Thứ 4, 13/11/2024, 07:01[GMT+7]

Chìa khóa nào cho bài toán nước sạch

Thứ 4, 29/06/2022 | 19:51:58
855 lượt xem
Chiều 29/6, tại Hà Nội, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức tọa đàm với chủ đề "Chìa khóa nào cho bài toán nước sạch".

Ảnh: VGP

Nước sạch là một trong những nhu cầu thiết yếu nhất trong đời sống con người. Nước sạch có vai trò vô cùng quan trọng trong việc bảo vệ sức khỏe cộng đồng, góp phần duy trì và phát triển an sinh xã hội. Đây cũng là nội dung được Chính phủ quan tâm và chỉ đạo quyết liệt, xuyên suốt thời gian qua, nhằm bảo đảm nguồn nước và chất lượng nước sạch cho người dân, phát triển kinh tế-xã hội của các địa phương trong cả nước.

Năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quyết định số 1566/QĐ-Ttg về Chương trình quốc gia bảo đảm cấp nước sạch giai đoạn 2016-2025 với mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ dân cư được cấp nước sạch, hợp vệ sinh đạt 95 - 100%. Cũng trong chương trình này, mục tiêu đến năm 2020, tỷ lệ dân cư được cung cấp nước sạch, hợp vệ sinh đạt 90 - 95%, đến năm 2025 có 95 - 100% người dân thành thị và 93 - 95% người dân ở nông thôn có nước sạch để dùng. Tuy nhiên, mục tiêu này khó đạt được bởi theo Báo cáo Tổng điều tra dân số và nhà ở của Tổng cục Thống kê năm 2019, tỷ lệ hộ tiếp cận nước máy chỉ chiếm khoảng 52%, ngoài ra, có 22,8% hộ sử dụng nguồn nước giếng khoan. Sau 2 năm ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, con số này vẫn giữ nguyên. Vấn đề đặt ra là vì sao một đất nước có tài nguyên nước dồi dào, sông hồ đa dạng trên cả nước mà tỷ lệ người dân dùng nước máy thấp như vậy? Giá nước đã phù hợp với cơ chế thị trường hay chưa? Thực trạng hoạt động, đầu tư của các doanh nghiệp cung cấp nước sạch thế nào và các chính sách về nước sạch đã đầy đủ hay chưa?        

Các chuyên gia, nhà quản lý tại cuộc tọa đàm đã góp phần trả lời những vấn đề trên.

Ông Châu Trần Vĩnh, Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết: theo số liệu thống kê của Bộ, hiện nay cả nước có khoảng 4.500 hệ thống công trình cho cả đô thị và nông thôn với công suất đến khoảng 11 triệu m3, đang khai thác hằng ngày khoảng 8,3 triệu m3, tập trung chủ yếu là khai thác nguồn nước mặt là 87% và nước ngầm là 13%. Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ quản lý về nguồn. Theo số liệu thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đối với cấp nước đô thị và nông thôn vừa rồi, con số này chiếm 80% người dân đô thị được tiếp cận nước sạch, 62% người dân nông thôn được tiếp cận nước sạch, con số có thể vênh do cách thống kê. Theo ngành nông nghiệp, họ có thể tính con số theo cách nước hợp vệ sinh…

Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, có 2 nguyên nhân chính. Với cấp nước đô thị, do dân số tăng, nhu cầu sử dụng nước ngày càng tăng, hệ thống cấp nước đô thị có nhiều khó khăn trong bảo đảm nguồn nước sạch cho người dân. Đặc biệt, những đô thị lớn và lâu có tình trạng hệ thống cấp nước có sự suy giảm, sự phát triển về mặt đường ống cấp nước, phải có cơ chế tập trung đẩy mạnh. Đơn cử là chúng ta đang có sự đô thị hóa rất nhanh, tuy nhiên chức năng quản lý là ngành xây dựng quản lý cấp nước đô thị, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn quản lý cấp nước nông thôn. Lúc triển khai ra thực tế, nhiều địa phương ở xã lên phường nên do chưa rõ trách nhiệm cấp nước đô thị hay nông thôn. Ngoài ra, còn vấn đề giá nước và thói quen sử dụng nước của người dân, đặc biệt là người dân nông thôn. Nếu để đủ chi phí vận hành, giá nước phải ở một mức nhất định. Người dân có thói quen sử dụng nước hợp vệ sinh nhưng theo hành vi, thói quen của gia đình như nước giếng khoan, nước mưa… nên có những yếu tố chưa bảo đảm chất lượng.

Theo ông Nguyễn Ngọc Điệp, Chủ tịch Hội Cấp thoát nước Việt Nam: Việc này do nhiều nguyên nhân, đầu tiên trong thể chế chính sách vẫn còn chồng chéo, có chỗ chưa cụ thể. Chính sách về đầu tư, đấu thầu, lựa chọn nhà đầu tư cho đấu thầu, chính sách cổ phần hóa, chính sách thu hút công nghệ xử lý nước sạch vẫn còn bất cập. Việc này Trung ương và Chính phủ đã chỉ đạo, trong đó Chính phủ đã có Nghị quyết giao Bộ Xây dựng nghiên cứu đối với vấn đề cấp thoát nước. Vì vậy, những vấn đề về văn bản, quy phạm pháp luật của vấn đề cấp thoát nước trong thời gian tới sẽ được giải quyết. Nước là mặt hàng đặc thù, vì vậy công tác đầu tư trong các doanh nghiệp cũng rất đặc thù. Thí dụ, vấn đề đầu tư, đấu thầu, lựa chọn chủ đầu tư thì có nhiều vấn đề vướng. Gần đây, có quyết định quy định không nâng tỷ lệ cổ phần của các doanh nghiệp cấp nước, nhưng nếu muốn mở rộng công suất thì vốn điều lệ phải tăng lên, nếu không tăng vốn điều lệ thì khả năng vay vốn và huy động vốn ở các kênh huy động vốn sẽ giảm.

Rõ ràng, phải rà soát cụ thể từng chính sách để tháo gỡ cho các doanh nghiệp cấp nước. Không chỉ liên quan đến lĩnh vực đầu tư, đấu thầu mà còn liên quan đến giá nước. Giá nước trong rất nhiều năm được quy định trong Quyết định 117 là tính đúng, tính đủ. Tuy nhiên, tính đúng tính đủ trong thời buổi giá cả vật tư đầu vào, điện, hóa chất, thiết bị ngành nước đều tăng, nếu không có lộ trình để hỗ trợ ngành nước thì quy mô sẽ giảm. Doanh nghiệp cấp nước khả năng thanh toán tất cả các đầu mối cấp nước sẽ ngày càng khó. Trước mắt, chúng ta cần sửa đổi Nghị định 117, sau đó có Luật Cấp thoát nước và có cơ chế tháo dỡ cho các doanh nghiệp ngành nước phải cụ thể, tỉ mỉ. Đội ngũ chuyên gia về ngành nước của các bộ, ngành phải ngồi với nhau để đưa ra những chính sách cụ thể tháo gỡ cho các doanh nghiệp cấp nước.

Ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và Phát triển truyền thông đánh giá: đối với thị trường nước sạch như kết quả nghiên cứu của Viện thì đúng là có sự tăng trưởng. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại những vấn đề khiến cho tỷ lệ cung cấp nước máy, đặc biệt vùng nông thôn, thấp hơn nhiều so với đô thị. Ngay cả ở Hà Nội, dù tổng công suất nước như đại diện Sở Xây dựng nói thì tỷ lệ tiếp cận khu vực nông thôn vẫn thấp. Năng lực của chúng ta đã tăng lên rất nhiều nhưng rõ ràng là với sức đô thị hóa và nhu cầu nước sạch lớn như vậy, kể cả phát triển khu công nghiệp, khu đô thị, phát triển nông thôn… thì vẫn còn đang chậm trễ trong các mục tiêu này. Để giải quyết vấn đề này, cần phát triển thị trường nước sạch lành mạnh, bảo đảm quyền lợi, đặc biệt cho các nhà đầu tư tư nhân, thì sẽ bù đắp được sự thiếu hụt của Nhà nước.

Việc đặt ra thu hút đầu tư trong lĩnh vực cấp nước cần xem xét, nghiên cứu trong vấn đề chính sách. Theo ông Châu Trần Vĩnh, Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước, trong khía cạnh quản lý tài nguyên, hiện nay để có một khối nước sạch đến với người dân, trách nhiệm quản lý về nguồn tài nguyên thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường; trách nhiệm cấp nước ở khu đô thị, theo vùng trách nhiệm thuộc Bộ Xây dựng; cấp nước nông thôn thuộc trách nhiệm Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; điều tiết giá là Bộ Tài chính; quy chuẩn, tiêu chuẩn về nước sinh hoạt là Bộ Y tế.

Về cơ chế phối kết hợp trong thời gian tới, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang được giao trách nhiệm sửa đổi Luật Tài nguyên nước làm sao bảo đảm an ninh nguồn nước, nhất là nước sinh hoạt, trong đó có những quy định cụ thể về trách nhiệm của các bộ, ngành để bảo đảm được nguồn nước sạch cho người dân, cho phát triển kinh tế-xã hội.

Dự kiến năm 2023, Quốc hội sẽ xem xét và thông qua luật này. Trong đó, hy vọng sẽ có những chính sách cụ thể để bảo đảm nguồn nước cũng như có cơ chế thu hút tham gia các nguồn lực với ưu tiên cao nhất…

Theo nhandan.vn

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày