Thứ 5, 14/11/2024, 23:23[GMT+7]

Cải thiện điều kiện lao động và kiểm soát các nguy cơ rủi ro về an toàn, vệ sinh lao động

Thứ 4, 27/05/2020 | 08:41:24
4,255 lượt xem
Thời gian qua, việc thực hiện các quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) trên địa bàn tỉnh có sự chuyển biến cả về nhận thức và hành động. Điều kiện làm việc, môi trường lao động trong các doanh nghiệp từng bước được cải thiện, góp phần bảo vệ sức khỏe người lao động, hạn chế số vụ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

Công ty TNHH Creative Source Việt Nam, xã Minh Lãng (Vũ Thư) trang bị đầy đủ bảo hộ lao động cho người lao động trong quá trình làm việc.

Giảm số vụ tai nạn lao động

Theo báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, năm 2019 toàn tỉnh xảy ra 68 vụ tai nạn lao động làm 73 người bị tai nạn, bao gồm cả khu vực chính thức và khu vực phi chính thức. 10 người chết vì tai nạn lao động (trong đó, khu vực chính thức 7 người, giảm 10 người so với năm 2018; khu vực phi chính thức 3 người, tăng 1 người so với năm 2018); số vụ tai nạn lao động dẫn đến chết người 8 vụ, giảm 9 vụ so với năm 2018. Một trong những yếu tố giúp số vụ tai nạn lao động và số người chết do tai nạn lao động giảm là do các ngành chức năng và địa phương đã tăng cường phổ biến, hướng dẫn, tập huấn cho chủ sử dụng lao động, người lao động về công tác ATVSLĐ. Cùng với đó, các đoàn kiểm tra liên ngành thường xuyên thanh tra, kiểm tra tại các doanh nghiệp trọng điểm, có nhiều lao động và tiềm ẩn nguy cơ mất ATVSLĐ... giúp các doanh nghiệp và người lao động nhận thức được trách nhiệm trong thực hiện các quy định của pháp luật về ATVSLĐ.

Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH TAV (khu công nghiệp Nguyễn Đức Cảnh, thành phố Thái Bình).

Xí nghiệp gạch Nghĩa Chính thuộc Công ty Cổ phần Vật liệu xây dựng Thái Bình chuyên sản xuất vật liệu xây dựng. Ông Lại Hợp Hoài, Giám đốc Xí nghiệp cho biết: Xác định ATVSLĐ luôn gắn với sự phát triển của đơn vị và tạo sự bền vững, gắn bó, cống hiến của người lao động nên Xí nghiệp luôn chú trọng thực hiện tốt công tác này. Cụ thể, đơn vị triển khai các biện pháp cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động hàng năm; thực hiện chế độ tự kiểm tra về công tác an toàn lao động, bảo hộ lao động; thường xuyên khai báo trước khi đưa vào sử dụng các loại máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động. Người lao động đến làm việc đều được kiểm tra bảo hộ lao động, đầy đủ lao động mới được vào làm việc. Anh Vũ Trung Kiên, công nhân Xí nghiệp chia sẻ: Trong quá trình lao động, chúng tôi tuân thủ các quy định về ATVSLĐ. Trước khi làm việc kiểm tra trang thiết bị máy móc, khu vực làm việc phải an toàn mới đi vào sản xuất.

Nâng cao nhận thức về an toàn, vệ sinh lao động

Mặc dù số vụ tai nạn lao động và số người chết do tai nạn lao động giảm, tuy nhiên, việc thực hiện công tác ATVSLĐ ở một số địa phương, đơn vị và doanh nghiệp vẫn còn hạn chế, ý thức trách nhiệm của một số chính quyền địa phương, cơ sở và của người sử dụng lao động, người lao động chưa cao. Tình trạng vi phạm các quy định, tiêu chuẩn kỹ thuật ATVSLĐ, tai nạn lao động vẫn còn xảy ra, nhất là trong lĩnh vực thi công xây dựng, khai thác khí, cơ khí. Tại khu vực phi chính thức, chủ cơ sở vẫn còn thiếu kiến thức về ATVSLĐ; người lao động chủ yếu là lao động trong hộ gia đình, làm việc không theo hợp đồng lao động, chưa được huấn luyện đầy đủ về các biện pháp làm việc an toàn. Điều kiện làm việc của người lao động tại khu vực này cũng chưa bảo đảm (thiếu bảo hộ lao động), từ đó tiềm ẩn nguy cơ cao về ATVSLĐ, bệnh nghề nghiệp.

Công nhân Xí nghiệp gạch Nghĩa Chính thực hiện nghiêm các quy định về an toàn, vệ sinh lao động trong quá trình làm việc.

Để khắc phục những hạn chế trên, trong tháng ATVSLĐ năm nay với chủ đề “Đẩy mạnh cải thiện điều kiện lao động và kiểm soát các nguy cơ rủi ro về an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc”, các hoạt động tập trung hướng về doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh và người lao động. Theo ông Phí Ngọc Thành, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, năm nay Sở Lao động - Thương binh và Xã hội triển khai nhiều hoạt động, trong đó tập trung tuyên truyền sâu rộng đến các cấp, các ngành, đặc biệt là cấp cơ sở, doanh nghiệp và người lao động để người lao động và chủ sử dụng lao động nắm được các quy định của pháp luật về ATVSLĐ để thực hiện tốt hơn; tổ chức các lớp huấn luyện về ATVSLĐ, đặc biệt là những nơi có nguy cơ cao mất an toàn; hướng dẫn công nhân tự kiểm tra về công tác ATVSLĐ. Người sử dụng lao động cần tự đánh giá, kiểm tra, rà soát lại về công tác ATVSLĐ tại cơ quan, đơn vị, thường xuyên tổ chức huấn luyện theo đúng pháp luật về ATVSLĐ để người lao động có các kỹ năng cơ bản để thực hiện tốt bảo đảm an toàn cho bản thân và sự phát triển của doanh nghiệp; đồng thời, phải thực hiện nghiêm việc đăng ký kiểm định các máy móc thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ. Đặc biệt, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra để chấn chỉnh, đôn đốc các chủ doanh nghiệp củng cố, kiện toàn hội đồng bảo hộ lao động, mạng lưới an toàn viên và triển khai kế hoạch bảo hộ lao động, các biện pháp an toàn lao động, cải thiện điều kiện lao động, phòng ngừa tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp cho người lao động.

Nguyễn Cường