Thứ 4, 27/11/2024, 07:24[GMT+7]

Nhiệm kỳ mới đầy thách thức đối với Tổng thống Pháp E. Macron

Thứ 4, 22/06/2022 | 17:25:31
965 lượt xem
Trong cuộc bầu cử Quốc hội vừa qua, liên minh ủng hộ Tổng thống tái đắc cử Emmanuel Macron đã không giành được đa số tuyệt đối. Như vậy, nhiều cử tri Pháp đã không ủng hộ như năm 2017 mà thay đổi quyết định bỏ phiếu để sắp xếp lại bàn cờ chính trị. Tổng thống Pháp sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức của một nhiệm kỳ mới đầy bất trắc và khó lãnh đạo.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron phải liên minh hoặc tìm sự ủng hộ của các đảng khác để có được đa số tuyệt đối tại Quốc hội. Ảnh: BFMTV

Bàn cờ chính trị được sắp xếp lại

Theo kết quả bỏ phiếu vòng hai do Bộ Nội vụ Pháp công bố, liên minh "Cùng nhau" của Tổng thống Macron Emmanuel vẫn giành được nhiều ghế nhất ở Hạ viện với 245 ghế, tuy nhiên còn cách xa mốc 289 ghế để chiếm đa số tuyệt đối. Trong khi đó, liên minh cánh tả NUPES trở thành lực lượng đối lập chính với 131 ghế dù chưa đủ để buộc tổng thống phải chia sẻ quyền lực. Đảng cực hữu Tập hợp Dân tộc (RN) đã lập kỷ lục khi giành được tới 89 ghế, trở thành lực lượng đối lập lớn thứ hai. Còn đảng cánh hữu Những người Cộng hòa (LR) có 61 ghế.

Như vậy không phe nào đạt được mục tiêu giành đa số tuyệt đối tại Quốc hội. Báo chí Pháp đã dùng nhiều từ ngữ để phản ánh sự phức tạp của chính trường Pháp sau bầu cử như: Trận động đất (Les Echos) hay Nước Pháp vỡ vụn (La Croix). 

Kết quả này đã được dự báo trước. Nguyên nhân là do sự không hài lòng của cử tri, nhất quyết không cho tổng thống vừa tái đắc cử một đa số tuyệt đối để dễ dàng thực hiện các quyết sách và cải cách lớn. Chủ trương không vận động mạnh mẽ cũng là một trong những nguyên nhân chính dẫn tới kết quả không như mong đợi trong cả cuộc bầu cử tổng thống và lập pháp. 

Quốc hội mới ở Pháp nay chia thành 4 nhóm chính gồm liên minh ủng hộ Tổng thống Emmanuel Macron, liên minh NUPES, đảng cực hữu RN và đảng cánh hữu LR. 

Đây là lần đầu tiên kể từ năm 2002 khi nhiệm kỳ tổng thống Pháp giảm từ 7 xuống còn 5 năm, một tổng thống tái đắc cử bị mất đa số tuyệt đối tại Quốc hội. Cũng từ năm 2002, bầu cử Quốc hội diễn ra ngay sau bầu cử tổng thống và cử tri Pháp đều dồn phiếu cho đảng của tổng thống vừa đắc cử để thuận lợi cho việc điều hành và triển khai các quyết sách. Và ông Emmanuel Macron là tổng thống đầu tiên tái đắc cử mà không có đa số tại Quốc hội. 

Tình hình hiện nay chưa từng xảy ra trong nền Cộng hòa thứ V khi Quốc hội (Hạ viện) bị chia cắt như vậy. Quốc hội Pháp có nguy cơ rơi vào giai đoạn xáo trộn rất lớn. Phe đối lập ở Quốc hội đã đổi sang màu khác, từ đảng cánh hữu LR sang phe cánh tả. 

Vì NUPES là một liên minh cánh tả mới được thành lập chưa đầy một tháng gồm đảng Nước Pháp Bất khuất, (LFI), đảng Xanh (EELV), đảng Xã hội (PS) và đảng Cộng Sản (PCF) dưới tên gọi Liên minh Nhân dân, Sinh thái và Xã hội mới (NUPES). Đây đều là những đảng thất bại trong kỳ bầu cử tổng thống trong tháng 4/2022. Dù đã tạo được bước đột phá trong cuộc bầu cử Quốc hội vừa qua và trở thành lực lượng chính trị đối lập chính với chính phủ của ông Emmanuel Macron tại Hạ viện, các đảng này còn nhiều bất đồng và quan điểm khác biệt về các vấn đề về xã hội, châu Âu hay năng lượng hạt nhân. 

Ngày 20/6, ngay sau khi giành được 131 ghế, ông Jean-Luc Mélenchon đã đề xuất duy trì NUPES là một nhóm duy nhất tại Quốc hội để đối trọng với đảng cầm quyền và đảng cực hữu RN. Mục tiêu xa hơn là tranh chức Phó Chủ tịch Hạ viện và Chủ tịch Ủy ban Tài chính. Tuy nhiên lãnh đạo của PCF và EELV đã ngay lập tức không ủng hộ, cho rằng mỗi đảng cảnh tả có vị trí riêng. Điều này cho thấy các đảng tham gia liên minh NUPES không muốn để LFI dẫn dắt. Các đảng cánh tả tham gia NUPES chỉ là những cam kết và không có sự giàng buộc, do vậy nếu thấy bất đồng với LFI, EELV (16 ghế) và PS (27 ghế), từng hai lần lãnh đạo nước Pháp, có thể thành lập các nhóm nghị sĩ riêng.

Tình hình này cho thấy Quốc hội mới của Pháp sẽ có phe phái đối trọng và chống đối các chính sách hay cải cách của chính phủ, nhất là đảng cực hữu RN với 89 ghế và LF. Nhiều cuộc đối chọi sẽ xảy ra trong các cuộc biểu quyết.

Quốc hội bị chia cắt và đối trọng quyền lực như vậy sẽ khó có thể bảo đảm cho sự ổn định và tiến hành các dự án cải cách, nhất là hưu trí còn dang dở. 

Thách thức cầm quyền đối với ông Emmanuel Macron

Tổng thống Emmanuel Macron sẽ phải đối đầu với một Quốc hội có nhiều sự "chống đối". Không có đa số ở Quốc hội, nhiệm kỳ hai của Tổng thống Pháp được dự báo là vô cùng chông gai, trong tình trạng phải thương lượng và thỏa hiệp với các đảng phái đối lập. 

Với đa số tương đối tại Quốc hội mới, Tổng thống Emmanuel Macron buộc phải liên minh hoặc tìm kiếm sự ủng hộ với các đảng khác để có đa số tuyệt đối. Có như vậy, các dự luật của chính phủ đưa ra mới dễ dàng được thông qua. Phương án khả thi nhất là mở rộng liên minh với đảng cánh hữu LR (61 ghế).

Nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Emmanuel Macron sẽ không dễ dàng như nhiệm kỳ trước vì phụ thuộc vào "thiện chí" của các đồng minh và cả các nhóm đối lập. Tổng thống Pháp sẽ phải duy trì được sự cân bằng giữa các xu hướng chính trị khác nhau để có thể cầm quyền. 

Cũng có thể xảy ra phương án thứ hai khi Tổng thống Macron lãnh đạo một chính phủ “thiểu số,” tức là giữ lại Thủ tướng Élisabeth Borne vì bà đã đắc cử. Đã từng có một tiền lệ như vậy, đó là chính phủ của Thủ tướng Michel Rocard từ năm 1988 đến 1991. Khi đó, Tổng thống François Mitterrand tái đắc cử nhưng cánh tả đã không thu được đa số tuyệt đối tại Quốc hội. Do vậy Thủ tướng Michel Rocard đã phải nhiều lần sử dụng đến Điều 49-3 của Hiến pháp cho phép thông qua các dự luật do chính phủ đề nghị mà không cần đưa ra Quốc hội biểu quyết. 

Tình trạng này có thể dẫn đến việc khả năng bỏ phiếu bất tín nhiệm chính phủ. Tuy nhiên, việc sử dụng Điều 49-3 đã bị hạn chế rất nhiều. Chính phủ chỉ có thể sử dụng điều khoản này để thông qua ngân sách hoặc để thông qua một dự luật cho mỗi kỳ họp Quốc hội. 

Trong những ngày tới, nội các của Thủ tướng Élisabeth Borne sẽ có thay đổi nhân sự vì 3 bộ trưởng Y tế, Chuyển đổi Sinh thái và Gắn kết lãnh thổ và Quốc vụ khanh đặc trách về Biển phải từ chức theo quy định có từ năm 2017 vì đã thất cử trong cuộc bầu cử Quốc hội. Một số nhân vật thân cận của Tổng thống cũng bị thua. 

Tuyên bố của các đảng phái ngay sau khi có kết quả bầu cử lập pháp cho thấy liên minh của Tổng thống Emmanuel Macron không dễ dàng tìm được đồng minh. Cả 3 lực lượng đối lập đều không muốn bắt tay. 

Bà Marine Le Pen, khẳng định đảng cực hữu RN của bà sẽ tiếp tục là lực lượng đối lập cứng rắn ở Hạ viện. Bà tuyên bố: Chúng ta sẽ đại diện cho lực lượng đối lập cứng rắn, có nghĩa là không nhân nhượng, có trách nhiệm, tôn trọng các định chế, vì kim chỉ nam duy nhất của chúng ta đó là lợi ích của nước Pháp, của nhân dân Pháp.

Ông Jean-Luc Mélenchon, lãnh đạo đảng cực tả LFI, lực lượng nòng cốt của liên minh cánh tả NUPES, khẳng định là NUPES sẽ "chiến đấu hết mình" ở Hạ viện. 

Còn Chủ tịch đảng cánh hữu LR, ông Christian Jacob, khẳng định đảng này tiếp tục là lực lượng đối lập ở Hạ viện. Ông nói: Điều này rất rõ như chúng tôi vẫn làm, có nghĩa là một lực lượng đối lập mang tính xây dựng, một lực lượng đối lập thực sự với ông Emmanuel Macron.

Đảng cực hữu RN có bước tiến rất xa từ 8 ghế lên tới 89. Cánh tả cũng đã thành công để trở thành lực lượng đối lập lớn nhất tại Quốc hội.  

Cuộc tranh luận tại Quốc hội sẽ khó khăn và gay gắt hơn. Còn Tổng thống Emmanuel Macron sẽ phải đối mặt nhiều thách thức để cầm quyền và thực hiện các cải cách lớn, thậm chí là buộc phải thay đổi đường lối chính trị.

Dự kiến trong hai ngày 21 và 22/6, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron sẽ gặp một số đảng phái, trong đó có đảng cánh hữu LR để thảo luận về việc thành lập phe đa số tuyệt đối tại Quốc hội.  

Theo Nhân Dân

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày