Thứ 4, 27/11/2024, 16:11[GMT+7]

Hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội cần đúng, trúng và kịp thời

Thứ 4, 05/01/2022 | 08:19:43
1,022 lượt xem
Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, các chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội cần đúng, trúng và kịp thời để bảo đảm hiệu quả cao nhất. Song đây là gói bổ sung, nằm ngoài các chính sách đã quyết định trong các năm 2020 và 2021 nên rất cần thận trọng và thảo luận kỹ lưỡng.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên thảo luận tổ. (Ảnh: DUY LINH).

Chiều 4/1, tiếp tục chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ về dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội. 

Chính sách hỗ trợ đi đúng định hướng

Phát biểu tại thảo luận tổ, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, các chính sách tài khoá, tiền tệ trình Quốc hội lần này đã bảo đảm đúng định hướng, khi kết hợp cả tài khoá và tiền tệ, tác động cả phía cung và cầu, và có quy mô đủ lớn.

Theo Chủ tịch Quốc hội, các gói hỗ trợ lần này tính theo giá trị danh nghĩa công bố vào khoảng 5,25% GDP, cộng với các chính sách hỗ trợ được thực hiện trong 2 năm trước đó thì tổng quy mô hỗ trợ vào khoảng 8,25% GDP, cao gần gấp đôi so với mức bình quân của các nước có điều kiện tương tự như Việt Nam.

Bên cạnh đó, thời gian thực hiện các gói hỗ trợ này cũng đủ dài (trong 2 năm), phân bổ vốn vào các lĩnh vực giải ngân được ngay, tạo hiệu quả cho nền kinh tế.

Tuy nhiên, do đây là các gói hỗ trợ phụ thêm, nằm ngoài khung khổ đầu tư công trung hạn 5 năm đã được Quốc hội thông qua, cũng như nằm ngoài các chính sách đã quyết định trong các năm 2020 và 2021, nên cần phải hết sức thận trọng.

“Nếu Quốc hội quyết định không đúng, không trúng, mà lại còn gây lãng phí thì sẽ có lỗi với sự phát triển của đất nước, có lỗi với nhân dân, vì suy cho cùng đều là từ tiền thuế của nhân dân”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Theo dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội, gói hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội có quy mô gần 350 nghìn tỷ đồng, trong đó quy mô giải pháp tài khóa là 291 nghìn tỷ đồng, bên cạnh các giải pháp về tiền tệ.


Bảo đảm hỗ trợ cân đối giữa lĩnh vực kinh tế và xã hội

Chia sẻ mong muốn của các đại biểu Quốc hội việc cần bảo đảm cân đối hơn nữa các chính sách hỗ trợ dành cho lĩnh vực kinh tế và xã hội, nhất là khôi phục và cơ cấu lại thị trường lao động, vừa giải quyết được các vấn đề cấp bách trước mắt, vừa bảo đảm các vấn đề căn cơ lâu dài và phù hợp với định hướng tái cơ cấu nền kinh tế, Chủ tịch Quốc hội đề nghị trong quá trình Quốc hội thảo luận, cần tiếp tục rà soát thêm về vấn đề này.

Hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội cần đúng, trúng và kịp thời -0

 Các đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận tổ chiều 4/1/2022. (Ảnh: ĐĂNG KHOA).

Chủ tịch Quốc hội cũng chỉ rõ, chính sách dành cho chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ..., cùng với nguồn lực để thúc đẩy các lĩnh vực này phát triển trong dự thảo Nghị quyết chưa được quy định đậm nét. Do đó, Chủ tịch Quốc hội nhất trí với đề xuất của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội phải rà soát ngay các vướng mắc trong việc thực hiện quy định về Quỹ Phát triển khoa học công nghệ.

“Nếu vướng mắc về pháp lý, kể cả vướng luật thì phải tháo gỡ ngay vì đây là định hướng phát triển về lâu dài. Phải gỡ chính sách này một cách căn cơ”, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.

Đồng tình với các kiến nghị cần phải có các cơ chế, chính sách khác biệt nhằm giải ngân sớm các gói hỗ trợ, Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh yêu cầu phải bảo đảm nguyên tắc đồng bộ về mặt pháp luật.

Trong đó, những cơ chế, chính sách thuộc thẩm quyền của Chính phủ và Thủ tướng thì Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về nguyên tắc cần chủ động quyết định, tổ chức thực hiện và chịu trách nhiệm, vấn đề nào đặc thù thuộc thẩm quyền của Quốc hội thì mới trình Quốc hội. Tinh thần là Quốc hội ủng hộ cao nhất để tháo gỡ kịp thời các vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực hiện.

“Trách nhiệm của Quốc hội và Chính phủ lần này rất nặng vì đây là vấn đề liên quan đến quốc kế dân sinh. Trách nhiệm càng lớn thì càng phải thận trọng, kỹ lưỡng để kiến tạo cho sự phát triển bền vững của đất nước”, Chủ tịch Quốc hội khẳng định.

Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội được thực hiện nhằm mục tiêu khôi phục nhanh chuỗi sản xuất, cung ứng, lao động; thúc đẩy các động lực tăng trưởng, phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng bình quân từ 6,5-7% trong giai đoạn 2021-2025, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn trong trung và dài hạn, phục hồi, phát triển nhanh sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống của người dân, người lao động, nhất là người nghèo, người yếu thế, đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh, góp phần giữ vững an ninh trật tự, an toàn xã hội. 


Theo: nhandan.vn

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày