Thứ 4, 13/11/2024, 05:25[GMT+7]

Tăng cường công tác chỉ đạo sản xuất, phòng, trừ sâu bệnh bảo vệ lúa xuân 2022

Thứ 6, 29/04/2022 | 08:24:26
4,295 lượt xem
Ngày 28/4/2022, UBND tỉnh ban hành Công văn số 1368/UBND-NNTNMT về việc tăng cường công tác chỉ đạo sản xuất, phòng, trừ sâu bệnh bảo vệ lúa xuân 2022. Nội dung như sau:

Ảnh minh họa.

Qua kiểm tra thực tế và báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Lúa vụ xuân năm 2022 trên địa bàn tỉnh sinh trưởng tương đối tốt, song không đồng đều giữa các trà; lúa xuân trỗ bông chậm hơn so với cùng kỳ nhiều năm từ 7 - 15 ngày; dự kiến: Đến ngày 5/5/2022 có khoảng 7.550ha lúa trỗ bông, các huyện phía Bắc tỉnh lúa trỗ tập trung từ ngày 5 - 15/5/2022, các huyện phía Nam tỉnh lúa trỗ bông từ ngày 10 - 25/5/2022, một số diện tích phải gieo cấy lại do rét đậm, rét hại trỗ bông vào cuối tháng 5 đầu tháng 6/2022; mặt khác, các sinh vật gây hại đã phát sinh, như: Rầy, bệnh đạo ôn, sâu cuốn lá nhỏ... sẽ gia tăng mật độ và gây hại từ đầu tháng 5/2022 trở đi; thời tiết từ nay đến đầu tháng 5/2022 còn diễn biến phức tạp, bệnh đạo ôn hại cổ bông có nguy cơ phát sinh gây hại nặng trên trà lúa trỗ bông trước ngày 5/5/2022, sâu cuốn lá nhỏ gây hại trên diện rộng.

Để hạn chế thấp nhất thiệt hại về năng suất lúa do sâu bệnh gây ra; Ủy ban nhân dân tỉnh đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các tổ chức đoàn thể tỉnh, Báo Thái Bình và yêu cầu các sở, ngành, đơn vị có liên quan, Ủy ban nhân dân huyện, thành phố chỉ đạo thực hiện một số nhiệm vụ sau:

1. Ủy ban nhân dân huyện, thành phố: Tập trung chỉ đạo, hướng dẫn các biện pháp chăm sóc, phòng, trừ sâu bệnh cho lúa xuân; trước mắt tập trung chỉ đạo các địa phương rà soát đánh giá tình hình sinh trưởng của lúa xuân, bón bổ sung phân bón NPK cho trà lúa trỗ bông sau ngày 20/5/2022, bón phân Kali cho trà lúa trỗ bông từ ngày 5/5 đến ngày 20/5/2022 theo chỉ đạo, hướng dẫn của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn; khuyến cáo nông dân phun phòng bệnh đạo ôn hại cổ bông cho trà lúa trỗ bông trước ngày 5/5/2022 (Phun lần 1 vào thời điểm lúa thấp tho trỗ, lần 2 khi ruộng lúa trỗ thoát hoàn toàn); từ ngày 3/5 đến ngày 7/5/2022 tổ chức phun thuốc phòng, trừ sâu cuốn lá nhỏ cho khoảng 60.000ha lúa xuân, thời gian phòng, trừ, lịch phòng, trừ có thể điều chỉnh sớm hơn hoặc muộn hơn 1 ngày tùy tình hình thời tiết, sinh trưởng của lúa và mật độ sâu của từng huyện, sau phun thuốc 3 - 5 ngày phải tổ chức kiểm tra và chủ động phun lại lần 2 nếu mật độ sâu sống còn trên 20 con/m2; trong quá trình phòng, trừ sâu cuốn lá nhỏ cần kết hợp trừ rầy với những vùng có mật độ từ 800 con/m2 trở lên;

- Thông tin tuyên truyền kịp thời và chỉ đạo hệ thống truyền thanh, truyền hình huyện, thành phố, hệ thống truyền thanh các xã, phường, thị trấn tăng thời lượng tuyên truyền các biện pháp chăm sóc lúa xuân cuối vụ, phòng bệnh đạo ôn hại cổ bông, sâu cuốn lá nhỏ, rầy các loại... để nông dân nhận thức và thực hiện có hiệu quả.

- Chỉ đạo các phòng, ban chức năng, Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn có diện tích đất nông nghiệp, các Hợp tác xã Sản xuất kinh doanh Dịch vụ nông nghiệp tăng cường kiểm tra, đôn đốc chăm sóc và phòng, trừ sâu bệnh kịp thời; quản lý chặt chẽ việc kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn, kiên quyết xử lý vi phạm, không để hàng giả, hàng kém chất lượng lưu hành.

- Tập trung chỉ đạo phòng, trừ sâu bệnh, bảo vệ sản xuất vụ xuân năm 2022, tuyệt đối không để các loại sâu bệnh gây hại ảnh hưởng đến năng suất lúa. Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thành phố; Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thành phố chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh nếu để xảy ra tình trạng mất mùa do sâu bệnh gây hại tại địa phương.

2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Chỉ đạo các đơn vị chuyên môn phát hành tài liệu hướng dẫn kỹ thuật phòng, trừ sâu bệnh đến các Hợp tác xã Sản xuất kinh doanh Dịch vụ nông nghiệp; cử cán bộ kỹ thuật tăng cường cho các huyện, thành phố, trực tiếp cùng các địa phương kiểm tra tình hình sâu bệnh trên đồng ruộng, thời gian và các loại thuốc phòng, trừ, bảo đảm việc phòng, trừ sâu cuốn lá nhỏ, rầy các loại, bệnh đạo ôn hại cổ bông và các đối tượng sâu bệnh hại khác đạt hiệu quả cao; phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình Thái Bình, Báo Thái Bình xây dựng chương trình tuyên truyền cho nông dân biết, thực hiện; tổng hợp kết quả thực hiện, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh.

3. Cục Quản lý thị trường Thái Bình: Phối hợp với các sở, ngành liên quan, các địa phương tăng cường kiểm tra thị trường thuốc bảo vệ thực vật, kiên quyết không để thuốc bảo vệ thực vật kém chất lượng, không rõ nguồn gốc lưu hành trên thị trường, ngăn chặn việc nâng giá thuốc ảnh hưởng đến hiệu quả công tác phòng, trừ sâu bệnh và thu nhập của nông dân.

4. Sở Thông tin và Truyền thông, Báo Thái Bình, Đài Phát thanh và Truyền hình Thái Bình: Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến kỹ thuật chăm sóc và phòng, trừ sâu bệnh cho lúa xuân, đặc biệt tuyên truyền về tình hình sinh trưởng của lúa xuân và phòng, trừ sâu bệnh từ nay đến cuối vụ; chỉ đạo hệ thống truyền thanh, truyền hình các huyện, thành phố, hệ thống phát thanh của các xã, phường, thị trấn tăng thời lượng, tập trung tuyên truyền các biện pháp phòng, trừ sâu bệnh bảo vệ an toàn sản xuất lúa vụ xuân năm 2022.

5. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các tổ chức đoàn thể: Chủ động phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân huyện, thành phố làm tốt công tác tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên thực hiện tốt Đề án sản xuất vụ xuân, vụ hè năm 2022; tuyên truyền, vận động thực hiện nghiêm hướng dẫn của cơ quan chuyên môn về chăm sóc, phòng, trừ sâu bệnh.

Nhận được Công văn này, yêu cầu các sở, ngành, đơn vị, địa phương, căn cứ chức năng, nhiệm vụ và tình hình cụ thể ở đơn vị, địa phương triển khai thực hiện có hiệu quả công tác chăm sóc và phòng, trừ sâu bệnh bảo vệ an toàn cho lúa xuân năm 2022.