Thứ 7, 23/11/2024, 14:03[GMT+7]

Xây dựng nông thôn mới tại Hải Phòng: Cách làm riêng, hiệu quả cao, người dân hưởng lợi

Thứ 4, 23/06/2021 | 20:22:42
1,128 lượt xem
Năm 2016, sau Đại hội Đảng bộ thành phố Hải Phòng lần thứ XV, khi thành phố đặt mục tiêu 100% xã hoàn thành xây dựng nông thôn mới trong năm 2020, có rất nhiều ý kiến hoài nghi, thiếu tin tưởng. Thế mà, Hải Phòng đã nói được làm được, không những thế còn về trước mục tiêu một năm khi từ năm 2019, 139/139 xã hoàn thành xây dựng nông thôn mới; 3 huyện cơ bản hoàn thành các tiêu chí của huyện nông thôn mới và từ năm 2020 đã bắt tay xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu.

Khơi dậy nguồn lực mạnh mẽ trong nhân dân

Ở thời điểm năm 2016, nhiều người nghi ngờ bởi mục tiêu của Hải Phòng quá cao. Lúc đó, dù rất cố gắng, Hải Phòng mới chỉ có vài xã hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới, chưa nói tới cấp huyện. Mong ước thì nhiều, nhưng nguồn lực lại có hạn đã trở thành lực cản đáng sợ. Nhưng cũng chính “cái khó ló cái khôn”, Thành ủy Hải Phòng họp bàn, xác định rõ nút thắt chính trong xây dựng nông thôn mới và tìm cách tháo gỡ. Đó là khơi dậy nguồn lực vật chất và tinh thần trong nhân dân để xây dựng nông thôn mới. Biện pháp này không mới, các tỉnh, thành phố bạn đều áp dụng, nhưng Hải Phòng lại có cách làm riêng, đặc biệt và hiệu quả đến thật không ngờ.

Theo đồng chí Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch UBND thành phố, để đạt được mục tiêu, Hải Phòng đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất và xây dựng nông thôn mới (NTM) theo cách riêng. Tiêu biểu là quy định mức hỗ trợ cụ thể cho mỗi xã về đích NTM, từ 22 tỷ đến 25 tỷ đồng/xã và phân cấp cho cấp huyện, xã chủ động quyết định thực hiện các công trình, dự án; hỗ trợ 100% xi măng, nhân dân lo kinh phí mua các vật tư khác và tự tổ chức làm đường giao thông nội đồng, thôn xóm.

Nhờ vậy, chỉ trong 5 năm, tổng nguồn lực xây dựng NTM của Hải Phòng lên tới 40.396 tỷ đồng, gấp 2,5 lần giai đoạn 2010-2015, trong đó xã hội hóa tới hơn 50%. Đặc biệt, phong trào làm đường giao thông nông thôn theo cơ chế thành phố hỗ trợ xi măng, người dân đóng góp vật tư, công sức để thực hiện. Suốt mấy năm liền, thôn, xóm, làng, xã náo nức, dồn dập đăng ký xi măng và huy động toàn thể các hộ dân cùng tham gia; các huyện thi đua, các xã thi đua, làng trên xóm dưới bảo nhau góp sức, góp công cùng thành phố để không thôn nào, xóm nào bị tụt hậu.

Kết quả thật không ngờ, thành phố chỉ phải bỏ ra chưa đầy 1.000 tỷ đồng hỗ trợ xi măng nhưng các địa phương huy động xã hội hóa 3.000- 4.000 tỷ đồng và làm nên được hơn 5.000km đường thôn xóm, đường nội đồng. Như vậy, tổng kinh phí bỏ ra cho 5.000km đường này chỉ khoảng hơn 4.000 tỷ đồng, trong khi theo định mức của Bộ Giao thông và Vận tải, Bộ Xây dựng cần khoảng hơn 12.000 tỷ đồng, lợi ích nhìn thấy rõ. Đường giao thông thực sự là mấu chốt - yếu tố quan trọng để từ đó tạo ra những thay đổi toàn diện về các cơ sở hạ tầng khác ở nông thôn như trụ sở làm việc, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa... Bây giờ, có thể đánh ô tô, đi xe máy ra tận ruộng. Cũng như vậy, ô tô vào tận sân nhà hoặc chí ít cũng đỗ sát ngõ tại hầu hết các nhà dân ở nông thôn. Biệt thự, nhà nhiều tầng liên tiếp mọc lên. Nhiều khu dân cư làng đẹp hơn phố, hoạt động thương mại, dịch vụ diễn ra sôi động.

Khi đường đi lối lại thuận tiện, hàng hóa, nông sản của bà con nông dân được các thương lái đánh xe về tận nơi thu mua hoặc chuyên chở về nhà, đi tiêu thụ bằng các phương tiện thuận lợi. Đây cũng là cơ sở quan trọng cho việc áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp. Tỷ lệ làm đất bằng máy tại Hải Phòng hiện đạt 100%. 100% khối lượng lúa được ra hạt và xay bằng máy. 64% diện tích gieo trồng được tưới tiêu chủ động. Đặc biệt, hệ thống giao thông là một trong những yếu tố quan trọng nhất để nhiều doanh nghiệp quyết định đầu tư vào sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, các khu sản xuất tập trung tại Hải Phòng.

