Liên kết - Hướng đi hiệu quả cho nông nghiệp
Thái Bình là tỉnh có nhiều tiềm năng, lợi thế về phát triển ngành Nông nghiệp. Diện tích đất nông nghiệp 93.000ha, trong đó đất trồng lúa 78.470 ha (84,38%) chủ yếu được bồi đắp phù sa bởi hai hệ thống sông lớn là sông Hồng và sông Thái Bình, thuận lợi cho cấy lúa và các loại cây trồng khác, đặc biệt là theo hướng thâm canh và phát triển nông nghiệp công nghệ cao.
Một trong những thành tựu nổi bật trong lĩnh vực kinh tế của Thái Bình trong những năm qua, đó là khẳng định được vị trí là vựa lúa của khu vực đồng bằng sông Hồng. Năng suất lúa của Thái Bình trong nhóm cao nhất của cả nước, bình quân trên 13 tấn/ha/năm; sản lượng lương thực quy thóc đạt trên 1 triệu tấn/ năm, nhu cầu sử dụng của người dân trong tỉnh khoảng 35-40%, dư thừa khoảng 600 ngàn tấn/năm; đất chuyên trồng rau màu 8.095 ha, với 3-4 vụ/năm, cùng với diện tích cây vụ đông, đạt khoảng 45.000 ha trồng rau màu, sản lượng 910.000 tấn/năm, tiêu thụ ra ngoài tỉnh khoảng 80%. Thái Bình đã xác định tập trung phát triển sản phẩm chủ lực lúa gạo, trong đó việc liên kết gắn với tiêu thụ được đặc biệt quan tâm.
Thời gian qua, toàn tỉnh đã hình thành trên 100 cánh đồng lớn sản xuất lúa tập trung với quy mô từ vài chục đến hàng trăm ha/1 cánh đồng ở trên 115 xã với tổng diện tích gần 7.000ha/vụ, trong đó diện tích được ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với các doanh nghiệp đạt khoảng 4.000ha, chiếm khoảng 5% diện tích trồng lúa. Toàn tỉnh hiện có 12 doanh nghiệp thực hiện liên lết sản xuất và tiêu thụ lúa, tiêu biểu như : Công ty Cổ phần Tập đoàn ThaiBinh Seed, Công ty Cổ phần Giống cây trồng Trung ương, Công ty TNHH Đầu tư phát triển An Đình, Công ty TNHH Hưng Cúc...Trong đó, liên kết sản xuất lúa giống với diện tích từ 1.500 đến 1.600 ha/vụ ở 25 xã, liên kết lúa thương phẩm diện tích từ 5.000 đến 6.000 ha/vụ ở 90 xã. Các doanh nghiệp có thể trực tiếp liên kết với nông dân hoặc thông qua các HTX nông nghiệp tiêu thụ sản phẩm, nhiều mô hình mang lại hiệu quả cao, bền vững qua nhiều năm.
Một trong những mô hình tiêu biểu về liên kết giữa HTX với doanh nghiệp để bao tiêu sản phẩm cho hộ nông dân phải kể đến HTX Bình Định ( Kiến Xương). Từ năm 2008, HTX đã chủ động liên kết với Công ty Cổ phần Tập đoàn ThaiBinh Seed sản xuất gần 200ha lúa giống theo phương thức liên kết, doanh nghiệp cung cấp giống lúa trả chậm để nông dân sản xuất theo quy trình. Cuối vụ, doanh nghiệp thu mua sản phẩm cho nông dân. Kết quả cho thấy, từ 15ha ban đầu, đến nay xã Bình Định đã quy hoạch được 6 vùng cánh đồng mẫu lớn với diện tích 310ha, thu hút gần 2.000 hộ tham gia sản xuất. Năng suất lúa cả năm đạt 135,2 tạ/ha, tổng sản lượng lúa đạt 7.435 tấn, đạt giá trị trên 80 tỷ đồng đã đem lại giá trị cao gấp 1,3 lần so với giá lúa thường. Nhờ vai trò dẫn dắt, hợp tác, liên kết của HTX giữa doanh nghiệp với nông dân, kinh tế nông nghiệp của xã phát triển, đến nay xã đã đạt được 11/11 tiêu chí về nông thôn mới nâng cao. Năm 2020 thu nhập bình quân ước đạt gần 55 triệu đồng/ người.
Cùng với mô hình liên kết ở xã Bình Định, Thái Bình còn nhiều mô hình liên kết tiêu biểu như: các vùng cánh đồng lớn sản xuất lúa giống diện tích từ 100 đến 200ha/ vùng của HTX Nông nghiệp Đông Quý, huyện Tiền Hải, HTX Nông nghiệp An Mỹ, An Thanh, huyện Quỳnh Phụ liên kết với Công ty Cổ phần Tổng công ty Giống cây trồng Thái Bình; vùng sản xuất lúa gống diện tích 65ha của HTX Thái Thọ, huyện Thái Thụy liên kết với Công ty Cổ phần Giống cây trồng Trung ương.
Tuy mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp của tỉnh đã đạt được những thành công nhất định trong những năm qua, song vẫn còn những vấn đề cần tháo gỡ nút thắt đó là hợp đồng tiêu thụ nông sản còn thiếu chế tài nên nhiều khi doanh nghiệp sau khi đầu tư đã không thể có được sản phẩm theo hợp đồng vì giá thu mua của doanh nghiệp có thể chênh lệch với giá thương lái nên dẫn đến tình trạng nông dân phá vỡ hợp đồng. Trình độ không đều của người nông dân trong sản xuất nên ứng dụng cơ giới hóa các khâu làm đất, thu hoạch và nhất là việc tổ chức liên kết để cùng sản xuất giống đại trà, tuân thủ quy trình kỹ thuật trong sản xuất đang còn gặp khó khăn. Hợp tác xã chưa làm tốt vai trò kết nối giữa doanh nghiệp và hộ nông dân nên mô hình liên kết đang có con số còn ít và quy mô nhỏ.
Vì vậy, để phát triển liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trong thời gian tới tỉnh cần tiếp tục rà soát và thực hiện tốt các cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhằm khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư vào nông nghiệp và tham gia liên kết. Bên cạnh đó, cần phải quy hoạch các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, chuyên canh, đầu tư hạ tầng phục vụ sản xuất, tạo điều kiện cho việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Hỗ trợ nâng cao năng lực cho các Hợp tác xã để làm tốt vai trò trung gian liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân. Theo đó, cần có chính sách đào tạo, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ hợp tác xã về kỹ năng quản trị, xây dựng phương án sản xuất kinh doanh, kết nối thị trường. Để bảo đảm cho liên kết được phát triển và vững chắc cần phải huy động tham gia hỗ trợ của chính quyền địa phương trong quá trình liên kết cần có sự tham gia của hội nông dân xã, cán bộ thôn làm cầu nối giữa doanh nghiệp với nông dân, hoặc phối hợp chặt chẽ với chính quyền cấp xã trong việc tổ chức sản xuất và thực thi hợp đồng. Ngoài ra, hội nông dân cần đóng vai trò quan trọng trong việc hòa giải, giải quyết khi tranh chấp xảy ra. Hội nông dân cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, hướng dẫn cán bộ, hội viên nông dân về các đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với phát triển hợp tác, liên kết trong nông nghiệp.
Ths. Đinh Thị Thúy Hà
(Giảng viên Trường Chính trị Thái Bình)
Tin cùng chuyên mục
- Một số giải pháp thúc đẩy CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn ở huyện Chương Mỹ, Thành phố Hà Nội 28.10.2024 | 11:31 AM
- Đổi mới sáng tạo ở báo Đảng: Dám nghĩ, dám làm, sẽ có đột phá 21.06.2024 | 11:20 AM
- Một số vấn đề lý luận và thực tiễn CNH, HĐH nông nghiệp nông thôn ở Việt Nam hiện nay 14.11.2023 | 14:24 PM
- Trường Chính trị tỉnh Thái Bình: Nâng cao hiệu quả công tác phối hợp đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị 01.10.2023 | 11:20 AM
- Xây vững “cội nguồn, gốc rễ” của Đảng 02.09.2023 | 08:24 AM
- Vận dụng chỉ dẫn của Hồ Chí Minh về sở hữu và thành phần kinh tế trong tác phẩm Thường thức chính trị 04.08.2023 | 09:25 AM
- Đẩy mạnh CNH, HĐH nông nghiệp nông thôn ở Việt Nam hiện nay 12.09.2023 | 11:41 AM
- Đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế, tạo động lực mới cho tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2021-2030 24.11.2021 | 14:10 PM
- Sức hấp dẫn của tác phẩm báo chí đa phương tiện 24.12.2020 | 15:16 PM
- Giá trị của văn hóa lãnh đạo Hồ Chí Minh và xây dựng văn hóa lãnh đạo cho đội ngũ cán bộ ở tỉnh Thái Bình trong giai đoạn hiện nay 11.12.2020 | 09:35 AM
Xem tin theo ngày
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám: Quốc hội thảo luận về dự thảo nghị quyết và các dự án luật
- Tiếp tục quan tâm, hướng dẫn thành lập chi hội, tổ hội nông dân nghề nghiệp
- Quốc hội thảo luận về các dự án luật và chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy
- Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy
- Thống nhất nội dung, chương trình kỳ họp để giải quyết công việc phát sinh đột xuất và kỳ họp thứ chín, HĐND tỉnh khóa XVII nhiệm kỳ 2021 - 2026
- Họp Tiểu ban Tổng kết công tác kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh phục vụ Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2025 - 2030
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám: Quốc hội thảo luận về các dự án luật
- Giá trị, tầm vóc và ý nghĩa thời đại của Cách mạng Tháng Mười Nga bất diệt
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh dự ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc khu dân cư thôn An Cư
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám: Quốc hội thảo luận về các dự án luật