Chủ nhật, 10/11/2024, 06:00[GMT+7]

Hà Nội: Điểm sáng xây dựng nông thôn mới trên 'đất trăm nghề'

Chủ nhật, 10/04/2022 | 15:48:25
688 lượt xem
Là huyện có nhiều làng nghề nhất của thành phố Hà Nội, thế mạnh của Phú Xuyên là tổ chức và phát triển kinh tế làng nghề. Do đó việc phát triển sản xuất nông nghiệp ở vùng đất vốn được mệnh danh là 'chiêm khê, mùa úng' gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, với sự quyết tâm, dám nghĩ dám làm của các cấp chính quyền, giờ đây Phú Xuyên trở thành điểm sáng trong phát triển kinh tế nông nghiệp của thành phố.

Mô hình trồng sâm tại xã Nam Phong (huyện Phú Xuyên).

Chú trọng phát triển nông nghiệp thông qua các mô hình kinh tế hợp tác, phát triển các sản phẩm nông nghiệp tập trung, đưa cơ giới hóa đồng bộ vào sản xuất lúa... đang là cách làm hiệu quả, đưa Phú Xuyên từ một huyện có xuất phát điểm thấp trong xây dựng nông thôn mới (NTM) đã hoàn thành tốt các tiêu chí huyện NTM trong thời gian qua.

Giải quyết “bài toán” lao động làng nghề và nông nghiệp

Với đặc thù là huyện có nhiều làng nghề, diện tích đất sản xuất nông nghiệp lớn, Phú Xuyên đã gặp không ít khó khăn trong những năm qua khi giải “bài toán” vừa phát triển làng nghề, vừa phát triển nông nghiệp hiệu quả.

Để giải quyết hài hòa lao động địa phương, huyện đã tích cực phối hợp các sở, ban, ngành của thành phố, mở 521 lớp với 16.574 học viên tham gia, đồng thời huy động một số doanh nghiệp tổ chức dạy nghề cho nông dân. Sau khi dạy nghề xong, người lao động được bố trí trực tiếp làm các sản phẩm nghề nhập cho doanh nghiệp.

Đến nay, tỷ lệ người có việc làm sau đào tạo đạt hơn 85%, trong đó một số mô hình nghề đào tạo được nhân rộng và phát triển đã mang lại thu nhập tốt cho người dân.

Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên Nguyễn Xuân Thanh chia sẻ: “Nhận thức rõ ý nghĩa và tầm quan trọng của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, huyện Phú Xuyên đã tập trung chỉ đạo, triển khai các nhiệm vụ một cách kịp thời. Đặc biệt trong phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân, giải quyết bài toán lao động hài hòa giữa làng nghề truyền thống và sản xuất nông nghiệp.

Thời gian qua, huyện tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng mô hình công nghệ cao, đưa giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng vào sản xuất. Đồng thời chú trọng đầu tư, đưa cơ giới hóa nông nghiệp, phấn đấu đến năm 2025 tỷ lệ cấy bằng máy chiếm 25-30%. Bên cạnh đó, phát triển một số vùng sản xuất theo hướng chuyên canh, theo chuỗi liên kết.

Hiện, Phú Xuyên là địa phương đi đầu của thành phố Hà Nội trong việc gieo mạ khay, cấy máy trong sản xuất lúa với diện tích áp dụng khoảng 1.500 ha, chiếm 17% diện tích. Bí thư Đảng ủy xã Đại Thắng Trần Bá Cao cho biết: Việc áp dụng mạ khay, máy cấy đã góp phần giảm chi phí sản xuất từ 6 triệu đến 8 triệu đồng/ha/vụ, bảo đảm thời vụ gieo cấy, tăng năng suất lao động.

Đưa cơ giới hóa vào sản xuất sẽ rút ngắn được thời vụ sản xuất nông nghiệp. Vì vậy, tuy có nhiều nghề nhưng người dân trong huyện không bỏ ruộng hoang. Việc dồn điền đổi thửa, đưa cơ giới hóa đồng bộ vào sản xuất lúa không những đã giải quyết được bài toán nhân lực cho địa phương mà còn tạo luồng sinh khí mới cho sản xuất nông nghiệp.

Nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp

Những ngày cuối tháng 3, bà con xã viên hợp tác xã rau cần Khai Thái (xã Khai Thái), tấp nập sơ chế, đóng gói rau đưa đi các siêu thị. Trao đổi với chúng tôi, một xã viên vui vẻ cho biết: Trước đây chúng tôi trồng rau nhỏ lẻ, chưa áp dụng trồng trái vụ, nên thời gian thu hoạch ít, giá trị kinh tế không cao.

Từ ngày sản xuất tập trung, áp dụng khoa học kỹ thuật, chúng tôi kéo dài được thời gian thu hoạch lên sáu, bảy tháng trong năm. Để phát triển cây rau cần đặc sản, địa phương hỗ trợ các hộ trồng rau xây dựng 160 lều và bể nước sơ chế ngay tại ruộng. Nhờ đó, việc sản xuất, sơ chế bảo đảm được chất lượng và mẫu mã. Sản phẩm rau cần xã Khai Thái đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể và là sản phẩm OCOP bốn sao của Hà Nội.

Giá trị sản xuất đạt từ 700 triệu đến 900 triệu đồng/ha. Bên cạnh đó, với lợi thế có Trung tâm nghiên cứu vịt Đại Xuyên đặt trên địa bàn, toàn huyện hiện có 171 hộ kinh doanh ấp nở trứng gia cầm, mỗi năm tạo ra hơn 65 triệu con gia cầm cung ứng cho thị trường cả nước. Đây là hai trong số rất nhiều mô hình phát triển nông nghiệp đem lại hiệu quả kinh tế cao, bền vững cho người dân địa phương trong thời gian qua.

Trưởng Phòng Kinh tế huyện Phú Xuyên Lê Tiến Xuân cho biết: Từ năm 2019-2020, huyện Phú Xuyên đã có 97 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP (6 sản phẩm ba sao, 91 sản phẩm bốn sao). Huyện tiếp tục phấn đấu đến năm 2025 sẽ tổ chức đánh giá, phân hạng thêm 200 sản phẩm; xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý sản phẩm OCOP và phát triển mạng lưới các điểm bán hàng OCOP.

Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên Nguyễn Xuân Thanh thông tin thêm: Huyện sẽ tiếp tục tập trung phát triển vùng sản xuất bền vững theo chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ gắn với du lịch sinh thái trải nghiệm; phát triển thủy sản ứng dụng công nghệ cao; đẩy mạnh phát triển vùng rau an toàn. Đồng thời tiếp tục tổ chức tập huấn, phổ biến kiến thức, xây dựng các mô hình nuôi trồng thủy sản, chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất, chuyển giao khoa học công nghệ cho người dân.

Địa phương cũng quyết liệt trong việc sáp nhập các hợp tác xã quy mô thôn, giải thể, chuyển đổi các hợp tác xã yếu, kém, ngừng hoạt động; nâng cao hiệu quả hoạt động của hợp tác xã nông nghiệp theo hướng phát triển mạnh dịch vụ tổng hợp, liên kết liên doanh phục vụ đời sống nông dân. Khuyến khích phát triển và thành lập mới các hợp tác xã chuyên ngành trồng trọt, chăn nuôi, dịch vụ, thủy sản, thương mại... nhằm tập hợp nông dân đoàn kết hỗ trợ nhau sản xuất.

Phó Chánh Văn phòng thường trực, Văn phòng điều phối NTM thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Chí cho biết: Đại đa số các hộ dân đều đồng tình, hài lòng với kết quả, quá trình tổ chức thực hiện xây dựng NTM của huyện, với tỷ lệ đạt cao trong các nội dung được hỏi ý kiến. Trong đó, tỷ lệ chung đạt 97,2% so với tổng số hộ dân được hỏi và câu 11 có hài lòng với kết quả xây dựng NTM của huyện đạt 98,95%. Đến nay, thành phố đã hoàn thiện hồ sơ theo góp ý của Hội đồng thẩm định Trung ương trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, công nhận huyện đạt chuẩn NTM năm 2020.

Vượt khó đi lên, sau hơn 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, với nòng cốt là các giải pháp phát triển kinh tế-xã hội bền vững đã tiếp thêm sức mạnh, để toàn huyện nỗ lực chuyển mình. Từ một huyện có xuất phát điểm thấp, Phú Xuyên đang có diện mạo hoàn toàn khác... Những kết quả tốt đẹp nêu trên cho thấy Phú Xuyên đang đi đúng hướng trong hành trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp và hoàn thành xây dựng huyện NTM một cách thực chất, bền vững.

Theo nhandan.vn