Chủ nhật, 10/11/2024, 09:29[GMT+7]

Nâng cao ý thức phòng, chống dịch của người dân trong dịp Tết Nguyên đán

Chủ nhật, 30/01/2022 | 11:56:58
3,178 lượt xem
Tết cổ truyền của dân tộc đã cận kề, nhà nhà đang náo nức chuẩn bị để đón một cái tết đầm ấm, đoàn viên sau những tháng ngày khó khăn vì dịch bệnh. Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ khó lường. Vì vậy, người dân cần chung sức, đồng lòng tự giác thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch để đón tết an toàn.

Xe tuyên truyền lưu động của Trung tâm văn hóa thể thao thành phố tăng thời gian tuyên truyền vào các giờ cao điểm.

Những ngày giáp tết là thời điểm người dân tập trung mua sắm tại các chợ, trung tâm thương mại, siêu thị. Đây cũng là lúc các đơn vị, cá nhân, gia đình tổ chức gặp mặt tất niên tại các nhà hàng, quán ăn. Theo ghi nhận, nhiều nhà hàng, quán cà phê, ăn sáng trên đường Lê Quý Đôn, Lý Bôn, Trần Hưng Đạo… (thành phố Thái Bình) tấp nập người đến ăn uống. Một số quán ăn sáng đã có vách ngăn để hạn chế tiếp xúc, tuy nhiên bên cạnh đó, nhiều nhà hàng, quán cà phê vẫn chưa thực hiện nghiêm các quy định phòng, chống dịch tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng. 

Chị Nguyễn Thị Huê, phường Kỳ Bá (thành phố Thái Bình) chia sẻ: Nhà tôi gần một số quán ăn trên đường Lê Quý Đôn. Những ngày gần đây, số lượng khách đến các quán ăn khá đông, tăng gấp 2, gấp 3 lần so với ngày thường. Nhiều khách ăn xong đứng ngoài vỉa hè vô tư nói chuyện nhưng không đeo khẩu trang. Trong khi số ca nhiễm trong cộng đồng tại Thái Bình những ngày gần đây đều tăng thì việc nhiều người dân chưa thực hiện khuyến cáo "5K" của Bộ Y tế khiến tôi và gia cảm thấy khá lo lắng.

Những ngày giáp tết cũng là thời điểm con em từ các tỉnh, thành phố trở về quê đón tết rất nhiều. Trong số đó có những công dân trở về từ các địa bàn có dịch đang diễn biến phức tạp. Tỉnh Thái Bình đang tạo điều kiện thuận lợi cho mọi người về quê đón tết đầm ấm cùng gia đình, cùng với đó khuyến cáo và yêu cầu người dân thực hiện nghiêm các quy định của Bộ Y tế, của tỉnh và các địa phương trong tỉnh về phòng, chống dịch. 

Bác sĩ Trần Sách Phước, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Tân Lập (Vũ Thư) cho biết: Năm nay, số lượng bà con xa quê trở về Tân Lập đón tết giảm so với năm ngoái. Để giữ vững thành quả phòng, chống dịch của địa phương và của tỉnh, trước đó, Ban Chỉ đạo xã đã tập trung tuyên truyền trên loa phát thanh của xã về việc khuyến khích, vận động bà con xa quê trước khi trở về địa phương thực hiện test nhanh hoặc PCR. Về đến địa phương, ra Trạm Y tế khai báo và được nhân viên y tế hướng dẫn các biện pháp phòng, chống dịch. Đặc biệt, xã có chủ trương hỗ trợ một phần kinh phí nếu người dân có nhu cầu thực hiện test nhanh tại Trạm với số tiền 30k/người/lần. Vì vậy, hầu hết bà con xa quê đến khai báo y tế và test nhanh đều thấy thoải mái, phấn khởi. 

