Thứ 2, 25/11/2024, 11:51[GMT+7]

Gia Lâm (Hà Nội): Xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại nông nghiệp

Thứ 3, 28/12/2021 | 13:19:17
1,091 lượt xem
Những năm qua, huyện Gia Lâm đã đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp nhằm khai thác hiệu quả nguồn lực đất đai, nâng cao giá trị sản xuất và thu nhập cho người dân. Với mục tiêu xây dựng nông thôn mới bền vững, thiết thực, hiệu quả, gắn liền với quá trình đô thị hóa, hướng đến nông thôn mới phồn vinh, văn minh và hiện đại... tạo tiền đề để huyện phát triển thành quận vào năm 2023.

Mô hình trồng dưa vàng theo hướng hữu cơ tại huyện Gia Lâm cho hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: HOÀNG THÚY

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Nguyễn Đức Hồng, từ năm 2017 toàn huyện đã có 20/20 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới và đến năm 2018 đã về đích huyện nông thôn mới. Tiếp bước những thành quả đã đạt được, huyện phấn đấu đến hết năm 2021 có thêm ba xã là Cổ Bi, Đình Xuyên, Đặng Xá đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, các xã còn lại đạt thêm từ hai đến ba tiêu chí. “Thời gian qua huyện Gia Lâm đã có nhiều khởi sắc và thay đổi tích cực nhờ chương trình xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, với mục tiêu phát triển thành quận của Thủ đô trong tương lai gần, việc phấn đấu liên tục là một điều tất yếu”-ông Hồng chia sẻ.

Để triển khai kế hoạch xây dựng nông thôn mới nâng cao và kiểu mẫu, đồng thời xây dựng huyện Gia Lâm thành quận, giai đoạn 2021-2025, Đảng bộ và nhân dân huyện Gia Lâm đã và đang đoàn kết, đồng lòng phát huy thế mạnh đã đạt được, hướng tới thực hiện nhiều chương trình trọng điểm trong năm 2021 và các năm tiếp theo đúng và sớm hơn tiến độ đã đề ra.

Đặc biệt, thực hiện Quyết định số 414/QĐ-TTg ngày 4/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp, huyện Gia Lâm đã và đang hình thành các vùng sản xuất lúa chất lượng cao, vùng cây ăn quả, vùng chăn nuôi bò thịt, bò sữa, vùng chăn nuôi thủy sản,... Việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, cơ giới hóa vào sản xuất được coi trọng đã góp phần tích cực thúc đẩy sản xuất ở khu vực nông thôn.

Đến nay, huyện đã hình thành được vùng sản xuất rau an toàn, với hơn 565 ha; trong đó tập trung duy trì vùng rau an toàn 448,4 ha được cấp giấy chứng nhận tại các xã Văn Đức, Đặng Xá, Lệ Chi, Yên Thường, Yên Viên, Cổ Bi, Phù Đổng. Thêm vào đó, vùng cây ăn quả tập trung 1.682,2 ha, với các sản phẩm chủ lực như chuối, bưởi, ổi, lê, cam, trong đó đã được chứng nhận 1.204,2 ha vùng sản xuất quả an toàn và 213,44 ha được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP.

Ngoài ra, huyện cũng chú trọng cơ cấu lĩnh vực chăn nuôi, thủy sản. Hiện số trang trại, gia trại chăn nuôi gia súc, gia cầm quy mô vừa và lớn hiện có trên địa bàn là 41 trang trại, gia trại, với quy mô từ 30 con lên đến hơn 2.000 con... Tính đến quý III/2021, trên địa bàn huyện không còn hộ nghèo. Thu nhập bình quân đầu người đạt 62,5 triệu đồng/người/năm; giá trị thu nhập bình quân đạt 300 triệu đồng/ha/năm. Hệ thống cơ sở hạ tầng thường xuyên được quan tâm đầu tư, đáp ứng nhu cầu phục vụ dân sinh và phát triển kinh tế.

Thời gian tới, đối với kế hoạch xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu gắn với đầu tư, xây dựng xã thành phường và phát triển du lịch xã Phù Đổng giai đoạn 2021-2025, huyện Gia Lâm tập trung mọi nguồn lực đầu tư phát triển đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội theo hướng đô thị, hoàn thiện cơ sở hạ tầng du lịch. Đồng thời đẩy mạnh phát triển kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế xã Phù Đổng; phát triển du lịch Phù Đổng chuyên nghiệp và bền vững cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Đồng thời huyện hỗ trợ đầu tư phát triển trung tâm thương mại, siêu thị mini, chợ nông thôn, hỗ trợ thành lập và hoạt động của các tổ hợp tác, hợp tác xã dịch vụ chế biến, bảo quản và tiêu thụ nông sản... Sẵn sàng mọi nguồn lực, tạo đà để Gia Lâm sớm trở thành một quận của Thủ đô trong thời gian tới.

Theo nhandan.vn