Thứ 2, 25/11/2024, 15:31[GMT+7]

Lạng Sơn: Cao Lộc tạo chuyển biến trong vệ sinh môi trường nông thôn

Thứ 4, 01/12/2021 | 10:57:51
756 lượt xem
Cao Lộc là huyện vùng cao, biên giới của tỉnh Lạng Sơn, với hơn 97% số dân là đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống. Những năm qua, nhờ làm tốt công tác phát triển kinh tế, gắn với xây dựng nông thôn mới, nhiều địa phương trong huyện đã từng bước vươn lên thoát nghèo.

Thu gom rác thải, vệ sinh đường vào thôn Hợp Tân, xã Gia Cát, huyện Cao Lộc (Lạng Sơn).

Chúng tôi về xã Hải Yến, huyện Cao Lộc vào những ngày đầu đông, đến với các thôn bản, ở đâu cũng thấy người dân đang khẩn trương thu hoạch lúa, ngô vụ hè thu. Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Hải Yến Hứa Xuân Dương cho biết: Là xã thuần nông, có hơn 98% số dân là đồng bào dân tộc Nùng, sinh sống ở sáu thôn, với 17 khu dân cư. Những năm 2000 trở về trước, đời sống của người dân còn nhiều khó khăn, kinh tế chậm phát triển. Thêm vào đó là ý thức vệ sinh môi trường của người dân vùng cao còn nhiều hạn chế. Vì vậy, vào năm 2010, khi bắt tay thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), Đảng bộ, chính quyền xã đã xác định tiêu chí vệ sinh môi trường là khó đạt nhất. Nhưng với quyết tâm cao, cấp ủy, chính quyền xã đã chỉ đạo, vận động tuyên truyền các tổ chức chính trị, đoàn thể, hướng dẫn về cách thực hiện từng yêu cầu của tiêu chí về vệ sinh môi trường đến từng thôn bản. Cán bộ xã trực tiếp đến dự các buổi họp thôn, tuyên truyền, vận động người dân thực hiện vệ sinh môi trường, hằng tháng kịp thời giải đáp thắc mắc, tháo gỡ khó khăn cho người dân. Đồng thời, kết hợp tuyên truyền qua hệ thống áp-phích, khẩu hiệu, loa truyền thanh; xây dựng quy chế, hương ước thôn; vận động tất cả 414 hộ dân ký cam kết bảo vệ môi trường (đạt tỷ lệ 100%), ra quân vệ sinh đường làng, ngõ xóm hai lần/tháng; vận động người dân trồng hoa, cây cảnh, hai bên đường.

Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Tòng Riền, xã Hải Yến, Long Văn Sinh chia sẻ: Thôn có 142 hộ, với 662 nhân khẩu, các hộ gia đình sống rải rác ven sườn đồi. Khi bắt tay vào thực hiện tiêu chí về môi trường, chi bộ đã đem ra bàn bạc, ra nghị quyết chuyên đề về vệ sinh môi trường, trong đó nhấn mạnh, đảng viên trong chi bộ phải gương mẫu đi đầu thực hiện, rồi tuyên truyền, vận động giải thích, phân tích rõ lợi ích lâu dài của việc vệ sinh môi trường đối với thôn bản và mỗi gia đình. Nhờ xác định đúng trọng tâm, có sự chỉ đạo sát sao từ cấp ủy, chính quyền xã, đến thôn bản cho nên các tiêu chí về vệ sinh môi trường dần được đáp ứng như: Không nhốt trâu bò gần nhà, không vứt rác thải ra đường, sông, suối... Sau hơn 5 năm thực hiện đến nay, tất cả các hộ gia đình đều được sử dụng nước hợp vệ sinh, các hộ dân đều xây dựng công trình phụ; xây dựng hệ thống xử lý nước thải, rác thải, được phân loại gom lại đem tiêu hủy. Hầu hết các gia đình đều xây cổng nhà, trồng hoa, cây cảnh hai bên đường vào thôn...

Cùng với việc thực hiện các tiêu chí khác, đến năm 2016, xã Hải Yến đã được công nhận đạt chuẩn NTM. Từ năm 2017 đến nay, xã Hải Yến tiếp tục củng cố, duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí, đồng thời tập trung triển khai thực hiện 14 tiêu chí của bộ tiêu chí xã NTM nâng cao. Từ sự đầu tư nguồn lực của Nhà nước, sự chung tay, góp sức của người dân trong xã, hết năm 2020, xã đã hoàn thành đủ 14 tiêu chí xã NTM nâng cao. Diện mạo nông thôn tiếp tục có những chuyển biến rõ nét, các tuyến đường trục xã, liên thôn được cứng hóa; toàn bộ các hộ gia đình được sử dụng điện, nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 90% số hộ dân có nhà ở đạt chuẩn; cảnh quan đường làng, ngõ xóm sáng-xanh-sạch-đẹp; thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã năm 2020 đạt hơn 41 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo còn 0,93%.

Cũng như xã Hải Yến, xã Gia Cát (huyện Cao Lộc) là nơi sinh sống của đồng bào các dân tộc Tày, Nùng, Dao... với nhiều phong tục tập quán lạc hậu. Cùng với đó, thói quen về thả rông gia súc, gia cầm, xả rác bừa bãi, gây ô nhiễm môi trường diễn ra khá phổ biến. Để giải quyết vấn đề trên, Phó Chủ tịch UBND xã Gia Cát Đặng Văn Đông cho biết: Đảng bộ, chính quyền xã đã tập trung chỉ đạo các tổ chức chính trị xã hội từ xã đến thôn bản thực hiện công tác "Dân vận khéo" về chung tay bảo vệ môi trường. Từ đó, xã xây dựng các mô hình như: Hội Phụ nữ thực hiện “Năm không ba sạch”; phân loại rác tại nhà; ra quân dọn dẹp vệ sinh môi trường thôn, xóm. Qua đó, ngày càng nhiều người dân hiểu về tầm quan trọng dọn dẹp vệ sinh môi trường. Các thôn bản còn thành lập các tổ tự quản, thường xuyên tổ chức quét dọn, phân loại, thu gom rác thải, vệ sinh môi trường, đường làng, ngõ xóm, tạo cảnh quan xanh, sạch, đẹp... Xã còn thành lập HTX Thành Lộc, chuyên thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải. Nhờ đó, đến nay tất cả 10 thôn bản trên địa bàn xã đều được tổ chức thu gom rác thải, chỉ còn ít hộ sống rải rác xa trung tâm đã được tuyên truyền tự làm lò đốt rác bảo đảm vệ sinh môi trường, không còn tình trạng vứt rác bừa bãi xuống sông, suối. Nhờ thực hiện tốt tiêu chí về vệ sinh môi trường cho nên từ năm 2015 xã Gia Cát đã đạt chuẩn NTM.

Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Cao Lộc Phạm Quang Cường khẳng định: Mô hình “Dân vận khéo” đã góp phần thực hiện có hiệu quả công tác vệ sinh môi trường, tỷ lệ thu gom rác thải ở 22 xã, thị trấn trong huyện đạt 98,5%, tỷ lệ dân cư nông thôn dùng nước hợp vệ sinh đạt 95,7%. Các mục tiêu đề ra của địa phương cũng được chính quyền và nhân dân các dân tộc nỗ lực thực hiện, làm thay đổi diện mạo nông thôn vùng cao, biên giới.

Theo nhandan.vn