Anh Vũ Vân Dương, hiện đang sinh sống và làm việc tại Hà Nội cho biết: Gia đình hai bên nội, ngoại của tôi đều ở Thái Bình, Vì vậy, hằng năm, mỗi dịp tết đến xuân về, vợ chồng tôi đều cố gắng thu xếp để đưa các con về quê đón Tết. Tuy nhiên, trước những diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh, năm nay, trước khi về, cả gia đình tôi sẽ đi xét nghiệm PCR, nếu có kết quả âm tính thì cả nhà mới quyết định về quê thăm bố mẹ, người thân. Mặc dù 2 vợ chồng tôi và cháu lớn đã tiêm vắc-xin phòng Covid-19 nhưng không thể chủ quan, làm lây lan dịch bệnh cho quê nhà. Vợ chồng tôi sẽ thực hiện khai báo y tế đầy đủ, chỉ về nhà ăn tết cùng bố mẹ, thăm anh chị em ruột thịt, hạn chế tối đa việc tiếp xúc, tập trung nơi đông người. 

Khác với anh Vũ Vân Dương, gia đình anh Trần Xuân Tuyển, huyện Vĩnh Bảo (Hải Phòng) cho biết: Mặc dù việc đi lại giữa các tỉnh đã thuận lợi hơn trước rất nhiều, nhưng tôi và gia đình vẫn quyết định không về quê Thái Bình đón tết năm nay để hạn chế nguy cơ dịch bệnh lây lan cho bản thân mình và những người xung quanh. Ra tết, khi dịch bệnh ổn hơn, cũng qua giai đoạn cao điểm mọi người về quê đón tết, tôi sẽ đưa các con về thăm ông bà và người thân.

Hiện nay, do người dân trở về bằng các phương tiện khác nhau, thời gian về đến địa phương cũng khác nhau nên việc quản lý người dân trở về gặp nhiều khó khăn. Chính vì vậy, để công tác phòng, chống dịch tại địa phương đạt hiệu quả cao, rất cần ý thức, sự chủ động của công dân trong việc khai báo y tế và tuân thủ nghiêm ngặt các quy định trong phòng, chống dịch. Tại thành phố Thái Bình, các hoạt động tuyên truyền, vận động người dân, công nhân, người lao động thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch, nhất là trong quá trình di chuyển về quê, sinh hoạt trong dịp tết và trở lại nơi làm việc sau tết được đẩy mạnh. 

Bà Phạm Thị Minh, Giám đốc Trung tâm Văn hóa, thể thao Thành phố cho biết: Công tác tuyên truyền được Thành phố triển khai đa dạng để người dân hiểu về nguy cơ dịch Covid-19 có thể lây lan, bùng phát trong thời điểm cuối năm và dịp tết Nguyên đán, từ đó hạn chế di chuyển khi không cần thiết để bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình. Đặc biệt, chúng tôi thành lập các tổ tuyên truyền lưu động, ngày 3 lần và tập trung tuyên truyền vào thời gian cao điểm từ lúc 15 giờ đến 18 giờ hàng ngày tại các tuyến phố chính, nơi tập trung đông người. Nội dung tuyên truyền tập trung vào các văn bản chỉ đạo của tỉnh, của thành phố nhắc nhở người dân thực hiện nghiêm các quy định phòng, chống dịch. Đặc biệt, hướng dẫn bà con xa quê trở về từ các tỉnh, thành phố khác thực hiện khuyến cáo "5K" của Bộ Y tế.

Hiện nay, cùng với việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, các địa phương trong tỉnh cũng đang đẩy nhanh hơn nữa chiến dịch tiêm chủng vắc-xin trong dịp tết Nguyên đán, tổ chức tiêm an toàn, nhanh nhất, rà soát không để bỏ sót đối tượng chưa được tiêm chủng và đối tượng chưa tiêm đủ liều vắc-xin. Mục tiêu đặt ra là tổ chức tết Nguyên đán đầm ấm, an lành nhưng phải an toàn, hạn chế sự lây lan của dịch bệnh trong cộng đồng.

Đặng Anh