Với cách làm đó, tính đến hết năm 2019, 100% số xã của Hải Phòng cơ bản đạt chuẩn nông thôn mới, vượt trước một năm so với kế hoạch của thành phố và chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao, cao hơn bình quân chung cả nước, khu vực Đồng bằng sông Hồng và các tỉnh duyên hải Bắc bộ. Năm 2020, huyện Cát Hải được công nhận là huyện NTM; hai huyện An Dương và Kiến Thụy chuẩn bị hoàn thành; các huyện còn lại đang được đẩy nhanh tốc độ xây dựng huyện NTM.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khi về thăm và làm việc tại Hải Phòng với cương vị Thủ tướng Chính phủ khẳng định: Hải Phòng rất quyết liệt, quyết đoán, có nhiều biện pháp, cách làm hay, táo bạo, hiệu quả thực chất; huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, trong đó người dân là chủ thể, tham gia rất tích cực và tự nguyện. Bởi vậy, Hải Phòng tuy đi sau nhưng kết quả đạt được lại vượt trội, cả về số xã, số huyện đạt các tiêu chí NTM; một số chỉ tiêu đạt cao hơn như đường giao thông nông thôn; tỷ lệ đất nông nghiệp được tưới tiêu chủ động… Chương trình xây dựng NTM mới của Hải Phòng là hình mẫu của cả nước, tạo ra sự gắn kết, liên kết chặt chẽ giữa đô thị, Cảng biển hiện đại với nông thôn. Nông thôn Hải Phòng thực sự đổi thay. Niềm tin của 55% dân số hiện đang sinh sống ở nông thôn được nâng lên.

Nhiều hộ dân tại Hải Phòng đem hoa trồng bên bờ kênh tạo cảnh quan

Kiểu mẫu theo tiêu chí đô thị

Sau khi 139/139 xã đã hoàn thành xây dựng NTM, thành phố quyết định lựa chọn 8 xã để tập trung đầu tư xây dựng xã NTM kiểu mẫu, hoàn thành trong năm 2021. Đó là xã Tân Liên (Vĩnh Bảo); xã Kiến Thiết (Tiên Lãng); xã Thụy Hương (Kiến Thụy); xã Tân Dân (An Lão); xã Đồng Thái (An Dương); xã Gia Minh, xã Gia Đức (Thủy Nguyên); xã Xuân Đám (Cát Hải). Đồng thời bố trí tới 1.083 tỷ đồng vốn ngân sách để hỗ trợ xây dựng các xã NTM kiểu mẫu.

Đáng chú ý, chương trình xây dựng xã NTM kiểu mẫu nhận được sự đồng thuận rất cao của nhân dân, thực sự là công trình của dân, do dân, vì dân nên nhân dân tự nguyện đóng góp và tham gia. Chỉ tính riêng 38 công trình của 8 xã NTM kiểu mẫu đã hoàn thành, có tới 939 hộ dân hiến 32.568m2 đất gồm 12.423m2 đất ở; 20.145m2 đất nông nghiệp; giải tỏa vật kiến trúc 726 hộ… Cùng với nguồn lực của thành phố và các nguồn lực xã hội khác, các xã NTM kiểu mẫu mang một diện mạo khác hẳn, không khác gì đô thị hiện đại. Về các xã NTM kiểu mẫu, đi trên những con đường thênh thang rộng 3,5 - 5,5 -7 - 9 m, có nơi lên tới 12m, có vỉa hè hai bên; có hệ thống điện chiếu sáng, ai cũng cảm thấy lâng lâng tự hào. Từ đây, điều kiện sống của nhân dân được nâng cao; giá trị đất đai tăng vọt; việc phát triển kinh tế, văn hóa của người dân cũng có nhiều thuận lợi hơn; thu nhập tăng cao…

Tuyến đường đôi chạy giữa ruộng lúa vùng ngoại thành của Hải Phòng

Năm 2021, Hải Phòng lựa chọn chủ đề năm là “Đẩy mạnh chỉnh trang, hiện đại hóa đô thị - Xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu”. Theo đó, thành phố tập trung chỉ đạo hoàn thành 8 xã thí điểm xây dựng xã NTM kiểu mẫu và chọn 14 xã khác để thực hiện chương trình. Cụ thể, huyện Thủy Nguyên có 5 xã bao gồm Kênh Giang, Liên Khê, Lưu Kiếm, Thủy Đường, Hòa Bình. Huyện An Dương có 3 xã gồm Quốc Tuấn, An Hòa, Đặng Cương. Các huyện còn lại như Vĩnh Bảo có Tam Đa, Hòa Bình; Tiên Lãng có Cấp Tiến, Tiên Thắng; Kiến Thụy có xã Thanh Sơn; An Lão có xã Chiến Thắng…

Điều người dân rất quan tâm và đánh giá cao là thành phố đã ưu tiên dành nguồn lực tập trung để xây dựng các xã NTM kiểu mẫu. Theo đó, 14 xã sẽ được đầu tư khoảng 2.500 tỷ đồng, bình quân mỗi xã 180 tỷ đồng. Tuy nhiên, có xã được bố trí nhiều hơn tùy theo địa bàn như Liên Khê được đầu tư 260 tỷ đồng; xã Hòa Bình 190 tỷ đồng. Đáng chú ý, nguyên tắc, quan điểm cơ bản được thành phố đề ra là các công trình tại các xã nông thôn mới kiểu mẫu phải tiệm cận với các tiêu chí của đô thị, đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, chăm lo thiết thực tới cuộc sống của hàng triệu người dân nông thôn. Hải Phòng đang vươn tới mục tiêu: năm 2025, có 100% xã NTM kiểu mẫu. Mục tiêu cao nhưng với cách làm đúng đắn, sáng tạo, quyết tâm, quyết liệt, chắc chắn Hải Phòng sẽ hoàn thành và hoàn thành vượt mức, về trước thời gian./.

Theo nguoilambao.vn