định, cần khẩn trương thực hiện điều tra kỹ tất cả các trường hợp tiếp xúc với ca dương tính với đậu mùa khỉ để xác định nguồn lây nhiễm; quản lý, xử lý kịp thời ổ dịch không để dịch lây lan rộng ra cộng đồng... Nâng cao ý thức phòng, chống dịch, mỗi người dân cần chủ động thông tin với cơ sở y tế nếu tiếp xúc với người mắc bệnh; chủ động khai báo với các cơ quan y tế khi có triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh.

Nhân viên y tế phun khử khuẩn phòng, chống bệnh truyền nhiễm.

Hoàng Lanh