Thứ 7, 23/11/2024, 05:51[GMT+7]

Nâng cao chất lượng thỏa ước lao động tập thể

Thứ 3, 05/11/2024 | 09:04:24
5,499 lượt xem
Thỏa ước lao động tập thể (TƯLĐTT) là văn bản thỏa thuận giữa người sử dụng lao động và tập thể người lao động (NLĐ) về quyền lợi và nghĩa vụ của hai bên trong quan hệ lao động thông qua thương lượng tập thể. Nâng cao chất lượng TƯLĐTT là giải pháp giúp giảm thiểu và giải quyết những mâu thuẫn, bất đồng tại mỗi doanh nghiệp, xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ, góp phần vào sự phát triển của doanh nghiệp.

Sản xuất tại Công ty TNHH Tiên Phong Thái Bình.

Tạo tiếng nói chung giữa người lao động và doanh nghiệp

Công ty TNHH Tiên Phong Thái Bình, xã Hồng An (Hưng Hà) hiện có 1.680 đoàn viên, NLĐ. Xác định tầm quan trọng của việc thương lượng, ký kết TƯLĐTT, những năm qua, Ban Chấp hành Công đoàn Công ty đã phát huy tốt vai trò đại diện, chủ động thương lượng, tham mưu lãnh đạo Công ty những vấn đề liên quan đến quyền, nghĩa vụ của chủ doanh nghiệp với NLĐ. Đến nay, TƯLĐTT của Công ty đã qua 2 lần sửa đổi, bổ sung với nhiều điều khoản có lợi hơn cho đoàn viên, NLĐ như thưởng sáng kiến, chuyên cần; ngoài tiền ăn ca hàng ngày, mỗi đoàn viên, NLĐ sẽ được hỗ trợ thêm 20.000 đồng/ ngày đi làm; bố trí xe đưa đón miễn phí đoàn viên, NLĐ phải đi làm trên 8km...

Ông Lưu Quang Đông, Chủ tịch Công đoàn Công ty cho biết: Theo định kỳ, chúng tôi tổ chức lấy ý kiến của đoàn viên, NLĐ thông qua hòm thư góp ý được đặt tại các xưởng và nhà ăn, từ đó tổng hợp, trên cơ sở nghiên cứu kỹ các quy định của pháp luật liên quan đến NLĐ, thống nhất nội dung trong các ý kiến để tham mưu lãnh đạo Công ty, sửa đổi, bổ sung vào TƯLĐTT. Sau khi ký kết TƯLĐTT, chúng tôi sẽ công khai thỏa ước tới toàn thể đoàn viên, NLĐ. Hàng năm, chúng tôi đều chủ động xây dựng kế hoạch, tổ chức giám sát chặt chẽ việc thực hiện TƯLĐTT để bảo đảm quyền lợi cho đoàn viên, NLĐ. Chính điều này đã giúp NLĐ yên tâm gắn bó với doanh nghiệp.

Tại Công ty TNHH Phúc Mậu, xã Đông Phương (Đông Hưng), TƯLĐTT là giải pháp quan trọng để giải quyết tranh chấp lao động. Tháng 2/2024, hơn 1.000 NLĐ của Công ty ngừng việc tập thể 3 ngày. Lý do là NLĐ mong muốn tăng lương cơ bản và bữa ăn ca hàng ngày. Phát huy vai trò đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ, Công đoàn Công ty đã thương lượng, đàm phán thành công với lãnh đạo Công ty, điều chỉnh tăng mức lương cơ bản từ 4,2 triệu đồng lên 4,5 triệu đồng và bữa ăn ca từ 18.000 đồng lên 20.000 đồng, nhận được sự đồng tình ủng hộ của đoàn viên, NLĐ.

Bà Đặng Thị Hiền, Phó Chủ tịch Công đoàn Công ty cho biết: Qua sự việc NLĐ ngừng việc tập thể, chúng tôi rút ra được kinh nghiệm phải luôn nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, đề xuất, kiến nghị hợp pháp, chính đáng của NLĐ để từ đó tham mưu kịp thời lãnh đạo Công ty, đưa ra những điều khoản bảo đảm hài hòa lợi ích giữa hai bên. Đồng thời, thường xuyên tổ chức các buổi đối thoại với NLĐ, nâng cao chất lượng TƯLĐTT nhằm tạo sự gắn kết hơn trong quan hệ lao động, góp phần ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh của Công ty.

Có thể khẳng định, với doanh nghiệp và NLĐ, mâu thuẫn thường bắt nguồn từ những xung đột về lợi ích giữa hai bên. Do vậy, việc thương lượng, ký kết, nâng cao chất lượng TƯLĐTT sẽ giúp giải quyết kịp thời những vướng mắc, bức xúc của NLĐ, tạo tiếng nói chung thống nhất giữa NLĐ với doanh nghiệp.

Nâng cao chất lượng thỏa ước

Ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Trưởng ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đánh giá: TƯLĐTT là văn bản có giá trị pháp lý, tác dụng rất lớn trong quan hệ lao động. Một bản thỏa ước có chất lượng sẽ là công cụ quan trọng trong việc đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ và phòng ngừa, giải quyết các tranh chấp lao động xảy ra. Cùng với TƯLĐTT, đối thoại chính là phương pháp hữu hiệu tạo mối quan hệ hài hòa, ổn định giữa NLĐ và người sử dụng lao động. Qua khảo sát, nếu doanh nghiệp nào làm tốt việc đối thoại và ký kết TƯLĐTT với chất lượng tốt thì quan hệ lao động tại doanh nghiệp đó rất ổn định, không xảy ra ngừng việc tập thể.

Tỉnh Thái Bình hiện có 468 doanh nghiệp có tổ chức công đoàn, trong đó hơn 75% doanh nghiệp đã ký kết TƯLĐTT. Theo đánh giá của Liên đoàn Lao động tỉnh, đã có những TƯLĐTT được ký kết với các điều khoản có lợi hơn cho NLĐ so với quy định của pháp luật liên quan đến việc làm, thời gian làm việc, nghỉ ngơi, tiền lương, thưởng, một số chế độ đối với lao động nữ, tiền ăn ca, tổ chức tham quan, chế độ khi ốm đau, trợ cấp khó khăn, hiếu, hỷ... Từ đó, tạo được không khí dân chủ, đồng thuận, khuyến khích NLĐ yên tâm gắn bó và cống hiến cho doanh nghiệp.

Để những bản TƯLĐTT đi vào thực chất, Liên đoàn Lao động tỉnh đã hướng dẫn công đoàn cơ sở cách thức triển khai ký kết và thực hiện TƯLĐTT tại doanh nghiệp; tập huấn nâng cao kỹ năng đối thoại, thương lượng tập thể cho cán bộ công đoàn các cấp; cung cấp mẫu TƯLĐTT tiêu biểu cho công đoàn cơ sở tham khảo...

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thương lượng, ký kết TƯLĐTT tại doanh nghiệp vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: vẫn còn những TƯLĐTT mang tính hình thức, chưa đi vào thực chất, chưa đáp ứng được nguyện vọng của NLĐ. Tại một vài doanh nghiệp, NLĐ không nắm bắt được đơn vị có thỏa ước hay không, nội dung thỏa ước quy định những gì...

Ông Nguyễn Thái Dương, Phó Chủ tịch thường trực Liên đoàn Lao động tỉnh cho biết: Để khắc phục những hạn chế, nâng cao chất lượng thương lượng, ký kết TƯLĐTT, Liên đoàn Lao động tỉnh đã và đang xây dựng các chương trình, kế hoạch về TƯLĐTT; tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người sử dụng lao động và NLĐ về vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của thương lượng, ký kết và thực hiện TƯLĐTT. Đồng thời, nâng cao nhận thức, kỹ năng đối thoại, thương lượng cho đội ngũ ban chấp hành công đoàn cơ sở. Bên cạnh đó, Liên đoàn Lao động tỉnh chỉ đạo công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở chủ động phối hợp với ngành chức năng tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về lao động cũng như thương lượng, ký kết và thực hiện TƯLĐTT trong doanh nghiệp, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Công đoàn tỉnh Thái Bình lần thứ XXIV, nhiệm kỳ 2023 - 2028 và Nghị quyết số 02-NQ/ TW, ngày 12/6/2021 của Bộ Chính trị về đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới.


Thu Hoài