Chủ nhật, 10/11/2024, 09:24[GMT+7]

Áp dụng các biện pháp mạnh mẽ hiệu quả để chấm dứt dịch bệnh

Thứ 4, 07/07/2021 | 07:58:09
1,027 lượt xem
Nhận định diễn biến tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn TP Hồ Chí Minh phức tạp, khó lường và khả năng tiếp tục tăng trong những ngày tới; phạm vi không chỉ trong TP Hồ Chí Minh mà lan rộng ra các tỉnh thành lân cận, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng Thành phố cần áp dụng các biện pháp mạnh mẽ, triệt để, hiệu quả hơn để cắt đứt các chuỗi lây nhiễm, chấm dứt hẳn dịch bệnh.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam họp trực tuyến với TP Hồ Chí MInh về phòng, chống dịch COVID-19. Ảnh - VGP.

Ngày 6/7/2021, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP Hồ Chí Minh tổ chức họp giao ban trực tuyến về tình hình dịch bệnh diễn ra trên địa bàn. Đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên chủ trì cuộc họp. Đặc biệt, buổi giao ban trực tuyến còn có sự tham dự của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19, cùng lãnh đạo nhiều bộ, ngành tại đầu cầu Chính phủ.

Nhận định diễn biến tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn TP Hồ Chí Minh phức tạp, khó lường và khả năng tiếp tục tăng trong những ngày tới; phạm vi không chỉ trong TP Hồ Chí Minh mà lan rộng ra các tỉnh thành lân cận, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng Thành phố cần áp dụng các biện pháp mạnh mẽ, triệt để, hiệu quả hơn để cắt đứt các chuỗi lây nhiễm, chấm dứt hẳn dịch bệnh.

Theo Phó Thủ tướng, hệ thống máy móc xét nghiệm trên địa bàn Thành phố không thiếu, nhưng cần có phương án lấy mẫu xét nghiệm mới, đảm bảo việc xét nghiệm tiết kiệm, lấy mẫu đến đâu xét nghiệm đến đó. Cùng đó, kết hợp xét nghiệm nhanh kháng nguyên với xét nghiệm PCR để đẩy nhanh tiến độ.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị Thành phố cần thực hiện nghiêm việc hạn chế tụ tập đông người, không đảm bảo giữ khoảng cách. Bên cạnh đó, khẩn trương thống nhất với các địa phương lân cận về phương án đi lại cho người dân các khu vực giáp ranh phải di chuyển, làm việc hàng ngày giữa hai địa phương. Đồng thời, hoàn thiện cơ chế đối với người điều khiển phương tiện ra vào TP, đảm bảo việc lưu thông hàng hóa, duy trì sản xuất kinh doanh.

Trên tinh thần không để người dân gặp khó khăn kéo dài do dịch bệnh, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam bày tỏ sự đồng tình với TP Hồ Chí Minh về gói hỗ trợ thứ 2 đối với người dân bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 mà Thành phố đang triển khai.

Phát biểu tại cuộc họp, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên cho rằng, số trường hợp F0 phát hiện mới ngoài cộng đồng hiện nay còn quá lớn là yếu tố nguy cơ và gây khó khăn cho quá trình khống chế dịch bệnh của Thành phố.

Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên ghi nhận một số công tác trong phòng chống dịch mà Thành phố đã làm tốt trong thời gian qua, như: các Doanh nghiệp tại KCN, KCX đã chủ động trong kế hoạch phòng chống dịch từ xa, tổ chức tốt việc cho công nhân vừa làm việc vừa cách ly tại chỗ, đảm bảo sản xuất kinh doanh trong điều kiện an toàn phòng chống dịch. Việc thành lập Trung tâm Điều hành xét nghiệm COVID-19 có thể đảm bảo công tác xét nghiệm tầm soát, giúp cho truy vết nhanh đạt hiệu quả…

Tuy nhiên, để công tác phòng chống dịch được hiệu quả hơn, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên cho rằng Thành phố cần quyết liệt thực hiện các giải pháp sau:

1. Tăng cường công tác tầm soát xét nghiệm, tập trung cho việc lấy mẫu đồng bộ với năng lực xét nghiệm, đáp ứng yêu cầu truy vết nhanh, thần tốc.

2. Đẩy nhanh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong giám sát, quản lý cách ly tại nhà, chú trọng vào việc phát triển các tính năng để phù hợp với từng khâu của công tác phòng chống dịch. Nêu cao tinh thần cùng học tập và chia sẻ kinh nghiệm ứng dụng công nghệ thông tin giữa các địa phương.

3. Huy động và tiếp tục phát huy lực lượng cơ sở, góp phần hỗ trợ lực lượng tuyến đầu chống dịch.

4. Tăng cường kiểm tra, giám sát những nơi trọng điểm như chợ đầu mối, KCX-KCN, KCNC, khu nhà trọ… Mạnh dạn đưa ra các biện pháp xử lý nghiêm với các trường hợp vi phạm.

5. Tập trung nâng cao và đẩy mạnh các giải pháp mà Thành phố đang thực hiện trong công tác phòng chống dịch. Trong đó, Thông điệp 5K và Vắc xin là những giải pháp cần chú trọng hàng đầu.

6. Thiết bị và phương tiện xét nghiệm COVID-19 hiện đã đầy đủ. Sở Y tế cần có phương án tiếp nhận và bàn giao cụ thể cho đơn vị sử dụng đảm bảo hiệu quả.

7. Sở Thông tin và Truyền thông cần tập trung hơn nữa để có thể ứng dụng công nghệ thông tin trong các khâu phòng chống dịch của Thành phố, trong đó có giám sát, quản lý cách ly tại nhà.

8. Thành phố đang tập trung cao nhất có thể để có nguồn vắc xin COVID-19 cho người dân. Ngành Y tế cần chuẩn bị sẵn lực lượng và xây dựng kế hoạch để tổ chức tiêm vắc xin đảm bảo an toàn, trật tự trong thời gian tới.

9. Về việc hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng do dịch COVID-19, Sở Lao động Thương binh và Xã hội cần phối hợp với các quận, huyện, TP Thủ Đức thực hiện công khai và đẩy nhanh công tác triển khai, kịp thời hỗ trợ cho người dân.

10. Về việc tổ chức thi tốt nghiệp THPT, để đảm bảo kỳ thi diễn ra an toàn, Thường vụ các quận, huyện, TP Thủ Đức cần tập trung chỉ đạo, kiểm tra các điểm thi, nếu nơi nào còn chưa thực sự đảm bảo cần dừng. Bên cạnh đó, Công an Thành phố cần tăng cường lực lượng hỗ trợ, đảm bảo quy định giãn cách tại các khu vực xung quanh điểm thi.

Trước đó, báo cáo của Sở Y tế Thành phố cho biết, từ ngày 27/4 đến 18g00 ngày 06/7, trên địa bàn Thành phố có 6.994 ca nhiễm trong cộng đồng được Bộ Y tế công bố. Đã có 673 trường hợp điều trị khỏi, chiếm tỷ lệ 9,62%.

Về việc tiêm vắc xin COVID-19, qua 4 đợt tiêm, tổng số lượt người đã được tiêm là 985.077, trong đó có 943.215 mũi 1 và 41.862 mũi 2.

Theo: dangcongsan.vn

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày