Chủ nhật, 24/11/2024, 19:30[GMT+7]

Trường Sa - Khúc tráng ca (Bài 6)

Thứ 2, 08/05/2017 | 10:12:40
1,743 lượt xem
Nếu ai đã từng một lần đến nhà đèn Tiên Nữ, Trường Sa hẳn sẽ không thể nào quên hình ảnh cột mốc chủ quyền cực Đông của Tổ quốc và luôn nhung nhớ những người con quê hương ngày đêm canh gác cho ngọn đèn không bao giờ tắt giữa biển cả bao la.

Nụ cười người lính gác đèn biển Tiên Nữ luôn tỏa sáng và rạng rỡ như ngọn hải đăng.

Bài 6: Nhớ nhà đèn Tiên Nữ

Mùa biển động, chúng tôi ra Trường Sa. Những con sóng bạc đầu cứ chồm chồm như muốn nhấn chìm con tàu của đoàn công tác Lữ đoàn 146 chở bộ đội, thực phẩm và quà tết ra cho các đảo xa. Từ quân cảng Cam Ranh (Khánh Hòa), sau 7 ngày vượt qua sóng dữ, chúng tôi có mặt ở đảo Tiên Nữ, nơi hải đảo xa xôi nhất của quần đảo Trường Sa. Từ đảo chìm, nhìn về phía Đông Bắc, nhà đèn Tiên Nữ hiện lên như một cây tre mọc thẳng đứng trên bốn bề sóng nước.

Anh Bùi Văn Sơn, Trạm trưởng Trạm hải đăng Tiên Nữ, Công ty Bảo đảm an toàn hàng hải biển Đông và hải đảo cho biết: Nhà đèn này được xây mới năm 2000 có chiều cao 27m. Bóng đèn trên đỉnh tháp có cấu tạo như một thấu kính quay, bao gồm dây tóc, bóng đèn, hệ thống đỡ, pha quay, thấu kính, lồng đèn. Ngọn đèn hải đăng ở đây có thể chiếu xa được 15 hải lý. Để giúp tàu thuyền trong nước và quốc tế hoạt động trong vùng biển Trường Sa định hướng và xác định vị trí của mình, thường ngày, hải đăng phát sáng khoảng 12 tiếng, từ 17 giờ 30 phút hôm trước đến 5 giờ 30 phút ngày hôm sau.

Nói thì đơn giản vậy nhưng để ngọn hải đăng luôn thắp sáng trên biển trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, ngoài được đào tạo cơ bản nghiệp vụ về máy, về đèn, mỗi cán bộ, nhân viên còn phải được trang bị các kỹ năng khác như học cách sơ, cấp cứu người khi bị ngã, bị chuột rút khi ở dưới nước, cách chống say nắng, say sóng và kỹ năng phối hợp với đơn vị hải quân tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ trên biển… 

Anh Trịnh Văn Nguyên, cán bộ nhà đèn chia sẻ: Do hơi nước biển có độ mặn cao ngày đêm thổi ràn rạt vào nên anh em chúng tôi phải chăm sóc đèn như những bà bảo mẫu chăm sóc con nhỏ. Người lau chùi, bảo quản, người bảo dưỡng chu đáo, tỷ mỷ từng chi tiết của hệ thống đèn để chống xuống cấp, hỏng hóc.

Trong khuôn viên tổng diện tích sàn 50m2, năm anh em cán bộ, nhân viên nhà đèn Tiên Nữ ngoài giờ trực gác đèn chỉ còn biết chơi đùa với sóng nước, bầu bạn với các con vật nuôi và chăm sóc rau xanh. 

Anh Bùi Văn Hùng, nhân viên gác đèn cho biết: Những công việc ấy là niềm vui của anh em nhà đèn. Việc tăng gia sản xuất vừa tạo niềm vui vừa giúp cải thiện bữa ăn cho anh em. Mỗi lần có tàu ra thăm, hạnh phúc lớn nhất của cán bộ, nhân viên nhà đèn là được trò chuyện, giao lưu với khách để biết nhiều hơn sự đổi thay ở trong đất liền.

Từ khi nhà đèn Tiên Nữ được đầu tư lắp đặt hệ thống điện pin năng lượng mặt trời, cán bộ, nhân viên được xem ti vi, nghe đài và truy cập internet, đời sống tinh thần của anh em cũng được cải thiện đáng kể. 

Anh Trần Văn Chiến, nhân viên nhà đèn tâm sự: Mỗi khi tết đến xuân về, anh em ở đây nhớ nhà, nhớ đất liền da diết. Được đoàn công tác ra thăm, tặng quà tết, anh em chúng tôi hạnh phúc lắm và phấn khởi, yên tâm tiếp tục bám biển, trụ tại nhà đèn làm nhiệm vụ.

Năm con người, năm vùng quê, năm hoàn cảnh gia đình khác nhau cùng sống dưới ngọn đèn biển Tiên Nữ nhưng tất cả họ đều chung một khát vọng được cống hiến sức lực, trí tuệ cho nhiệm vụ bảo đảm an toàn hàng hải trên biển Đông. Vượt lên những khó khăn, vất vả, tình riêng, họ luôn tự hào khi được làm công việc yêu thích của đời mình đó là giữ cho ngọn hải đăng mãi sáng giữa muôn trùng sóng vỗ, cùng quân, dân trên Trường Sa bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

(Còn nữa)

Khắc Duẩn